Dân Trung Quốc chưa từ bỏ tiền ảo, ngày ngày mạo hiểm đào bitcoin
Ben (một người Trung Quốc giấu tên) đang khai thác bitcoin bí mật ở tỉnh Tứ Xuyên. Tương tự nhiều đồng nghiệp đã chuyển sang hoạt động ngầm kể từ ngày Bắc Kinh trấn áp thị trường tiền ảo, Ben cũng xoay xở đủ cách để không bị phát hiện. Hàng ngày anh đều hy vọng rằng mình không bị chính quyền bắt.
Theo CNBC, Ben đã phân tán thiết bị đào bitcoin tại nhiều địa điểm để không gây chú ý trên lưới điện của chính phủ. Anh cũng "đi sau đồng hồ đo", lấy điện trực tiếp từ các đập thủy điện nhỏ không được kết nối với lưới điện. Tóm lại, Ben làm mọi cách để che giấu dấu vết của mình.
Ben nói anh đã quen với việc "xoay xở" khi điều hành một doanh nghiệp ở Trung Quốc, nhưng 6 tháng qua thực sự căng thẳng và cực nhọc hơn rất nhiều.
Nằm ngoài vòng pháp luật
Ben không hề đơn độc.
Mặc dù Bắc Kinh đã loại bỏ một lượng lớn thợ đào tiền ảo vào tháng 5, sau đó tăng cường lệnh cấm khai thác bitcoin vào tháng 9 và một lần nữa vào tháng 11, nhiều nguồn tin của CNBC cho biết khoảng 20% thợ đào tiền ảo trên thế giới vẫn "đóng đô" tại Trung Quốc.
Con số này giảm khá mạnh so với khoảng 65 - 75% tỷ trọng toàn cầu của Trung Quốc trong quá khứ, nhưng vẫn cao hơn một ước tính chính thức từ Đại học Cambridge. Trước đó, Cambridge cho biết tỷ trọng của Trung Quốc trên thị trường khai thác tiền ảo thế giới đã giảm về mức 0%.
Dữ liệu từ công ty an ninh mạng Qihoo 360 của Trung Quốc cho thấy, hoạt động khai thác tiền ảo ngầm dường như đang tồn tại và sống khỏe tại đất nước tỷ dân, bất chấp thái độ nghiêm khắc của Bắc Kinh với ngành này.
Trong báo cáo tháng 11, Qihoo 360 ước tính trung bình hàng ngày có khoảng 109.000 địa chỉ IP tiền ảo hoạt động ở Trung Quốc. Hầu hết tập trung ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông.
Khi Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch trấn áp tiền ảo vào tháng 5, thị trường đột ngột dừng lại, thợ đào nín thở chờ đợi thời điểm khó khăn đi qua.
Sau đó, các công ty khai thác tiền ảo lớn, vốn có mối quan hệ làm ăn và tiền mặt dự phòng ở nước ngoài, nhanh chóng rời đi. Họ vận chuyển thiết bị và nhân lực sang Kazahkstan, Mỹ hoặc như các nước có giá điện rẻ và khả năng tiếp nhận lớn.
Một số "đại gia" thậm chí còn vứt bỏ thiết bị trong các nhà kho ở châu Á và tìm đến những "đồng cỏ tươi xanh hơn". Họ sắm sửa các thiết bị mới nhất để mang đến những ngôi nhà mới ở nước ngoài.
Còn các công ty khai thác quy mô trung bình với lợi nhuận khiêm tốn hơn một chút và không có nhiều quan hệ với đối tác nước ngoài lại rất khó tìm cơ sở mới. Bán tháo thiết bị đào tiền ảo cũng không phải cách hay.
Song, đối với các thợ đào nhỏ hơn như Ben, họ có thể dễ dàng luồn lách bên dưới "sóng radar" của chính phủ. Một số chia nhỏ cơ ngơi thành nhiều trang trại trên khắp đất nước để các nhà quản lý không chú ý đến.
Số khác tiếp cận các nguồn điện nhỏ và phân tán như những con đập thủy điện ở vùng nông thôn vốn không được kết nối với lưới điện chính. Mùa mưa ở Trung Quốc kéo dài từ tháng 5 đến cuối mùa thu. Lượng mưa lớn tạo ra nguồn thủy điện dồi dào, càng giúp các thợ đào bitcoin ẩn mình.
