|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đất giao thông của TP HCM chỉ chiếm 8%, doanh nghiệp muốn đầu tư mạnh vào hạ tầng, logistics

16:57 | 22/03/2022
Chia sẻ
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM thông tin hiện nay, đất giao thông của TP HCM chỉ chiếm 8%, trong khi bình quân đối với đô thị là 21-26%.

Sáng 22/3, UBND TP HCM tổ chức “Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2030”.

Phát biểu góp ý với TP HCM tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước góp ý  xoay quanh các vấn đề về lĩnh vực hạ tầng, logistics, các dự án đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, khu công nghiệp, nguồn nhân lực,…

Đất giao thông của TP HCM chỉ chiếm 8%, nhà đầu tư muốn đầu tư mạnh vào hạ tầng, logistics - Ảnh 1.

Ông Park Hyun Bae, Tổng Giám đốc công ty TNHH KCTC Việt Nam nêu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Thành ủy TP HCM).

Ông Park Hyun Bae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCTC Việt Nam nêu ý kiến về cảng Cát Lái được mở từ năm 2007, giờ là cảng lớn nhất ở TP HCM và chính sách này hoàn toàn đúng đắn. 

Tuy nhiên, theo ông, TP HCM cần kiểm soát hạ tầng giao thông, mỗi năm lượng hàng hóa thông quan qua cảng Cát Lái tăng 30%, nhưng cảng này vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thành phố.

Do vậy, TP HCM cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và cần cải thiện phát triển thêm nhiều cảng biển và cần tận dụng những cảng khu vực lân cận như cảng Hiệp Phước, nếu được vậy thì các công ty về vận tải, logistics cũng sẽ được hỗ trợ.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng góp ý để TP HCM phát triển thành trung tâm phân phối hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao, trên cơ sở phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại. Điều này còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của cuộc sống người dân đô thị.

Đối với Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho rằng, khi trung tâm này thành hình, TP sẽ có nhiều cơ hội để quy tụ các định chế tài chính chất lượng trên thế giới. Mặt khác, trung tâm cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Theo Tiền Phong, thông tin tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết hiện nay, đất giao thông của TP HCM chỉ chiếm 8% (trong khi bình quân đối với đô thị là 21-26%). Mật độ mạng lưới giao thông phải đạt con số 10-13 km/km2 nhưng hiện nay TP HCM chỉ đạt khoảng 2,1 km/km2.

“Hạ tầng, giao thông dù có cải thiện nhưng chưa theo kịp tiến độ đô thị hóa, tốc độ gia tăng dân số. Nhu cầu vốn đầu tư công của TP HCM rất lớn, trong khi nguồn lực rất hạn hẹp. TP HCM chỉ được giao khoảng 21% so với tổng nhu cầu”, bà Mai nói.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT TP HCM cho biết trong giai đoạn 2022 – 2025, nhiệm vụ chính của TP HCM là huy động hiệu quả các nguồn lực. TP HCM đã chủ động động đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, khơi thông nguồn lực phát triển về nguồn nhân lực, về đất đai, về nguồn lực tài chính...

Để huy động hiệu quả các nguồn lực, TP HCM sẽ rà soát quỹ đất công, xây dựng phương án bán đấu giá để bổ sung nguồn thu cho ngân sách. Thành phố sẽ thu hút vốn FDI theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường.

"TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đã được giao dự án sử dụng đất thực hiện nghiêm các điều kiện và có biện pháp chế tài kiên quyết đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, chậm tiến độ thực hiện dự án", bà Mai khẳng định.

Phương Trang