|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đại lộ vành đai mở lối cho thị trường bất động sản phía Nam phát triển

07:50 | 02/05/2019
Chia sẻ
Ngày 30/12/2007, toàn bộ Đại lộ Nguyễn Văn Linh, tuyến đường đô thị lớn nhất, hiện đại nhất của TP.HCM lúc bấy giờ với chiều dài 17,8 km, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD được hoàn thành. Hiện tại, khu vực tuyến đường này đi qua đã thành đại đô thị lớn nhất Sài Gòn.

Bài 1: Đại lộ vành đai Nguyễn Văn Linh "viết tiếp câu truyện tăng trưởng"

Tuyến đường làm nên khu Nam

Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, giao thông là điểm nghẽn rất lớn của TP HCM, do đó nếu không giải quyết thì sẽ kìm hãm sự phát triển của Thành phố.

Theo ông Thể, muốn phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội thì TP HCM phải có hệ thống đường vành đai, đường cao tốc. Trong khi một số quốc lộ hiện nay chỉ có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Hiện tại, muốn mở rộng rất là khó khăn vì kinh phí giải phóng mặt bằng lớn.

Ngoài ra, TP HCM mới chỉ làm được 51/64 km đường vành đai, vẫn còn 13 km nữa mới khép kín. Ông Thể cho rằng, đường vành đai 3 và 4 rất quan trọng nên TP HCM cần sớm hình thành, nếu không giao thông sẽ rất hỗn độn. Hơn nữa, đường vành đai 3 và 4 có thể giúp TP HCM kết nối với các tỉnh miền Đông và miền Tây một cách thuận tiện.

Nói về các cao tốc, ông Thể nhắc đến 6 đường cao tốc kết nối TP HCM với các đô thị vệ tinh, nhưng hiện tại mới có 2 cao tốc hoàn thành. “Khi mà 2 cao tốc hiện tại đang dần quá tải, Bộ đang triển khai khẩn trương tới cuối 2020 và 2021 thì khép kín được đường cao tốc thứ 3 là Bến Lức - Long Thành”, ông Thể nói.

Trong khi đó, các cao tốc còn lại đi Tây Ninh, Chơn Thành và Vũng Tàu,  đã kết hợp với các tỉnh nghiên cứu, nhưng khó khăn nằm ở kinh phí. “Đường vành đai và cao tốc là lối ra cho TP HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây. Tháo gỡ được giao thông thì gỡ khó cho Thành phố và cả các tỉnh, đóng góp vào động lực tăng trưởng quốc gia”, ông Thể nhấn mạnh.

Đại lộ vành đai mở lối cho thị trường bất động sản phía Nam phát triển - Ảnh 1.

Đại đô thị Phú Mỹ Hưng hiện vẫn là khu đô thị kiểu mẫu trên cả nước

Một vấn đề nữa cũng được nhắc đến là phát triển các tuyến metro trong bối cảnh TP HCM ngày càng đông dân và tình trạng ùn tắc diễn ra liên tục. Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất ứng tiền của ngân sách Trung ương để TP HCM đẩy nhanh metro số 1. Đẩy nhanh tuyến giao thông này sẽ tạo điều kiện quan trọng phát triển giao thông TP HCM và các tỉnh lân cận.

Có thể thấy, sau mỗi dự án hạ tầng quan trọng, bộ mặt cảnh quan và kinh tế TP HCM lại có những bước chuyển quan trọng. Năm 1990, TP HCM kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư phát triển Thành phố. Tới năm 1993, chiến lược mời gọi rõ ràng hơn, đó là mời doanh nghiệp vào phát triển  khu Nam mới, nơi có vị trí đắc địa giáp khu Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, có cảng nước sâu… Và năm 1996, trên khu vực này, tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh được khởi công, mang trên mình “sứ mệnh” quan trọng là góp phần đưa cả vùng đất phía Nam TP HCM và các vùng kinh tế chiến lược của miền Đông Nam Bộ bước sang một trang mới.

Phải mất 11 năm sau, con đường đẹp nhất TP HCM lúc bấy giờ và vẫn giữ được “phong độ” thậm chí đến tận ngày nay, mới được thông xe với chiều dài 17,8 km, toàn tuyến đường có 10 làn xe gồm 6 làn xe chạy nhanh và 4 làn sử dụng hỗn hợp; riêng đoạn đi qua khu A đô thị Phú Mỹ Hưng có 14 làn xe gồm 6 làn xe chạy nhanh và 8 làn hỗn hợp, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Sau đó, tới những năm 2008, TP HCM dần hoàn thiện toàn tuyến khi nối tuyến đường này với cầu Tân Thuận, tạo ra một trục hành lang kinh tế xuyên tâm. Đó là nối đầu cao tốc TP HCM - Trung Lương đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ thông qua trục đường đại lộ Nguyễn Văn Linh đi cảng Cát Lái quận 2 thông thẳng ra trục đường Quốc lộ 1A, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đi các tỉnh Đông Nam Bộ.

Thực tế, tuyến đường này đã tạo ra trục kinh tế trọng điểm của TP HCM hiện tại. Nó giúp kết nối những công trình trọng điểm như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Con đường thành hình, việc trung chuyển hàng hóa từ Khu chế xuất Tân Thuận, cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận các tổng kho, tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại đã được giải quyết.

