Đầu cơ, găm hàng trong đợt mưa lũ nhằm trục lợi có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Trong nhiều tuần qua, các loại hàng hóa như thực phẩm, thuốc men, thậm chí là áo phao, phao cứu sinh phục vụ cho người dân vùng lũ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, mặt hàng áo phao cứu sinh đang trở nên khan hiếm trên thị trường khi các cá nhân, đoàn thiện nguyện thu mua với số lượng lớn tới hàng ngàn chiếc để đem hỗ trợ cho người dân vùng lũ.
Theo ghi nhận từ các kênh truyền thông, nhiều cửa hàng bán quần áo bảo hộ ở Hà Nội, TP HCM thông báo "cháy hàng" áo phao cứu sinh do nhu cầu mua hàng tăng đột biến.
Thông thường, giá bán mỗi chiếc áo phao cứu sinh chỉ từ 40.000 - 70.000 đồng/chiếc, nhưng trước nhu cầu cao và nguồn cung chưa kịp đáp ứng, giá bán đã tăng thêm từ 10.000 - 20.000 đồng/chiếc, thậm chí có nơi còn tăng giá bán lên gấp đôi.
Trước tình hình trên, ngày 21/10, Cục Quản lí thị trường (QLTT) Hà Nội và TP HCM đã yêu cầu tăng cường thông tin địa bàn, xử lí nghiêm đối tượng lợi dụng mưa lũ trục lợi bất chính, đặc biệt khẩn cấp kiểm tra, xử lí tình trạng thu gom, tăng giá đối với áo phao và phao cứu sinh.
Việc xử lí đối với hành vi thu gom, găm hàng cũng được qui định rõ tại Điều 31, Điều 32 Nghị định 98 của chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10, trong đó có nêu rõ các mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng.
Theo đó, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục do nhà nước định giá hoặc khi thị trường có biến động cung cầu do thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác nhằm bán lại thu lợi bất chính, sẽ xử phạt như sau:
Mức phạt tiền | Giá trị hàng hóa |
---|---|
5 - 10 triệu đồng | 50 - 100 triệu đồng |
10 - 20 triệu đồng | 100 - 200 triệu đồng |
20 - 50 triệu đồng | 200 - 500 triệu đồng |
50 - 80 triệu đồng | 500 triệu đồng - 1 tỉ đồng |
80 - 100 triệu đồng | Trên 1 tỉ đồng |
Đối với hành vi găm hàng, sẽ phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi như cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng; qui định niêm yết bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với các hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó.
Bên cạnh đó, các hình thức xử phạt bổ sung cũng được áp dụng như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 - 6 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.