|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nước Mỹ và tham vọng trở thành 'siêu cường bitcoin của thế giới'

07:45 | 01/12/2024
Chia sẻ
Tại một hội nghị về bitcoin hồi mùa Hè vừa qua, ông Trump đã hứa sẽ thiết lập kho dự trữ chiến lược bitcoin sau khi đắc cử và xây dựng Mỹ thành “siêu cường bitcoin của thế giới”.

Đồng tiền điện tử bitcoin. (Ảnh: Getty Images/ TTXVN).

Theo mạng “Liên hợp buổi sáng”, sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cộng đồng tiền điện tử đã rất phấn khích.

Các đồng tiền như bitcoin đã tăng giá mạnh, các giới đều quan tâm đến xu hướng và triển vọng của các loại tiền điện tử, cũng như những chính sách có lợi cho thị trường tiền điện tử sau khi ông Trump nhậm chức. Tuy nhiên, hiện tại tương đối ít người quan tâm và đề cập đến tác động tiềm tàng đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu, khi ông Trump dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho tiền điện tử.

Không thể phủ nhận rằng, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này đã trở thành bước ngoặt cho sự phát triển của tiền điện tử tại Mỹ. Dư luận cho rằng việc ông Trump thắng cử có nghĩa là các cơ quan quản lý giám sát của Mỹ sẽ cởi mở hơn với các loại tiền số. Những người trong ngành chỉ ra rằng đây là chiến thắng lớn đối với tiền điện tử vì dưới thời chính quyền của đảng Dân chủ, tiền điện tử đã chịu "sự thù địch" ở mức độ đáng kể.

Ông Trump ban đầu không phải là người ủng hộ tiền điện tử. Năm 2021, ông từng tố cáo bitcoin là 'trò lừa đảo". Gần đây, ông đã chuyển sang ủng hộ tiền điện tử và tái khẳng định mình là người ủng hộ mạnh mẽ. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã quảng bá những lợi ích của bitcoin đối với nền kinh tế Mỹ.

Tại một hội nghị về bitcoin được tổ chức vào mùa Hè vừa qua, ông Trump, với tư cách là ứng cử viên Tổng thống, đã hứa sẽ thiết lập kho dự trữ chiến lược bitcoin sau khi đắc cử và xây dựng Mỹ thành “siêu cường bitcoin của thế giới”. Tại cuộc họp, ông cũng tuyên bố sẽ sa thải Chủ tịch Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler ngay ngày đầu tiên nhậm chức.

Chủ tịch SEC, ông Gary Gensler là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ tiền điện tử, khẳng định rằng các dự án tiền điện tử cần phải được đưa vào phạm vi quản lý của SEC. Ông đã chỉ đạo truy tố nhiều công ty tiền điện tử lớn vi phạm luật chứng khoán, bao gồm Binance, Coinbase, Ripple và Cumberland.

Trong bối cảnh Quốc hội chưa đạt được sự đồng thuận và ban hành các quy định rõ ràng về tài sản tiền điện tử, dưới sự lãnh đạo của ông Gensler, SEC đã ban hành các quy tắc kế toán mới vào năm 2022. Các quy tắc này yêu cầu các tổ chức nắm giữ mã thông báo kỹ thuật số cho khách hàng phải ghi nhận các mã thông báo này dưới dạng nợ phải trả trong bảng cân đối kế toán của họ.

Điều này tạo ra những trở ngại nhất định cho các ngân hàng lớn trong nước và các nhà quản lý quỹ tham gia vào thị trường tiền điện tử. Trong bối cảnh kết quả bầu cử cho thấy hai viện của Quốc hội đều do đảng Cộng hòa kiểm soát, dư luận cho rằng quy tắc này sẽ bị bãi bỏ và các vụ kiện chống lại các công ty tiền điện tử cũng sẽ bị đình chỉ.

Một số người cho rằng chính quyền ông Trump có thể cố gắng để Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai thay thế SEC làm cơ quan quản lý thị trường tiền điện tử nhằm giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ đối với thị trường tài sản tiền điện tử.

