|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình lên ngôi vương nhờ những cuộc thâu tóm của 'Vua bia'

16:47 | 08/08/2019
Chia sẻ
Từng thiếu tiền khi mua một tập đoàn ở Bỉ và vấp phải sự phản đối của ứng cử viên tổng thống khi thâu tóm một hãng bia Mỹ, song "Vua bia" Carlos Brito vẫn giành thắng lợi chung cuộc.

Anheuser-Busch InBev là tập đoàn đa quốc gia đang chiếm gần 1/3 thị trường bia toàn cầu và Carlos Brito (quốc tịch Brazil) là người điều hành tập đoàn.

"Tôi không bao giờ thỏa mãn vì thế giới có gần 8 tỉ người trong khi lực lượng nhân sự của tập đoàn chỉ là 200.000. Rất nhiều ý tưởng ngoài kia sáng tạo và hiệu quả hơn nhiều so với những ý tưởng mà chúng tôi đang áp dụng", Carlos Brito nói.

Doanh nhân giản dị nhưng tham vọng

Vị tổng giám đốc Anheuser-Busch InBev bắt đầu sự nghiệp tại Công ty bia Ambev ở thành phố Rio de Jainero, Brazil từ năm 1989. Ông giữ nhiều vị trí quản lý khác nhau về tài chính, vận hành và bán hàng, trước khi giữ chức tổng giám đốc vào tháng 1/2004.

Carlos Brito

Ông Carlos Brito, Tổng giám đốc tập đoàn bia Anheuser-Busch InBev. Ảnh: thetimes.co.uk

Jorge Paul Lemann, tài phiệt ngành bia ở Nam Mỹ, hậu thuẫn Carlo một cách tích cực. Phong cách quản lí, tư tưởng và triết lí kinh doanh của Carlo khá giống Jorge. Trong cuộc sống ông là người giản dị, tránh sự hào nhoáng, xa hoa, nhưng trên thương trường, ông quyết liệt và rất tham vọng.

Ngay sau khi Carlos Brito nhận chức tổng giám đốc, Jorge Paul Lemann hỗ trợ tiền để ông thâu tóm InterBrew, hãng bia lớn nhất ở Bỉ. InterBrew sơ hữu hai thương hiệu bia nổi tiếng Stella Artois và Beck's.

11,5 tỉ USD là số tiền Ambev phải chi để mua InterBrew. Nếu Jorge không cho vay, chắc chắn Ambev không thể có đủ tiền cho thương vụ thâu tóm. Sau đó tập đoàn đổi tên thành InBev. 

Vụ thâu tóm InterBrew giúp Carlos sở hữu công nghệ nấu bia và ủ men hàng đầu tại châu Âu, cùng những nhà máy bia tại Trung Quốc và công ty bia Labatt tại Canada. 

Sau thương vụ, thị phần của InBev trên thị trường bia thế giới đạt 14%. Bia của hãng hiện diện tại 140 quốc gia, mang về doanh thu 9,5 tỷ EUR (tương đương hơn 10 tỷ USD) mỗi năm. 

Cuộc đối đầu các ứng cử viên tổng thống Mỹ

Khao khát xây dựng InBev trở thành đế chế lớn nhất trong ngành công nghiệp bia, Carlos Brito quyết thâu tóm nhãn hiệu bia Budweiser của Anheuser-Busch, hãng bia ở Mỹ có tuổi đời tới 186 năm tuổi ở Mỹ, cũng là niềm tự hào của ngành bia tại đây.

Năm 2008, CEO Carlos Brito mua lại hãng Anheuser-Busch từ gia tộc Busch. Thương vụ trở thành đề tài nóng hổi của giới truyền thông bởi sự can thiệp của hàng loạt nhân vật kỳ cựu tại nước Mỹ hồi ấy như nghị sĩ John McCain, cựu tổng thống Barack Obama.

Anheuser-Busch InBev

Trụ sở của tập đoàn Anheuser-Busch InBev ở Bỉ. Ảnh: The Business Journal

Hồi ấy, với tư cách là ứng cử viên tổng thống, cả hai thượng nghị sĩ John McCain và Barack Obama không muốn Carlo Brito thôn tính Anheuser-Busch và chỉ trích gay gắt thương vụ.

Ông Obama bình luận việc một doanh nghiệp nước ngoài mua Anheuser-Busch là "nỗi nhục". Theo thời gian, sức ép từ chính giới và báo giới Mỹ khiến nội bộ cả hai tập đoàn chia rẽ. Hàng loạt trang web phản đối thương vụ ra xuất hiện rầm rộ, biến vụ mua bán thành vấn đề chính trị.

Để thúc đẩy tiến độ, Carlos nâng mức giá mua Anheuser-Busch từ 46,3 tỷ USD lên đến 52 tỷ USD. Ngay lập tức giá cổ phiếu của Anheuser-Busch tăng từ 65 USD lên 70 USD. Diễn biến ấy khiến các cổ đông của Anheuser-Busch chấp thuận đề nghị của Carlos. 

Vụ mua Anheuser-Busch dẫn tới sự ra đời của siêu tập đoàn bia Anheuser-Busch InBev với hơn 200 sản phẩm trên thế giới.

Nhờ thành tựu mua hãng sản xuất bia Anheuser-Busch, Carlos Brito đã trở thành niềm tự hào của người Brazil và khu vực Mỹ Latin. 

Thương vụ cũng cứu Anheuser-Busch, biểu tượng ngành công nghiệp bia của Mỹ, thoát thảm kịch phá sản trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Nhạc Dương