Thủ thuật tinh vi
Ben đang có 1.000 trâu cày dùng điện nhà nước và 5.000 máy khác được kết nối trực tiếp với các đập thủy điện của tỉnh Tứ Xuyên - một trong các trung tâm khai thác tiền ảo chính tại Trung Quốc nhờ hệ thống thủy điện phân tán, không kết nối với lưới điện quốc gia.
Đối với 1.000 thiết bị sử dụng nguồn điện của nhà nước, Ben cho biết anh đã rải chúng ra khắp đất nước để trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. "Tôi đặt thiết bị ở khắp mọi nơi. Họ không thể sinh nghi được", Ben nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Ben cũng gặp trở ngại vì giá điện mà chính phủ bán ra "thật sự rất đắt". Trong khi đó, sử dụng các nguồn điện ngoài lưới điện giúp những thợ đào tiền ảo như anh duy trì tỷ suất sinh lợi tốt hơn và cũng dễ vận hành hơn.
Mặc dù Ben nỗ lực che giấu hoạt động của mình, anh vẫn không thể tránh khỏi việc bị phát hiện. China Telecom, một trong những công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, đã tăng cường các biện pháp rà soát mỏ đào bitcoin bằng cách theo dõi các cơ sở tiêu thụ điện một cách đáng ngờ.
Một khi phát hiện dấu hiệu lạ, China Telecom sẽ báo cáo cho chính quyền trung ương, sau đó thông tin này sẽ được truyền đạt xuống cấp địa phương. Từ đó, quan chức địa phương sẽ gọi điện trực tiếp đến nhà máy điện để điều tra.
Gần đây, Ben đã vướng vào một vụ như vây, nhưng anh may mắn vì ông chủ nhà máy điện đã che giấu cho mình. Sau cuộc gọi từ chủ nhà máy phát điện, Ben tắt thiết bị khai thác trong vài ngày, xóa bớt lưu lượng truy cập mạng, rồi mới từ từ mở lại.
Trung Quốc sắp vào mùa khô
Theo CNBC, những thợ đào tiền ảo đang hoạt động ngoài vòng pháp luật Trung Quốc sắp phải đối mặt với một vấn đề mới và rất nghiêm trọng: Mùa mưa đã khép lại.
Trong những năm trước, thợ khai thác tiền ảo sẽ đóng gói thiết bị và vận chuyển đến Tân Cương hoặc Nội Mông để tận dụng nguồn điện của các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, hiện hai khu vực này đều không còn chào đón họ.
Ông Kevin Zhang, chuyên gia tại công ty giao dịch tiền ảo Foundry, bình luận: "Câu chuyện của các thợ đào bitcoin tại Trung Quốc sắp trở nên thú vị hơn. Tôi nghĩ nhiều người sẽ phải chịu thiệt và gửi thiết bị ra nước ngoài".
Vị chuyên gia này dự đoán, tỷ trọng khai thác của Trung Quốc trên thị trường bitcoin toàn cầu sẽ giảm xuống còn khoảng 5% khi các đập thủy điện cạn nước. Ông Zhang nhận thấy "thật mệt mỏi" cho các thợ đào tiền ảo khi họ phải dời đến cơ sở mới hết lần này đến lần khác.
Trong tương lai, ông Zhang nghĩ họ sẽ tìm đến Bắc Mỹ. "Bắc Mỹ là một thị trường ổn định hơn và quy định của chính phủ sẽ không thay đổi chỉ trong một đêm như ở Trung Quốc".
Cá nhân Ben đang cân nhắc phương án trên. Tuy nhiên, cho đến khi đạt được thỏa thuận với một cơ sở tại Mỹ, Ben vẫn ở trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Mặc dù đang bán một số trâu cày Antminer ASIC dòng S19 của mình, Ben vẫn phải bám víu vào phần lớn số máy móc còn lại trước khi quyết định bước đi tiếp theo.
"Về cơ bản, đây là những cỗ máy in tiền. Rất nhiều thợ đào không muốn bán tống bán tháo thiết bị vì họ có thể dùng lại chúng để kiếm tiền khi đã ra đến nước ngoài". ông Zhang giải thích.