Đằng sau quyết định 'xả lũ' gạo của Thái Lan
Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2017. Ảnh: Reuters
Cụ thể, trong đợt bán đấu giá đầu tiên, 2,87 triệu tấn gạo chất lượng cao sẽ được bán vào ngày 16/2. Số 5,2 triệu tấn gạo còn lại trong kho sẽ được bán cho các nhà chế biến thực phẩm và sản phẩm công nghiệp do có chất lượng kém hơn kể từ tháng 3/2017 và dự kiến Thái Lan sẽ bán hết số gạo này trong tháng 5/2017.
Đây là số gạo tồn từ chính sách trợ giá của chính phủ tiền nhiệm dưới thời Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Vì đâu nên nỗi?
Cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan hồi năm 2011, đảng “Vì nước Thái” dưới sự lãnh đạo của bà Yingluck Shinawatra đã giành thắng lợi đầy thuyết phục trước Đảng Dân chủ cầm quyền Thái Lan.
Vào thời điểm đó, “Vì nước Thái” đã lấy lòng cử tri bằng cam kết giúp nông dân tăng thu nhập thông qua chương trình trợ giá gạo đầy tham vọng.
Tuy nhiên, trái ngược những với kỳ vọng, chương trình này không những không thể cải thiện đời sống cho người nông dân mà thậm chí còn là một trong những “thủ phạm” khiến “xứ chùa Vàng” đánh mất vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và gián tiếp khiến chính phủ của bà Yingluck sụp đổ.
Chưa dừng lại ở đó, sai lầm còn khiến Thái Lan phải gánh thêm một “núi” gạo tồn kho khổng lồ với chi phí bảo quản rất tốn kém.
Trong các cam kết đáng chú ý của “Vì nước Thái” có cam kết thực hiện chương trình trợ giá gạo, với mức giá mua vào 15 .000 baht/tấn, cao hơn 3.000 baht/tấn so với mức giá cam kết của Chính phủ do đảng Dân chủ lãnh đạo lúc đó và hơn 1.000 baht/tấn so với mức giá mà những người nông dân đòi hỏi.
Sau khi lên nắm quyền, Chính phủ của bà Yingluck đã bắt đầu triển khai chương trình trợ giá lúa gạo từ tháng 10/2011, với giá mua được cố định ở mức 15.000 baht/tấn, cao hơn khoảng 50% so với giá bán ở thị trường nội địa.
Chương trình này hướng tới hai mục tiêu là nâng cao thu nhập của nông dân bằng cách mua gạo của họ với giá cao hơn giá thị trường và tăng giá nông sản này trên thị trường quốc tế bằng cách giảm lượng gạo xuất khẩu.
Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, Chính phủ Thái đã chi hơn 337 tỷ baht, gồm hơn 118 tỷ baht cho vụ mùa đầu tiên và 218 tỷ baht cho vụ mùa thứ hai. Có khoảng gần 3,5 triệu hộ nông dân đã đăng ký tham gia chương trình.
Kết quả nghiên cứu của Ủy ban Chính sách Gạo Quốc gia Thái Lan cho thấy chương trình đã giúp tăng thêm 184 tỷ baht thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần giúp từ 15 đến 18 triệu nông dân (khoảng 3,7 triệu hộ gia đình) giảm nghèo, với thu nhập trung bình mỗi hộ 4 người vào khoảng 24.795 baht.
Khi tung ra chương trình trợ giá gạo, Bangkok kỳ vọng việc họ tích trữ nông sản này sẽ gây ra tình khan hiếm và giúp tăng giá gạo trên thị trường quốc tế, qua đó cải thiện thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên, chính sách này đã bị phá sản bởi vì, khi Thái Lan giảm lượng gạo xuất khẩu, các đối thủ cạnh tranh chủ chốt như Ấn Độ và Việt Nam đã ngay lập tức lấp khoảng trống mà nước này để lại.
Bên cạnh đó, việc trợ giá đã khiến giá lúa gạo xuất khẩu Thái Lan tăng vọt và làm giảm lợi thế cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế.
Đây là những nguyên nhân khiến Thái Lan để mất vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vào tay Ấn Độ và Việt Nam trong các năm 2012 và 2013. Mặt khác, tại thời điểm đó, tình hình thị trường nông sản cũng rất bất lợi cho chương trình trợ giá gạo của Thái Lan. Trên thị trường quốc tế, giá gạo liên tục giảm do tình trạng dư cung.
Trong nửa đầu năm 2012, giá gạo xuất khẩu đã giảm tới 45,8%. Điều này đã khiến lượng gạo nằm trong kho dự trữ của Chính phủ liên tục tăng.
Có thời điểm, số gạo tồn kho thuộc chương trình trợ giá lên tới 18 triệu tấn, gần bằng sản lượng gạo cả năm của Thái Lan, khiến các kho dự trữ rơi vào tình trạng quá tải.
Vấn đề là chi phí bảo quản số gạo tồn kho này rất tốn kém, trong khi gạo có thể bị hư hỏng cho dù có được bảo quản trong điều kiện lý tưởng. Để giải phóng lượng gạo tồn kho trong chương trình này, ngoài việc bán cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan đã mở thêm nhiều kênh tiêu thụ mới như đấu giá tại Sở Giao dịch Hợp đồng Tương lai về Nông sản Thái Lan (AFET) hay xuất khẩu theo các thỏa thuận liên chính phủ.
