|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đăng kí vốn phi thực tế, thỏa thuận sơ sài giữa các nhà sáng lập: Những vấn đề pháp lí phổ biến của startup

08:46 | 22/09/2020
Chia sẻ
Những vấn đề pháp lí phổ biến nhất của startup bao gồm đăng kí vốn, thỏa thuận trong nhóm sáng lập, các vấn đề quản trị và thuế , sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo "1h cho startup: Những vấn đề pháp lí trong giai đoạn đầu khởi nghiệp" do đề án 844 tổ chức, các diễn giả đã chia sẻ những câu chuyện xoay xung quanh vấn đề pháp lí mà các startup giai đoạn sớm thường gặp phải.

Ông Hoàng Minh Đức, Chuyên viên tư vấn tại Duane Morris LLP (Mỹ), nói các startup cần phải có sự đồng thuận từ các thành viên trong ban sáng lập, để tránh những rủi ro tranh chấp sau này. 

Đăng kí vốn không thực tế, sở hữu trí tuệ...:Các vấn đề pháp lí startup giai đoạn sớm thường vấp phải - Ảnh 1.

Sự đồng thuận của nhóm sáng lập hạn chế rủi ro tranh chấp khi startup phát triển. Ảnh: Đề án 844.

Ở các vòng gọi vốn hạt giống từ nhà đầu tư thiên thần, theo ông Đức, nguy cơ tranh chấp quyền sở hữu rất cao vì vốn của các nhà đầu tư tăng dần. Tới các vòng sau đó (Series A, Series B, Series C) là giai đoạn startup đã tạo ra vị thế, mối quan tâm nên họ sẽ ưu tiên phân bổ lợi ích giữa các nhà đầu tư, cổ phần ưu đãi.

Trong khi đó, ông Luật sư Lê Văn Hồi - giám đốc điều hành, nhà sáng lập Công ty Luật My Way - chỉ ra một thực tế rằng nhiều startup vẫn đang mắc các lỗi hết sức cơ bản khi làm việc liên quan đến vấn đề pháp lí. Các vấn đề mà ông nhận thấy nhiều startup gặp phải nhất bao gồm đăng kí vốn, thỏa thuận giữa nhóm sáng lập, các vấn đề quản trị và thuế , sở hữu trí tuệ.

Về sở hữu trí tuệ, ông Hồi cho rằng trong trường hợp kinh doanh không đăng kí sở hữu trí tuệ, các startup sẽ đứng trước hai nguy cơ. Thứ nhất, họ sẽ đối mặt với sự từ chối khi đưa sản phẩm vào bày bán, trưng bày tại trung tâm thương mại, siêu thị hay chuỗi cửa hàng, hệ thống phân phối, bán lẻ. 

"Nguy cơ thứ hai là việc tổ chức/cá nhân khác có toàn quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Khi tổ chức/cá nhân khác hoàn tất việc đăng ký nhãn hiệu, có thể startup không được phép kinh doanh sản phẩm với thương hiệu/nhãn hiệu mà Cục SHTT đã cấp cho người khác", ông Hồi nói.

Bên cạnh đó, ông cũng tiếp tục khẳng định một thực trạng, cho rằng mức độ tuân thủ về bản quyền tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp liên quan.

Về vấn đề quản trị và thuế, ông khuyên các startup rằng ngay cả khi không tạo ra doanh thu, họ vẫn cần kê khai, báo cáo đúng trình tự, tránh trương hợp bị xử phạt do không kê khai thuế hoặc kê khai thuế sơ sài.

Ông dẫn một ví dụ về việc bán hàng trên website, một trong những hình thức kinh doanh nhiều startup tham dự đang hoạt động.

Đăng kí vốn không thực tế, sở hữu trí tuệ...:Các vấn đề pháp lí startup giai đoạn sớm thường vấp phải - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Hồi (giữa) cho rằng mức độ tuân thủ bản quyền tại Việt Nam tương đối thấp. Ảnh: Đề án 844.

Bán hàng trên website gồm hai hình thức. Nếu tự bán sản phẩm của chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ cần thông báo với Bộ Công thương. Nếu không tự khai báo, họ có thể thuê dịch vụ ngoài với giá dao động 1-1,5 triệu đồng. 

Nếu bán sản phẩm của doanh nghiệp khác, họ cần xin giấy phép sàn thương mại điện tử. Theo ông, mức giá dịch vụ trên thị trường rơi vào khoảng 12-20 triệu đồng.

Nói về vấn đề vốn điều lệ, ông Hồi tiếp tục khẳng định hoạt động kiểm tra vốn góp còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc doanh nghiệp đăng kí vốn ảo, không đúng với thực tế, có thể dẫn đến tranh chấp cổ phần giữa các thành viên sáng lập. 

Ngoài việc đăng kí không chính xác số vốn góp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng biên bản thỏa thuận giữa các nhà sáng lập hết sức sơ sài. Sự thỏa thuận giữa các nhà sáng lập thường xoay quanh những vấn đề như công việc, lợi nhuận, rủi ro, vị trí, quyền hạn. 

Việc sử dụng biên bản không mang tính chất đại diện cho doanh nghiệp có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp sau đó.

Tiểu Phượng