Đặt cược vào tôm
Lần đầu tiên, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao kỷ lục, hơn 8,3 tỉ USD. Trong đó, con tôm đóng góp lớn nhất, với 3,8 tỉ USD, chiếm hơn 45%. Với kết quả này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, con tôm sẽ vươn tới giá trị xuất khẩu 10 tỉ USD. Còn các doanh nghiệp cũng muốn dấn bước sâu hơn vào ngành tôm.
Gia tăng biên lợi nhuận cho tôm
Để chạm tới con số 10 tỉ USD, ngành tôm Việt Nam dự kiến sẽ có nhiều thay đổi. Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là thủ phủ của ngành tôm. Tại đây, các hoạt động từ sản xuất tôm giống, nguồn thức ăn, nuôi trồng, ngành chế biến tôm sẽ được quy hoạch, liên kết tạo thành chuỗi khép kín. Mỗi hoạt động sẽ ứng dụng khoa học, công nghệ và tự động hóa để đạt tới chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể hơn, Chính phủ đã quyết định thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha. Tại khu này, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, cho biết, tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt Úc 315ha, còn hơn 100ha thì giao cho 6 doanh nghiệp lớn khác vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm.
Thực tế, ở Bạc Liêu, bên cạnh Việt Úc còn có sự góp mặt đáng chú ý của các doanh nghiệp như Trúc Anh, Hải Nguyên. Mô hình nuôi tôm của Trúc Anh là siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ biofloc. Còn Hải Nguyên từ nhiều năm trước đã nuôi tôm trong nhà kính. Những mô hình nuôi tôm này có thể nuôi 2-3 vụ/năm, cho năng suất cao (120-300 tấn/ha, với mật độ thả tôm gấp 4-5 lần bình thường), hạn chế dịch bệnh, kiểm soát được chất lượng, giảm thiểu rủi ro.
Về phía tỉnh Cà Mau cũng được quy hoạch thành một trong những vựa tôm lớn nhất vùng . Trong đó, vùng nuôi tôm theo công nghệ cao dự kiến chiếm khoảng 800-1.000ha. Tập đoàn Minh Phú hiện là đơn vị đứng đầu ngành tôm ở Minh Phú, cũng là dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm. Trong chuyển biến mới, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Minh Phú từng kỳ vọng Tập đoàn có thể đạt doanh thu xuất khẩu tôm 2 tỉ USD vào năm 2025.
Trước mắt, theo báo cáo từ Công ty, 11 tháng đầu năm 2017, Minh Phú đã ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt trên 627,5 triệu USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Như vậy, chặng đường cho 8 năm tới của Minh Phú là phải đạt con số gấp ba lần hiện tại.
Để đạt tới mục tiêu này, ông Lê Văn Quang cho biết, Minh Phú sẽ thay đổi tư duy trong nuôi tôm, xây dựng thương hiệu, công nghệ, chú trọng thành lập các doanh nghiệp xã hội ở các hình thức nuôi... Minh Phú cũng sẽ chuyên sâu theo hướng khép kín quy trình, từ con giống, thức ăn, chuỗi cung ứng, chế biến và xuất khẩu tôm. Không riêng Minh Phú, Việt Úc cũng quyết dấn bước sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành tôm.
Trước nay, Việt Úc được biết đến như Tập đoàn dẫn đầu về tôm giống Việt Nam, chiếm 25% thị phần cả nước. Ngoài ra, Việt Úc cũng kinh doanh thức ăn cho tôm. Tuy nhiên, những thử nghiệm về nuôi tôm thương phẩm đã cho lãnh đạo Tập đoàn Việt Úc nhìn nhận mới. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu tôm, có đủ điều kiện khí hậu, sông nước thuận lợi cho nuôi tôm. Tôm lại là mặt hàng được ưa thích trên thế giới và cho giá trị rất cao. Giá bán 1 con tôm còn cao giá hơn 1 một tạ lúa.
Theo ông Đặng Quốc Tuấn, nếu làm tốt, làm đúng, giá trị con tôm sẽ còn tăng và giới đầu tư có thể đạt tới biên lợi nhuận 70%. Không chỉ thế, nếu đầu tư theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nhà đầu tư có thể đạt tỉ lệ thành công lên đến 70-75%. Đây là tỉ lệ thành công cao gấp 2-3 lần so với cách nuôi thông thường.
Hướng đi này còn đặc biệt quan trọng trong thời điểm ngành thủy sản của Việt Nam sẽ gặp khó khăn rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng thức ăn nuôi thủy sản có nguồn gốc động vật và chống đánh bắt bắt cá trái phép... Đáng lưu ý là việc Liên minh châu Âu (EU) “rút thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác vào quý III/2017.