Vai trò chiến lược của con đường càng được xác định rõ nét và trở thành tuyến vành đai chủ lực tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ Nam Sài Gòn đến các quận, các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ khi cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn được xây dựng, nối liền trục giao thông vành đai phía Đông Thành phố, nối từ quận 7, sang quận 2 và quận 9.

Tuyến đường hình thành dường như cũng là “cú huých kỳ diệu” cho thị trường bất động sản khi các dự án bất động sản bắt đầu mọc lên ngày càng nhiều. Đầu tiên là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nơi được cho là dự án kiểu mẫu của TP HCM từ khi tuyến đường hình thành tới nay. Tiếp đó là những dự án như khu dân cư Him Lam, Khu dân cư Trung Sơn, Khu biệt thự Đại Phúc… Tất cả tạo nên một diện mạo hiện đại, khang trang cho TP HCM nóng chung và khu Nam nói riêng.

Tiềm năng… tỉnh giấc

Khi thị trường bất động sản rơi vào cảnh “đóng băng” những năm 2009 đến 2013, dù thị trường bất động sản toàn TP HCM có đi xuống nhưng thị trường khu Nam quanh tuyến đường Nguyễn Văn Linh vẫn âm thầm phát triển với những dự án mới trong đại đô thị Phú Mỹ Hưng, dự án nhà ở xã hội Hoàng Quân…

TS. Nguyễn Văn Tùng, giảng viên Khoa Quy hoạch vùng và đô thị, Đại học Kiến trúc TP HCM cho rằng, điều dễ thấy nhất tại khu Nam TP HCM đó là kinh tế khu vực này phát triển mạnh nhất TP HCM trước đây và hiện nay. Sau khi tuyến đường Nguyễn Văn Linh được hình thành, hàng loạt các doanh nghiệp trương và ngoài nước đổ về đây đặt văn phòng tại các tòa nhà dọc tuyến đại lộ này.

Các dự án bất động sản cũng phát triển mạnh theo, trong đó hiện giá đất trong khu vực được cho là cao nhất nhì TP HCM khi đất ở mặt tiền  đường Nguyễn Văn Linh lên tới khoảng 300 triệu đồng/m2 và giá bất động sản ở các dự án dọc tuyến đường này cũng có biên độ tăng giá khá cao. Đơn cử như những năm 2009 các dự án như Him Lam quận 7 có giá bán khoảng 20 - 40 triệu/m2 thì nay đang có giá là 90 - 160 triệu đồng/m2. khu Trung Sơn trước đây có giá bán chỉ 16 - 30 triệu đồng/m2 thì nay đang từ 90 - 140 triệu đồng/m2…

Đặc biệt, từ những năm 2017 đến nay dù thị trường bất động sản TP HCM có trầm lắng do nguồn cung khan hiếm, dọc tuyến đường này vẫn liên tục có các dự án mới chào bán. Đơn cử như dự án chung cư Ascent Lakeside của Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phát, dự án chung cư Eco Green Saigon, Dự án chung cư Scenic Valley I, II, Dự án chung cư Urban Hill, Dự án Richland Residences, Dự án DreamHome Riverside… Mới đây nhất là dự án nhà phố, chung cư mang tên Senturia Nam Sai Gon của Tiến Phước được xây dựng trên diện tích 19,8ha…

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, thị trường bất động sản dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh đang quay trở lại thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Bởi tiềm năng phát triển còn nhiều, đặc biệt là quỹ đất còn khá lớn.

“Tính sơ sơ cũng đã có khoảng 50 lô đất mà các doanh nghiệp địa ốc đang nắm tại trục đường này”, bà Hương cho biết.

Thứ hai đó là từ trục đường này có quá nhiều nhánh đường để kết nối vào các quận trung tâm TP HCM với khoảng 3km như tuyến đường Nguyễn Tất Thành, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ…

Thứ ba là giá đất tại đây đang trong biên độ tăng đều, không tăng đột biến theo hướng sốt đất hay tăng theo dự án mà tăng toàn thị trường. Trong khi đó, dù giá tăng nhưng khách hàng hưởng lợi lớn từ mức tăng này bởi hạ tầng giao thông, tới tiện ích sống đều hài hòa với mức tăng trên.

Thêm vào đó, dọc tuyến đường này, đa phần các dự án bất động sản góp mặt đều mang dòng vốn của nước ngoài như tập đoàn Keppeland, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản…

“Ngoài ra, với hàng loạt dự án giao thông mới được xây dựng như Cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chánh Hưng nối nhịp quận 5, quận 6 với quận 8, quận 7; cầu Kênh Tẻ nối quận 4 và quận 7; cầu Nguyễn Văn Cừ nối liền 5 quận 1, 4, 5, 8 và 7, cầu Tân Thuận 2 nối liền quận 4 và quận 7. Trước đây, ai cũng ngại nạn kẹt xe ở “nút cổ chai” - cầu Tân Thuận thì nay từ các quận 1, 3, 5… chỉ cần 10 - 15 phút xe máy sang quận 7 bằng nhiều hướng khác nhau. Đó là hướng mở mới cho thị trường bất động sản dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh phát triển hơn nữa từ năm 2019”, bà Hương nói.

Gia Huy

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.