|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến thắng lớn

17:51 | 28/07/2020
Chia sẻ
Giá trị thương hiệu Amazon tăng trưởng 40% trong một năm trong khi Netflix thậm chí đã nhảy vọt tới 72%. Hơn một nửa số thương hiệu trong danh sách có nguồn gốc từ Mỹ.

Mới đây, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách 100 thương hiệu có giá trị nhất dựa trên tình hình hoạt động của các công ty hàng đầu thế giới. Nhìn vào bảng xếp hạng, có thể thấy những công ty như Amazon, Netflix và PayPal đều đã đạt được những thành tựu nhất định do cung ứng dịch vụ trực tuyến: thương mại điện tử, streaming và thanh toán phi tiền mặt.

Giá trị thương hiệu, một dạng tài sản vô hình của doanh nghiệp, bằng giá trị của doanh nghiệp sau khi loại bỏ các tài sản hữu hình. Một công ty có giá trị thương hiệu càng cao thì càng dễ tạo ảnh hưởng tới quyết định của khách hàng.

Top 100 thương hiệu giá trị nhất: Amazon, Netflix thắng lớn nhờ nắm bắt đúng xu thế cung ứng dịch vụ trực tuyến - Ảnh 1.

Giá trị thương hiệu Amazon nhảy vọt khi công ty tạo ra doanh thu cao vượt Apple, Google hay Facebook. Ảnh: Amazon.

Giá trị thương hiệu của Amazon đã tăng vọt 40% lên 135,4 tỉ USD, giữ chắc vị trí thứ 4 chỉ sau Apple, Google và Microsoft. Trong khi đó Netflix thậm chí còn có một bước nhảy ấn tượng hơn khi giá trị thương hiệu tăng trưởng 72% lên 26,7 tỉ USD, nhiều hơn so với doanh thu năm là 20,2 tỉ USD.

Trong top 10, ngoài việc các công ty công nghệ độc chiếm cả 5 vị trí trong top 5, thương hiệu không phải công nghệ lớn nhất thế giới thuộc về Coca Cola vói 64,4 tỉ USD. Đáng chú ý, dù giá trị thương hiệu rất cao nhưng doanh thu năm của Coca Cola chỉ là 25,2 tỉ USD, xếp áp chót trong top 10. Có thể hiểu, hãng đồ uống đang sở hữu giá trị vô hình cực kì lớn.

Các thương hiệu xếp sau Coca Cola lần lượt là Disney (giải trí), Samsung (công nghệ), Louis Vuitton (hàng xa xỉ), McDonalds (nhà hàng). Chỉ có đúng hai công ty trong top 10 mà giá trị thương hiệu bị giảm: Samsung mất 5% còn Facebook mất 21%. 

Vị trí thứ 11 trong số các thương hiệu có giá trị lớn nhất là Toyota với 41,5 tỉ USD. Tập đoàn ở Nhật Bản cũng sở hữu thương hiệu ô tô giá trị nhất thế giới, bất chấp việc thời gian gần đây, Toyota đã bị Tesla soán danh hiệu hãng ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới (Tesla thậm chí không có mặt trong bảng xếp hạng top 100).

Mercedes - Benz (hạng 23), BMW (hạng 27), Honda (hạng 29) và Audi (hạng 44) lần lượt xếp sau Toyota.

Phải tìm kiếm đến vị trí thứ 19, người xem mới thấy cái tên đầu tiên trong ngành bán lẻ. Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới sở hữu thương hiệu trị giá 29,5 tỉ USD. 

Đáng chú ý, dù giá trị thương hiệu không quá cao, nhưng Walmart đang là công ty tạo ra doanh thu cao nhất trong danh sách: 341 tỉ USD, vượt xa so với Apple (260,2 tỉ USD), Google (145,6 tỉ USD), Microsoft (125,6 tỉ USD), Amazon (260,5 tỉ USD) và Facebook (49,7 tỉ USD).

Top 100 thương hiệu giá trị nhất: Amazon, Netflix thắng lớn nhờ nắm bắt đúng xu thế cung ứng dịch vụ trực tuyến - Ảnh 2.

Giá trị thương hiệu không quá cao nhưng Walmart tạo ra doanh thu vượt xa các công ty công nghệ hàng đầu. Ảnh: Walmart.

Walmart không phải là trường hợp duy nhất mà doanh thu vượt gấp nhiều lần so với giá trị thương hiệu. Hầu hết hãng bán lẻ trong danh sách top 100 đều tương tự Wamart (Home Depot hạng 34, IKEA hạng 40, Zara hạng 41). Thực tế ấy tương đối ngược so với các công ty công nghệ đầu bảng, khi họ tạo ra doanh thu không quá cao, nhưng giá trị thương hiệu luôn cao ngất.

Nhìn rộng ra top 100, dịch vụ tài chính với 14 công ty là ngành chỉ xếp sau công nghệ về độ phủ (20). Tuy nhiên công ty cung cấp dịch vụ tài chính có thương hiệu lớn nhất là Visa cũng chỉ xếp hạng 18 trong top 100 với giá trị 31,8 tỉ USD.

Xét về mặt quốc gia, Mỹ vẫn là "cái nôi" của các thương hiệu lớn nhất thế giới với việc quá nửa công ty trong top 100 đến từ Mỹ. Những nước xếp sau Mỹ lần lượt là Đức (10 công ty), Pháp (9), Nhật Bản (6) và Thụy Sĩ (5).

Tiểu Phượng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.