Đại lý bán lẻ xăng dầu được phép lấy hàng tối đa ba nguồn
Đại lý bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa ba thương nhân là thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Đây là một trong những điểm mới trong Nghị định 80, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 17/11.
Đại lý bán lẻ xăng dầu phải nằm trong hệ thống phân phối của thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.
Bộ Công Thương cho rằng phương án này có thể cho phép đại lý chọn, thay đổi đơn vị cấp hàng, linh hoạt về nguồn, nhất là khi thị trường xăng dầu có nhiều biến động.
Việc các đại lý xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn như quy định tại Nghị đinh 95 là một trong những nguyên nhân khiến họ thiệt thòi, thua lỗ như giai đoạn cuối năm 2022.
Kể từ năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp bán lẻ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị Chính phủ về những bất cập trong kinh doanh xăng dầu.
Văn bản nêu rõ việc các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng một nguồn khiến họ dễ bị chèn ép về mức chiết khấu, nhiều thời điểm chiết khấu bằng 0.
“Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu bởi nhà phân phối biết rằng nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng thì cũng không thể lấy của nhà phân phối khác. Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu", văn bản nêu.
Các đại lý bán lẻ phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, chi phí vận chuyển trong khi vẫn phải chi trả các chi phí kinh doanh. Thời điểm đó, doanh nghiệp chịu lỗ nặng nhưng vẫn phải duy trì kinh doanh, bởi nếu dừng bán hàng có thể sẽ bị xử phạt, thu hồi giấy phép kinh doanh.