Đằng sau cú sốc thổi bay 2 tỉ USD chứng khoán
Khi mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt về thông tin cựu chủ tịch của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt, giá cổ phiếu của BIDV nói riêng và của nhóm ngành ngân hàng nói chung đều chịu tác động mạnh.
Sau đó cả Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an lẫn ngân hàng này đều khẳng định thông tin ông Trần Bắc Hà chỉ là tin đồn thất thiệt. Nhưng cú tai bay vạ gió này đã kịp thổi bay hơn 7.500 tỉ đồng giá trị vốn hóa của cổ phiếu BIDV chỉ trong một phiên giao dịch vào ngày 9-8 vừa qua.
Ngơ ngác vì hàng tỉ đô bỗng nhiên ra đi
Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong phiên giao dịch ngày 9-8, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đồng loạt giảm mạnh trên diện rộng, đặc biệt sắc đỏ phủ khắp nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm tới gần 18 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 1-2016.
Tính chung phiên ngày 9-8, toàn thị trường niêm yết đã “bay hơi” 45.849 tỉ đồng, tương ứng với hơn 2 tỉ USD. Trong đó, nhóm ngân hàng giảm mạnh nhất, với 10 nhà băng niêm yết trên sàn đã mất 15.725 tỉ đồng, tương đương khoảng 639 triệu USD. Riêng cổ phiếu BIDV đã cuốn bay của thị trường 7.521 tỉ đồng.
Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng bị tác động mà BIDV giảm sàn còn tác động lan tỏa tới cổ phiếu tài chính nói riêng và thị trường nói chung. Đánh giá về sự cố trên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cho rằng về lý thuyết phiên giảm mạnh này là quá bất ngờ với rất nhiều người kể cả những người làm trong ngành. Nó coi như đã phá vỡ tất cả xu hướng tăng điểm đang cố gắng duy trì trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, những vụ mất tỉ đô trên sàn chứng khoán Việt do tin đồn như trên không phải là hiếm. Đơn cử năm 2013, những tin đồn tương tự về ông Hà đã xuất hiện và chứng khoán Việt Nam khi đó cũng bị thổi bay khoảng 1,5 tỉ USD, bất chấp việc ông lên tiếng bác bỏ thông tin thất thiệt này.
Một chuyên gia từng làm việc tại một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Singapore… cho rằng tại những nơi mà thị trường chứng khoán phát triển thì hiếm có khái niệm đầu tư theo tin đồn. Những đồn đoán thiếu căn cứ kiểu như ông Trần Bắc Hà bị bắt hay thậm chí ngay cả việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật cũng không khiến tâm lý nhà đầu tư lung lay.
“Trong khi đó ở Việt Nam, nơi mà sức đề kháng của nền kinh tế còn yếu, những tin đồn kiểu này có sức tác động tiêu cực rất lớn. Chính sức đề kháng yếu ớt và sự thiếu minh bạch là một trong những nguyên nhân khiến thị trường tài chính dễ dàng chao đảo mỗi khi có thông tin xấu” - chuyên gia trên bình luận.
Còn ông Dương Anh Vũ, chuyên gia chứng khoán, nhận định qua những cú sốc cho thấy thực tế tâm lý bầy đàn vẫn tồn tại. “Nhiều nhà đầu tư sau khi bán tháo cổ phiếu, thậm chí đã ngơ ngác không biết tại sao thị trường rơi tự do. Mỗi một cú sốc như vậy sẽ làm mất vốn hóa hàng tỉ USD. Đối mặt với cơn sóng dữ đó chắc chắn sẽ có nhiều người mất và cũng sẽ có những người thắng” - ông Vũ nêu quan điểm.
Đừng chết vì tin đồn
Một ngày sau cú sốc trên thị trường chứng khoán, tại buổi lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh diễn ra hôm 10-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định “chỉ vì tin đồn thất thiệt mà thị trường chứng khoán đã mất 2 tỉ USD”. Phó Thủ tướng cho rằng trong lịch sử đã có những kiểu tin đồn thất thiệt như vậy, không có căn cứ, không có cơ sở và có thể với mục đích trục lợi.
