|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đánh giá tích cực ngành ngân hàng, quĩ lớn nhất nhóm VinaCapital giảm tỉ trọng nhóm tài chính, hiệu suất đầu tư 10 tháng thua xa VN-Index

16:04 | 15/11/2019
Chia sẻ
Trong tháng 10, quĩ Vietnam Opportunity Fund (VOF) đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, quĩ này vẫn tăng trưởng âm trong 10 tháng, trong khi VN-Index đang tăng 11,8%.

Tăng trưởng trong tháng 10, hiệu suất Vietnam Opportunity Fund (VOF) vẫn thua xa VN-Index

VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) - quĩ lớn nhất thuộc nhóm VinaCapital vừa công bố kết quả đầu tư tháng 10. Theo đó, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quĩ (NAV per share) tính theo USD của quĩ VOF tăng 2,2% so với tháng trước. Tổng giá trị tài sản ròng của quĩ VOF tính đến cuối tháng 10 đạt 935,6 triệu USD.

Kết quả này tích cực hơn so với mức tăng 0,2% của VN-Index trong tháng vừa qua. Đánh giá về thị trường tháng trước đó, theo quĩ VOF, VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lí 1.000 điểm sau một thời gian giao dịch lình xình và không vượt qua.

Sự tích cực của thị trường trong tháng 10 đến từ thông tin mua cổ phiếu quĩ của Vinhomes, Vincom Retail và sự tích cực về kết quả kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, nhóm ngân hàng báo cáo lợi nhuận ròng quí III tăng 45% so với cùng kì.

Vina2

Hiệu suất đầu tư của quĩ VOF. Nguồn: VOF

Mặc dù đạt được sự tăng trưởng mạnh trong tháng 10, lũy kế 10 tháng đầu năm nay, quĩ VOF vẫn đang đi lùi với tị lệ giảm 0,9%, thấp hơn đáng kể với hiệu suất 11,8% của VN-Index.

Điều này đang đặt lên áp lực về cải thiện hiệu suất của quĩ VOF trong 2 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, một dấu hiệu khởi sắc là trong 3 tháng gần đây, quĩ VOF tăng trưởng 1,1%, trong khi VN-Index chỉ đạt được mức tăng 0,8%. Hai chỉ số tham chiếu khác là MSCI Emerging Market và MSCI Vietnam có hiệu suất lần lượt là 0,5% và -0,7%.

Những gì cho thấy quĩ VOF đạt được hiệu suất tích cực hơn ba chỉ số tham chiếu. Để rút ngắn khoảng cách về hiệu suất đạt được và sự tăng trưởng của VN-Index, danh mục của quĩ VOF cần phải đạt được sự bứt phá trong 2 tháng còn lại của năm nay. 

Quĩ VOF giảm tỉ trọng cổ phiếu tài chính trong tháng 10, nắm giữ nhiều trái phiếu và tiền mặt hơn

Trong tháng 10, quĩ VOF thực hiện cơ cấu danh mục đầu tư. Cơ cấu theo ngành của quĩ có sự thay đổi ở nhóm tài chính. So với tháng trước, tỉ trọng của nhóm tài chính giảm xuống còn 11,1%, trong khi tháng trước là 12,7%.

Nhóm bất động sản và xây dựng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của VOF với 19,2%, giảm 0,4% so với tháng trước đó. Nhóm thực phẩm và đồ uống, vật liệu xây dựng chiếm tỉ trọng thứ hai và thứ ba trong danh mục của quĩ VOF, với 16,6% và 15,5%.

NA43

Cơ cấu danh mục đầu tư của quĩ VOF theo ngành và loại tài sản. Nguồn: VOF

Về cơ cấu theo loại tài sản của quĩ VOF, tính đến cuối tháng 10, cổ phiếu niêm yết vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với 63%, giảm 3% so với cuối tháng 9. Theo sau đó, cổ phiếu chưa niêm yết chiếm tỉ trọng 17,9%, giảm 0,2%.

Vốn tư nhân (PE) chiếm tỉ trọng 14,2% danh mục đầu tư của quĩ VOF tại thời điểm cuối tháng 10. Đáng chú ý, cơ cấu tài sản của quĩ VOF cho thấy quĩ này đã phân bố 3,3% danh mục vào trái phiếu.

Với việc giảm tỉ trọng mạnh của cổ phiếu niêm yết trong danh mục đầu tư, tỉ trọng tiền mặt của quĩ VOF tăng từ 6,9% cuối tháng 9 lên 8,6%.

Biến động trong Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất của quĩ VOF

Kết quả của hoạt động cơ cấu danh mục đầu tư theo ngành và phân loại tài sản, Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất danh mục của quĩ VOF cũng có sự thay đổi tính đến cuối tháng 10.

Vina1

Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của quĩ VOF. Nguồn: VOF

Theo đó, nửa trên của Top10 không có sự thay đổi với các mã như HPG, KDH, ACV, PNJ và VNM. Cụ thể, cổ phiếu HPG chiếm tỉ trọng đến 10,7% danh mục của quĩ VOF, theo sau là KDH (10%), ACV (8,1%).

Nếu như nửa trên của danh mục không có nhiều biến động, nhóm cuối của danh mục đầu tư của quĩ VOF có sự thay đổi khi mã HDB của HDBank không còn góp mặt. Cuối tháng 9, tỉ trọng của cổ phiếu HDB là 2,2%. Trong tháng 10, khối ngoại bán ròng gần 121 tỉ đồng cổ phiếu HDB.

Thế chân cổ phiếu HDB là mã PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) với tỉ trọng 1,6% tại thời điểm cuối tháng 9, đứng thứ 10 trong danh mục đầu tư của quĩ VOF. 

Với việc giảm giá mạnh trong trong tháng 10, tỉ trọng của cổ phiếu CTD giảm từ 2,7% xuống còn 2%. 

Nửa đầu của tháng 11, hai cổ phiếu thuộc "họ Vingroup" là VRE và VHM diễn biến tích cực. Việc thiếu hai mã này trong danh mục đầu tư của quĩ VOF có thể ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư của quĩ. 

Với danh mục như hiện tại và động thái giảm tỉ trọng nhóm tài chính của quĩ VOF, đâu là mã giúp cải thiện hiệu suất giúp quĩ có "cái kết" tốt nhất trong năm 2019 vẫn là một khía cạnh nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư là khách hàng của quĩ.

Vina

Hội nghị nhà đầu tư VinaCapital 2019 được tổ chức đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh: Phan Quân

Phan Quân