Tôm cũng là mặt hàng có dư địa thị trường lớn. Mười năm qua, dù ngành tôm Việt Nam chưa chú trọng vào công nghệ cao nhưng giá trị con tôm xuất đi cũng đã tăng gần 3 lần. Nếu tôm được tổ chức, quy hoạch bài bản, ông Đặng Quốc Tuấn tin tưởng, con tôm Việt Nam sẽ còn phát triển lớn mạnh. Trên cơ sở nhìn nhận tiềm năng thị trường, mới đây, mới đây Việt Úc đã đưa vào hoạt động Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao ở Bạc Liêu, trên diện tích 315ha được giao. Ở đây,Việt Úc dự kiến không chỉ sản xuất giống, lập các trại nuôi tôm thâm canh mà còn xây nhà máy chế biến thức ăn, chế biến tôm xuất khẩu.
Rào cản công nghệ
Như vậy, so với Minh Phú, Việt Úc đã có sự đầu tư tập trung, tự chủ, tham gia khép kín chuỗi giá trị ngay từ đầu.Theo ông Đặng Quốc Tuấn, đây là cách để Việt Úc kiểm soát chất lượng ở mức cao nhất. Dự kiến toàn bộ vùng nuôi của Việt Úc sẽ là thâm canh công nghệ cao, nuôi trong nhà kính.
Cách thức này đỏi hỏi vốn đầu tư rất cao. Việt Úc ước chi khoảng 1000 tỉ đồng cho hoạt động đầu tư vào tôm. Trong đó, riêng đầu tư trại nuôi tôm công nghệ cao rất tốn kém. Theo tính toán từ phía Việt Úc, mỗi hecta nuôi tôm nhà kính ước cần vốn đầu tư khoảng 6-7 tỉ đồng. Ông Đặng Quốc Tuấn xác nhận, vốn đầu tư sẽ đều bằng nguồn tự có. Nguồn lực tài chính mạnh, quỹ đất lớn là những tiêu chí không dễ đạt tới cho một đơn vị muốn dấn bước sâu vào ngành tôm.
Ngoài ra, tôm cũng là loài dễ bị dịch bệnh. Theo những người trong ngành, chỉ cần xử lý nước không đúng, cho ăn không đúng, con tôm cũng dễ mắc bệnh. Hay việc đầu tư khung nhà kính, nếu không để ý, dàn khung dễ bị ăn mòn và sinh ra hóa chất có hại cho tôm.
Sau 1 năm thử nghiệm, Việt Úc đã phải thay mới dàn khung nhà kính cho 5 trại đầu tiên. NS BlueScope Lysaght là đơn vị cung cấp giải pháp chuồng trại mới cho Việt Úc. Ông Phùng Quốc Điền, Tổng Giám đốc của NS BlueScope Lysaght, cho biết, với mức giá chỉ 500.000 đồng/m2, bằng với chi phí đầu tư khung thường, dàn khung Lysaght Agrished cho độ bền trung bình 20 năm, gấp 3-4 lần bình thường. Lysaght Agrished còn giúp các trang trại hạn chế dịch bệnh, ngăn ngừa nguy cơ gió bão gây tốc mái, ngã đổ, giảm chi phí vận hành- bảo trì...
Vì thế, trong 2 năm qua, không chỉ cung cấp giải pháp chuồng trại cho Việt Úc, NS BlueScope Lysaght còn là nhà cung cấp dàn khung cho 22 trang trại lớn khác của CP, CJ, Thái Dương, Red Star, Tượng Sơn, Phú Gia...
Rõ ràng, nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi đầu tư đồng bộ. Ngay ở giai đoạn thử nghiệm, Việt Úc đã phải mất nhiều thời gian mới chọn được hệ thống nhà kính của Israel,các kỹ thuật, công nghệ nuôi tôm từ Úc, kỹ thuật xử lý nước của Đức, Mỹ, thức ăn Novaq... Với các đầu tư kỹ lưỡng, Việt Úc kỳ vọng có thể kiểm soát chất lượng và các rủi trong ngành tôm. Mục tiêu đến năm 2019-2020, Tập đoàn này có thể đạt 600.000-700.000 tấn tôm thương phẩm, chiếm khoảng 8% sản lượng tôm xuất khẩu cả nước. Từ năm 2020, trong cơ cấu doanh thu của Việt Úc, tôm thương phẩm có thể sẽ là nguồn đóng góp chính.
Liên quan đến những lo ngại đầu ra thị trường, ông Đặng Quốc Tuấn khẳng định, con tôm không sợ đầu ra. Vấn đề là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật từ thị trường thì Mỹ, EU, Nhật, Úc... đều muốn đặt hàng. Bước đi của Việt Úc sẽ là bán tôm vào siêu thị, hệ thống bán lẻ các nước