“Hôm qua tôi rất băn khoăn khi các cổ phiếu ngân hàng lao dốc rất mạnh, trong đó có cổ phiếu của Ngân hàng BIDV vì tin đồn. Tôi mong rằng các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) bình tĩnh, tin tưởng vào thị trường công khai, minh bạch; sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong bối cảnh thông tin phức tạp, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cần tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin, bảo đảm khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.
Bị phạt 600 triệu vì thao túng cổ phiếu của bầu ĐứcỦy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 10-8 đã ban hành quyết định xử phạt 600 triệu đồng đối với bà Trần Thị Minh Phượng (địa chỉ 15 Trường Chinh, Pleiku, Gia Lai). Lý do bà Phượng đã sử dụng 42 tài khoản để giao dịch cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, do ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch. Qua đó nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HNG.
|
Tán đồng với quan điểm trên, nhiều ý kiến khác cũng đề nghị cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ liệu có kẻ tung tin đồn thất thiệt hay không, động cơ phía sau việc tung tin thất thiệt là gì. Khi xác định được đối tượng tung tin đồn thì phải có chế tài, xử lý tương xứng với thiệt hại gây ra. Bên cạnh đó, để giảm tác động nguy hiểm của tin đồn rất cần có những thông tin chính thống kịp thời và chủ động bác bỏ các tin đồn thất thiệt.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI, nhận định chỉ với tin đồn kiểu này mà tất cả cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lao dốc. Khi các vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng chưa thực sự rõ ràng, nhà đầu tư khôn ngoan nên nhìn vào những điểm cốt lõi. Ví dụ tăng trưởng của nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong sáu tháng đầu năm nay đạt 7,7%, mức cao nhất nhiều năm; giới đầu tư quốc tế tiếp tục rót mạnh tiền vào chứng khoán Việt; thị trường tiền tệ bao gồm lãi suất và tỉ giá ổn định.
“Như vậy có thể thấy các yếu tố từ vĩ mô đến nội tại của các DN niêm yết đều vẫn đang hỗ trợ tích cực cho chứng khoán” - ông Linh phân tích.
Tin đồn cựu chủ tịch của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt khiến giá cổ phiếu của BIDV tuột dốc vào ngày 9-8 vừa qua |
Tung tin thất thiệt triệt phá nhauTheo chinhphu.vn, tại Diễn đàn An ninh tài chính và cạnh tranh DN mới đây, Thiếu tá Dương Thu Ngọc, đại diện Cục An ninh tiền tệ (A84), đánh giá hoạt động của các DN trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đầu tư có một số diễn biến phức tạp. Một số cá nhân, DN, ngân hàng không còn cạnh tranh đơn thuần, mà đang tinh vi, quyết liệt hơn trong các giao dịch nội gián, đánh cắp thông tin của đối phương, tung tin đồn thất thiệt để triệt phá nhau… Đáng chú ý mỗi vụ việc xảy ra không chỉ là việc cạnh tranh giữa các DN trong nước, mà còn có thể của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó cần đấu tranh với các DN cạnh tranh không lành mạnh, các DN có hành vi thao túng… để làm lành mạnh hóa thị trường. Thủng túi 1 tỉ đồng vì tin đồnAnh Nguyễn Tâm, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, mách nước: Các nhà đầu tư phổ thông nên chọn những nhà tư vấn chứng khoán có kinh nghiệm và có tâm. Vì trong những lúc thị trường lao dốc do tin đồn thì ý kiến của những người tư vấn chứng khoán rất quan trọng. “Tôi đã chứng kiến không ít nhà đầu tư phổ thông thủng túi 1 tỉ đồng sau khoảng 2-3 tuần vì tin đồn là chuyện bình thường” - anh Tâm nói. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/