Đắk Nông đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có hơn 125.000 ha cà phê. Diện tích cà phê của Đắk Nông hiện đứng thứ ba cả nước, sau hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Nhiều năm qua, đây là loại cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm.
Tuy nhiên, năng suất cà phê bình quân của Đắk Nông vẫn thấp so với các địa phương khác. Năng suất bình quân niên vụ 2016 chỉ đạt 2,23 tấn nhân/ha. Niên vụ cà phê 2017, năng suất tại nhiều địa phương tỉnh Đắk Nông còn thấp hơn, tiêu biểu như tại Đắk Mil chỉ đạt 2,2tấn/ha.
Năng suất cà phê đạt thấp trong khi giá cả hầu hết các loại nhân công, vật tư đầu vào đều tăng khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo nhiều nông dân tại Đắk Mil, giá thuê nhân công thu hoạch đã tăng khoảng 30% so với 4 – 5 năm trước. Giá cả các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuê mướn nhân công chăm sóc đều tăng khá mạnh trong mấy năm gần đây.
Thêm vào đó, nhiều diện tích cà phê tại Đắk Nông đã quá già cỗi, năng suất thấp cần sớm được cải tạo, tái canh hoặc có các biện pháp trồng xen, chuyển đổi phù hợp. Một số diện tích tại các khu vực có độ dốc lớn, địa hình không phù hợp, hoặc thiếu nước tưới cũng cần sớm được chuyển đổi.
Chỉ riêng tại huyện Đắk Mil, địa phương trồng cà phê có hiệu quả kinh tế thuộc loại cao nhất tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích cần tái canh trong giai đoạn 2012 – 2020 gần 8.000 ha, chiếm gần 40% diện tích cà phê của cả huyện.
Theo Uỷ ban nhân dân huyện Đắk Mil, địa phương tiến hành chương trình tái canh cà phê từ năm 2012. Sau 5 năm, toàn huyện đã có gần 5.000ha cà phê được tái canh; trong đó hơn 4.000 ha được trồng mới, phần còn lại là tái canh bằng phương pháp ghép chồi.
Ông Phan Lê Thái, nông dân trồng cà phê tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil cho biết gia đình ông có hơn 2,5ha cà phê. Trước đây vườn trồng giống cũ, năng suất khá thấp. Tuổi thọ cũng đã trên 20 năm nên sản lượng hàng năm đều giảm đáng kể. Năm 2012, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sau khi tiến hành học hỏi mô hình tái canh của Công ty cà phê Thuận An trên địa bàn xã, ông đã tiến hành nhổ bỏ và trồng mới toàn bộ vườn cà phê của gia đình. Đến nay, sau 5 năm, vườn cà phê đã cho thu hoạch ổn định với năng suất tăng mạnh so với trước.
Ông Nguyễn Minh Vương, nông dân trồng cà phê tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil cho biết tham gia chương trình tái canh, nông dân được tiếp cận giống mới, quy trình chăm sóc bài bản với nhiều điểm mới, tiến bộ so với trước. Nhờ đó vườn cà phê phát triển rất tốt và đồng đều, năng suất nhiều vườn đạt trên 6 tấn nhân/ha.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thuận An, huyện Đắk Mil cho biết, đơn vị quyết định triển khai chương trình tái canh từ năm 2012. Bên cạnh khâu lựa chọn giống, đất đai và sắp xếp nhân công bài bản để thực hiện chương trình tái canh, công ty còn ký hợp đồng với Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để được đảm bảo về yếu tố kỹ thuật, từ khâu trồng, chăm sóc cho đến xử lý khi có các sự cố bất thường trong quá trình cây trồng sinh trưởng.
Ông Lê Văn Điệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Mil cho biết sau 5 năm triển khai, chương trình tái canh đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân nhờ vườn cây sinh trưởng tốt, đồng đều và năng suất tăng mạnh. Bên cạnh đó, giống cà phê mới cũng có chất lượng hạt ổn định, đồng đều và khả năng chống chịu hạn hán, thời tiết bất thường tốt hơn.
Cũng theo ông Lê Văn Điệp, bên cạnh những thuận lợi như đã nêu ở trên, việc thực hiện tái canh cà phê vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Điệp cho biết bà con không thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn; diện tích cà phê manh mún dẫn tới khó khăn trong kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật; bên cạnh đó là các khó khăn về nguồn vốn để thực hiện chương trình.
Trên phạm vi toàn tỉnh, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, hiện tổng diện tích cà phê cần tái canh là 30.000 ha. Việc đẩy mạnh tái canh cà phê là một ưu tiên của ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương và bản thân mỗi nông dân. Một số đơn vị như Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng đã hỗ trợ Đắk Nông hạt giống, kỹ thuật tái canh cho hàng nghìn ha cà phê. Tuy nhiên, nhìn chung chương trình tái canh cà phê còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Về phương hướng tới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt kế hoạch tái canh từ nay đến năm 2020; trong đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ tháo gỡ khó khăn về vốn, cho đến tiến hành đồng bộ các chương trình hỗ trợ về giống, kỹ thuật cho nông dân. Riêng đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, tỉnh sẽ lồng ghép một số chính sách hỗ trợ cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho bà con, đẩy nhanh việc tái canh, cải tạo vườn cà phê, nâng cao năng suất, sản lượng cho nông dân.