Cuộc chiến thương mại của ông Trump đang siết 'vòng kim cô' vào ngành bia thủ công
Collin Castore bắt đầu bán bia thủ công tại những buổi trình diễn nhạc rock từ giữa thập niên 90 của thế kỉ trước, khi bia thủ công vẫn là thị trường ngách. Dần dần ông tích cóp tiền để mua một bar ở thành phố Columbus, Ohio.
Mặc dù phần lớn người dân uống bia của những thương hiệu lớn như Budweiser và Miller, một bộ phận người tiêu dùng vẫn uống các thương hiệu bia thủ công như Sierra Nevada và Samuel Adams.
Sự bùng nổ của bia thủ công ở Mỹ
Sau khoảng một thập kỉ, Collin bán quán bar để đồng sáng lập công ty sản xuất bia thủ công Seventh Son Brewing vào năm 2013. Hồi đó, khoảng 7 công ty bia thủ công hoạt động ở thành phố Columbus. Ngày nay, con số đó là 55.
Trên phạm vi nước Mỹ, ngành bia thủ công đã bùng nổ từ con số 1.500 hãng bia tươi trong năm 2000 lên 7.450 thương hiệu vào năm 2018, theo CNBC.
Ngành bia thủ công đang bùng nổ ở Mỹ. Ảnh: CNBC
Mặc dù vậy, các công ty bia thủ công đang ngày càng tỏ ra lo ngại về tương lai trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi chính sách của Washington làm tăng giá lon nhôm, thiết bị ủ bia và nhiều thứ khác.
"Một khả năng khá rõ ràng là số lượng công ty bia tươi có thể tiếp tục hoạt động sẽ giảm. Họ là những công ty khởi nghiệp và những nhà sáng lập phải vay tiền của bạn bè, người thân để kinh doanh. Gần như mọi thứ mà họ phải mua đã chịu tác động từ chính sách tăng thuế", John Watt, người sáng lập một hãng bia thủ công ở Columbus, bình luận.
"Có lẽ chúng tôi sắp phải tăng giá để bù thuế"
Thách thức bắt đầu xuất hiện với ngành bia thủ công từ hơn một năm trước, khi tổng thống áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ Trung Quốc vào tháng 3/2018.
Collin nói giá một lon nhôm đã tăng từ 15-18 cent lên 19-24 cent. Hai xưởng bia của ông sản xuất khoảng 800.000 lon bia mỗi năm ở bang Ohio. Theo tính toán của Collin, việc tăng thuế khiến ông phải chi thêm khoảng 16.000 USD mỗi năm.
Hiện tại, Collin vẫn giữ nguyên giá mỗi lon bia, nhưng có thể ông sẽ phải tăng giá nếu chi phí cho lon nhôm tiếp tục tăng.
"Nếu thuế nhập khẩu đối với nhôm tăng thêm 20%, chúng tôi sẽ phải tăng giá lon bia vì chúng tôi không đủ khả năng duy trì giá hiện nay", ông thừa nhận.
Rob Burns, người đồng sáng lập hãng bia thủ công Night Shift Brewing ở thành phố Everett, bang Massachusetts, nói rằng giá lon nhôm đã tăng 16% từ năm 2016.
Night Shift Brewing có thể sản xuát khoảng 13,2 triệu lon bia thủ công trong năm nay, và Rob ước tính chi phí sản xuất sẽ tăng thêm 264.000 trong năm nay do tình trạng tăng giá lon nhôm.
"Chúng tôi chỉ là những công ty gia đình, nên tiết kiệm từng USD là việc rất quan trọng. Phải chi thêm 265.000 USD là một vấn đề lớn. Nếu không phải chi số tiền ấy, tôi có thể tạo thêm 2 hoặc 3 việc làm, mua thêm thiết bị để tăng doanh thu", Rob phát biểu.
"Ai mà ngờ lon nhôm lại phải chịu mức thuế cao như vậy"
Khi Dan Katt thành lập công ty bia thủ công Good City Brewing ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin vào năm 2016, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là viễn cảnh mà ông không bao giờ nghĩ tới.
"Thậm chí tôi còn không nghĩ một người như ông Donald Trump có thể trở thành tổng thống", Dan nói với VOA.
Hồi ấy, thay vì đóng chai thủ tinh, Dan quyết định dùng lon nhôm. Ông không thể ngờ quyết định ấy sẽ cản trở sự tăng trưởng của công ty trong tương lai.
"Chúng tôi không bao giờ nghĩ một ngày nào đó lon nhôm lại chịu mức thuế cao ngất ngưởng đến thế", Dan thừa nhận. Ông nhập khẩu lon nhôm từ Trung Quốc, và sản phẩm ấy đang chịu mức thuế nhập khẩu 10%.
Mỗi lần nhập khẩu lon nhôm, Dan phải mua tới 215.000 chiếc. Vì thế, việc Nhà Trắng tăng thuế với nhôm khiến ông phải chi thêm hàng chục nghìn USD cho mỗi lần nhập hàng.
Washington tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu để thúc đẩy sự phát triển của ngành nhôm, thép trong nước và thêm việc làm trong hai ngành này. Chính sách tăng thuế đang tác động tới nhiều ngành trong nền kinh tế Mỹ, bao gồm bia thủ công, bởi các công ty bia cần thép và nhôm để tạo ra sản phẩm.
Dan khẳng định công ty của ông sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong ngắn hạn
"Song tôi hi vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ kí kết thỏa thuận để chấm dứt thương chiến trước khi tôi phải chuyển phần chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng", Dan thổ lộ.