Đang kiểm toán mà rượu bia, karaoke, liệu có khách quan?
Bởi Kiểm toán Nhà nước là một chế định độc lập với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công qua hoạt động kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh giá trị cốt lõi mà kiểm toán viên nhà nước hướng tới: "Công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng".
Tất nhiên, sở dĩ tổng kiểm toán phải ra công điện này để chấn chỉnh vì vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, kiểm toán viên chấp hành chưa nghiêm quy chế, quy định, quy trình và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp...
Cán bộ kiểm toán đang kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và ngân sách của một đơn vị nào đó mà lại đi hát karaoke, uống bia rượu với đơn vị thì liệu chất lượng báo cáo kiểm toán có khách quan, có ít nhiều bị sai lệch?
Nhìn rộng ra các ngành như hải quan, thuế, Thanh tra Chính phủ…, những đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra đơn vị nhà nước, doanh nghiệp… người đứng đầu các đơn vị này cũng thường xuyên có những văn bản quy định quy chế về nghiệp vụ, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức ngành mình trong thi hành công vụ.
Tuy nhiên, tình trạng cán bộ công chức ở bộ này, ngành kia, hay ở địa phương có hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức của ngành dẫn đến tham nhũng vẫn diễn ra khá phổ biến.
Chính vì thế, tại các cuộc làm việc với các ngành, lãnh đạo Chính phủ luôn nhắc nhở tình trạng tham nhũng vặt, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân phải kẹp phong bì để giải quyết thủ tục hành chính.
Quay lại câu chuyện cán bộ công chức nhậu khi đi làm việc với cơ sở, khi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, khi tiếp đoàn công tác cấp trên, có cán bộ công chức ở một tỉnh phía Nam nói rằng ở nhiều nơi cán bộ công chức vẫn nhậu vào buổi trưa.
Lý do là vì nể cấp trên và khách đến làm việc thì phải mời ăn và có uống tí rượu bia cho vui.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chủ động mời rượu bia là chiêu thức của một số người làm quản lý ở cấp dưới, của một bộ phận đơn vị được kiểm toán, thanh tra, kiểm tra khi họ không muốn bị "soi", bị hạch sách.
Trong lúc thi hành công vụ mà cung cấp số điện thoại, khi công việc chưa hoàn thành mà nhận lời đi uống rượu bia và hát karaoke vui vẻ với đối tượng mà mình đang thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì làm sao đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng và đúng thực tế.
Để ngăn chặn tình trạng này, có lẽ cần phải thể chế hóa hành vi, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức khi thi hành công vụ mới góp phần ngăn chặn sai phạm, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức.
Còn như hiện nay nếu vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính thì đâu đó chuyện vi phạm đạo đức công vụ vẫn diễn ra và người dân, doanh nghiệp vẫn bị làm khó.