Sau này, Thái Lan đã chấp nhận bán lỗ để “xả” kho dự trữ, khiến giá gạo xuất khẩu của nước này giảm mạnh. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực đó, lượng gạo tồn kho không hề giảm.
Nguyên nhân là do Chính phủ Thái Lan đã ấn định mức giá mua vào quá cao so với giá xuất khẩu tại thời điểm đó. Điều này khiến cho nước này gặp khó khăn trong việc bán gạo mà họ đã mua theo chương trình trợ giá để thu hồi vốn, chứ chưa nói đến việc kiếm lời từ hoạt động này.
Đỉnh điểm là vào ngày 7/5/2014, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã quyết định cách chức bà Yingluck với lý do vi phạm hiến pháp và lạm quyền trong vụ điều chuyển công tác của một quan chức an ninh hồi năm 2011.
Đến tháng 1/2015, bà Yingluck đã bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm sau khi một đạo luật được quân đội hậu thuẫn cho thấy cựu Thủ tướng này đã phạm tội tham nhũng liên quan tới chương trình trợ giá gạo.
Hoạt động chất hàng lên xe tải cho các đơn hàng xuất khẩu gạo tại tỉnh Chainat (Thái Lan). Ảnh: Reuters
Nỗ lực sửa sai
Kế hoạch “giải phóng” 8,07 triệu tấn gạo vừa được công bố được coi là nỗ lực cuối cùng nhằm giải quyết dứt điểm những hệ lụy từ chương trình trợ giá gạo của chính quyền Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha .
Số gạo này hiện đang được dự trữ tại 274 kho hàng trên khắp đất nước và những nhà thầu đủ tiêu chuẩn sẽ được phép đặt thầu vào ngày 16/2. Ước tính khoảng 50% trong số 2,87 triệu tấn gạo được bán vào tháng này sẽ là gạo thơm nhài (Hom Mali), 20% là gạo trắng và còn lại là các loại gạo Pathum Thani và gạo nếp.
Động thái này được đưa ra giữa bối cảnh ngành xuất khẩu lúa gạo của Thái Lan dự kiến sẽ có một năm khó khăn với nguồn cung gạo tại các nước nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng mạnh trong khi nhu cầu trên thị trường lại xuống thấp hơn năm ngoái.
Cục trưởng Cục Ngoại thương Thái Lan, bà Duangporn Rodphaya, nói rằng đợt “xả kho” 2,87 triệu tấn gạo chất lượng cao bằng hình thức bán đấu giá trong tháng này sẽ giúp “làm nguội” áp lực giá trên thị trường thế giới đồng thời tạo cơ hội để Bangkok giảm gánh nặng chi phí bảo quản dự trữ gạo trong kho.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến giảm khoảng 4% trong năm nay do phải đối mặt với cạnh tranh từ Việt Nam và các nhà sản xuất chủ chốt khác.
Theo dự báo được Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Thái Lan (TREA) Chookiat Ophaswongse công bố ngày 4/2, nước này sẽ xuất khẩu khoảng 9,5 triệu tấn gạo với giá trị 150 tỷ baht trong năm 2017, thấp hơn mức 9,88 triệu tấn với giá trị 154,4 tỷ baht của năm 2016.
Lý do cho sự sụt giảm này là cạnh tranh của các nước, giá gạo xuống thấp và đồng baht mất giá. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Thái Lan được dự báo vẫn duy trì vị trí thứ hai thế giới, sau Ấn Độ, nước cũng dự kiến sẽ giảm xuất khẩu gạo xuống còn mức hơn 10 triệu tấn.
Việt Nam được dự báo vẫn sẽ là nước xếp thứ ba với tổng lượng gạo xuất khẩu là 5,8 triệu tấn. Cũng theo Chủ tịch Chookiat Ophaswongse, sự cạnh tranh từ Việt Nam sẽ khiến xuất khẩu gạo trắng của Thái Lan giảm đến 400.000 tấn, xuống chỉ còn 4,6 triệu tấn, bất kể doanh số bán gạo thơm nhài có thể tăng 9% lên 2,5 triệu tấn.
Những dự đoán này được đưa ra sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo toàn cầu sẽ tiếp tục vượt cung trong năm thứ 12 liên tiếp, khiến giá mặt hàng này khó có thể tăng.
Theo số liệu chính thức từ trang web của TREA, giá gạo trắng của Thái Lan biến động không nhiều trong năm qua, đứng ở mức 375 USD/tấn ngày 25/1, trong khi tại Việt Nam và Ấn Độ, mức giá này lần lượt là 434 USD/tấn và 370 USD/tấn.
Kiattisak Kanlayasirivat, một Giám đốc tại hãng cung cấp dịch vụ thương mại hàng hóa Ascend Commodities SA có trụ sở ở Bangkok, nhận định giá gạo Thái sẽ tiếp tục biến động quanh mức hiện nay, giữa bối cảnh nhu cầu đang bị lấn át bởi nguồn cung dồi dào từ phía các nhà sản xuất chủ chốt.
Chuyên gia này cho biết thêm giá gạo thậm chí sẽ tiếp tục giảm từ 5-10 USD/tấn trong thời gian tới khi Việt Nam bước vào mùa vụ thu hoạch.