Trong mọi trường hợp, khả năng kiểm soát thị trường tiền điện tử dự kiến sẽ bị suy yếu đáng kể sau khi ông Trump quay lại Nhà Trắng, điều này sẽ mở đường cho nhiều khoản đầu tư hơn và việc sử dụng tiền điện tử rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, thách thức của thị trường tiền điện tử đó là rất "cồng kềnh" khi sử dụng trực tiếp và không thể dùng để mua nhu yếu phẩm hoặc đóng thuế. Việc sử dụng tiền điện tử trên thực tế đã không tăng đáng kể trong vài năm qua. Tình trạng thiếu niềm tin vào công nghệ bitcoin có thể là một yếu tố hạn chế việc áp dụng tiền điện tử rộng rãi hơn.

Việc bãi bỏ bớt các quy định cùng với việc triển khai các biện pháp tăng cường tiền điện tử như một phương tiện lưu trữ giá trị chắc chắn sẽ khiến loại tài sản này thu hút nhiều sự chú ý hơn.

Kho dự trữ chiến lược bitcoin mà ông Trump cam kết thiết lập chính là một biện pháp quan trọng để củng cố các phương tiện lưu trữ giá trị. Cho đến nay, kế hoạch để tham khảo là "Đạo luật bitcoin năm 2024" được Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cynthia Lummis, người ủng hộ kế hoạch dự trữ này, đề xuất vào đầu tháng 7/2024.

Theo đề xuất này, Chính phủ Mỹ sẽ mua không quá 200.000 bitcoin mỗi năm trong 5 năm. Bitcoin có thời gian nắm giữ tối thiểu là 20 năm và việc bán bị hạn chế ngoại trừ việc sử dụng để trả các công cụ nợ liên bang.

Nguồn tài trợ để mua số bitcoin này sẽ đến từ một nguồn quỹ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tiền thu được từ các khoản chuyển đến Kho bạc Mỹ và tiền thu được từ việc đánh giá lại việc nắm giữ chứng chỉ vàng. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ đang nắm giữ bitcoin bị tịch thu sẽ phải chuyển chúng vào Kho dự trữ chiến lược bitcoin.

Có thể thấy, nếu chính quyền ông Trump thiết lập Kho dự trữ chiến lược bitcoin thì điều này sẽ tác động nhất định đến hệ thống tiền tệ toàn cầu. Vị thế là tài sản dự trữ của bitcoin sẽ được thiết lập, khiến các quốc gia khác làm theo và đưa bitcoin vào dự trữ ngoại hối.

Dưới sự thúc đẩy của bitcoin, tỷ lệ tổng giá trị của tiền điện tử trên tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu chắc chắn sẽ tăng lên. Theo tính toán dựa trên cập nhật giá hàng ngày của Google, tổng giá trị hiện tại của thị trường tiền điện tử toàn cầu là 3.130 tỷ USD, tương đương gần 20% tổng dự trữ ngoại hối của thế giới.

Cùng với vị thế của bitcoin tăng lên ở cấp quốc gia, nhiều tổ chức và công ty của Mỹ dự kiến sẽ sửa đổi cách xử lý kế toán đối với việc nắm giữ bitcoin, giúp họ đi theo sự dẫn dắt của một số công ty như Tesla và Microstrategy nắm giữ bitcoin làm tài sản dự trữ.

Tất nhiên, việc vội vàng sử dụng tiền điện tử làm tài sản dự trữ không phải là không có rủi ro tiềm ẩn. Khái niệm Kho dự trữ chiến lược bitcoin do ông Trump thúc đẩy dựa trên việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát thị trường tiền điện tử, chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy yếu về địa vị và chức năng của ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính liên quan.

Khi ngày càng nhiều tài sản và nợ trong nền kinh tế thực được định giá bằng tiền điện tử, một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể xảy ra nếu thiếu đi một "người cho vay cuối cùng" . Trong trường hợp này, một lượng lớn giá trị ảo có thể biến mất. Nếu tình huống này không được xử lý kịp thời, nó có thể dẫn đến những kịch bản tồi tệ, chẳng hạn như yêu cầu tài sản thế chấp và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn trên thị trường.

Nói tóm lại, sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Trump đối với tiền điện tử sẽ có tác động lớn hay nhỏ đến hệ thống tiền tệ toàn cầu tùy thuộc vào mức độ ông thực hiện lời hứa hỗ trợ thị trường tiền điện tử trong nhiệm kỳ của mình.

Mạc Luyện (P/v TTXVN tại Hong Kong)