|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đạm Ninh Bình đòi nợ: Biết trước sao còn đưa chân vào bẫy?

16:10 | 06/04/2017
Chia sẻ
Cần chấm dứt cho đầu tư mới đối với những DNNN đang nằm trong diện phải cổ phần hóa. Hạn chế sử dụng vốn vay ODA.

PGS. TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại đánh giá cao về chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ liên quan tới những vướng mắc tại dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình - thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) với nhà thầu Hoàn Cầu Trung Quốc.

dam ninh binh doi no biet truoc sao con dua chan vao bay
Nhà máy Đạm Ninh Bình sản xuất là lỗ. Nguồn: Đất Việt.

Tuy nhiên, ông lo ngại có quá nhiều vướng mắc giữa hai bên rất khó có thể xử lý được.

"Vấn đề chính ở đây là những vướng mắc liên quan tới các chỉ tiêu kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu. Dự án hoạt động không đảm bảo được công suất, hiệu quả... Những vướng mắc nói trên đều là những vướng mắc về mặt kỹ thuật khi thực hiện thỏa thuận, ký kết hợp đồng giữa hai bên", ông nói.

Vị chuyên gia cũng tỏ ra ngạc nhiên với một dự án lớn, còn quá nhiều vướng mắc tồn tại, nhưng vẫn được hai bên thực hiện bàn giao và tiếp nhận.

"Dự án chưa hoàn thành đã thanh toán cho chủ đầu tư, các chỉ tiêu không đạt mà vẫn tiếp nhận dự án là lỗi của Vinachem. Đã nhận dự án rồi giờ quay lại đòi bồi thường là lý làm sao"? Tôi nghi ngờ có vấn đề khuất tất đã lèo lái quyết định sai trái này", vị chuyên gia nói thẳng.

"Vinachem và Ban quản lý dự án nhà máy Đạm Ninh Bình chính là những người phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả nặng nề đó. Tôi muốn hỏi, Vinachem có phải chịu áp lực, sức ép nào không khi tiếp nhận dự án cả khi chưa hoàn thành?

Ngoài ra, tôi cũng muốn đặt câu hỏi với chính những người đã đặt bút ký quyết định cho xây dựng nhà máy này.

Ngay từ đầu dự án đã được dự báo là không khả quan, không hiệu quả nhưng vì sao dự án vẫn được thông qua và vẫn được triển khai thực hiện?."

"Tôi khẳng định, nhà máy này không bao giờ có thể có lãi vì lựa chọn địa điểm sai, chi phí vận chuyển cao; công nghệ lạc hậu, lỗi thời; đầu tư quá quá lãng phí... Bản thân Vinachem cũng hiểu rõ điều này mà vẫn lấy lý do đợi lãi mới cổ phần hóa.

Kể cả thực hiện cổ phần hóa tôi cũng không tin sẽ có người sẽ mua. Không ai dại gì bỏ tiền mua một nhà máy đã biết chắc nó không hiệu quả. Vấn đề bây giờ là phải làm cho rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức để xử lý tới nơi tới chốn", ông Nam nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, giải pháp tốt nhất là để nhà máy này phá sản.

Chấm dứt đầu tư mới

Cũng theo vị PGS, Việt Nam đã không rút được kinh nghiệm sau nhiều dự án làm ăn với nhà thầu Trung Quốc. Hầu hết các dự án có nhà thầu Trung Quốc tham gia đều nảy sinh những vấn đề như vướng mắc về vốn, chậm tiến độ hoặc chất lượng dự án không đảm bảo.

Tình trạng trên đã từng xảy ra cách đây khoảng 20-30 năm, ở những dự án đầu tiên khi làm ăn với Trung Quốc cũng đã thấy rồi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều dự án lớn vẫn tiếp tục được triển khai bằng nguồn vốn của Trung Quốc. Dư luận nghi ngờ có nhiều yếu tố như tham nhũng, lót tay, tiêu cực, lợi ích nhóm đang chi phối các dự án này.

"Đó là điều lạ lùng. Thậm chí ngày càng có nhiều dự án quan trọng hơn được thực hiện với nhà thầu Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo, bất chấp những mối đe dọa nguy hại. Cuối cùng, hậu quả Việt Nam phải gánh" - Vị chuyên gia nói thẳng.

Theo ông, khi nào còn tồn tại những lợi ích cá nhân thì sẽ còn những dự án không hiệu quả, còn tình trạng đội vốn, còn thất thoát như nhà máy Đạm Ninh Bình, Gang Thép Thái Nguyên hay xơ sợi Đình Vũ...

Cùng bàn luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng cho rằng, quyết định đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình là một sai lầm, bao gồm từ các vấn đề về năng lực điều hành, quản lý cho tới những tính toán đầu tư, xây dựng...

Đạm Ninh Bình đòi nợ: Vinachem có tự gây khó cho mình?

Ông Hải cho rằng, cách giải quyết triệt để đối với tình trạng trên là chấm dứt cho đầu tư mới đối với những DNNN đang nằm trong diện phải cổ phần hóa. Hạn chế sử dụng vốn vay ODA, hạn chế vay ngoại tệ.

"Những doanh nghiệp thật sự có năng lực, có tầm nhìn họ luôn coi vốn vay ODA như con dao hai lưỡi. Sử dụng vốn vay ODA cũng đồng nghĩa với việc đẩy doanh nghiệp vào cảnh phải đối diện với những hậu họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì sử dụng vốn ODA nghĩa là phải lựa chọn nhà thầu, phải sử dụng công nghệ của nước cho vay vốn... ngay cả mức vốn vay cũng không hề được coi là ưu đãi, do lãi suất thấp nhưng suất đầu tư lại rất cao. Vì vậy, doanh nghiệp không hề hào hứng".

Thế nhưng các DNNN lại rất hào hứng với nguồn vốn này theo ông Hải là do yếu tố vụ lợi.

"Có những cán bộ quản lý nhà nước thích sử dụng vốn ODA vì họ không nghĩ tới lợi ích chung mà chỉ cần nghĩ đến lợi ích trước mắt, lợi ích của cá nhân họ. Vì vậy mới những dự án được thực hiện bằng được dù biết chắc nó không hiệu quả" - ông Hải nói.

Hoài An