Bất động sản phía Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới
Nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển
Năm 2017, thị trường bất động sản đã có bước phát triển ổn định, các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng, các nhà đầu tư đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong năm qua. Năm 2018, dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và nhiều khả năng vẫn giữ được ổn định như năm 2017.
Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản. Phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường, trong khi phân khúc đất nền phân lô sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018 - 2020, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.
Có thể nói, năm 2018 và cả thời gian tới nữa, thị trường bất động sản phía Nam được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển mới khi nhiều chính sách có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường được ban hành, triển khai.
Cụ thể, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM; Thành phố cũng đang xây dựng 19 chương trình để cụ thể hóa đi đôi với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh; Thành phố đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị; chuyển hướng phát triển đô thị về khu vực cao phía Tây Bắc...
Ngoài ra, TP.HCM với dân số khoảng 13 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh (dự kiến thu nhập GDP bình quân đầu người dự báo đạt khoảng 9.800 USD vào năm 2020), cũng sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu tạo lập nhà ở, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển.
Cùng với đó, TP.HCM đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới như đường giao thông, cầu cạn trên cao, các tuyến metro, đường sắt trên cao, xe buýt chất lượng cao, buýt đường sông, nâng cấp, mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, cùng với chương trình chỉnh trang đô thị cũ với 3 chương trình lớn là chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng…, sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho thị trường bất động sản phát triển cả trong trung hạn và dài hạn.
Hạ tầng giao thông phát triển tạo cú huých cho thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh giáp ranh. Ảnh: Lê Toàn.
Với dân số tăng cao và hạ tầng kết nối liên vùng ngày càng phát triển, quy mô thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay không chỉ gói gọn trong ranh giới hành chính của Thành phố, mà đã có tính lan tỏa trong "Vùng TP.HCM", nhất là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Tây Ninh.
Khó xảy ra “bong bóng”
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và xu thế phát triển các dự án bất động sản xanh, thân thiện môi trường, an toàn, đầy đủ tiện ích đang làm thay đổi thị trường bất động sản và đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục tái cấu trúc, phải tự cải cách và đổi mới, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần doanh nghiệp, thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với khách hàng.
Một điểm đáng chú ý của thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian tới là xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ diễn ra một cách tất yếu. Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây, trong đó có phần nhờ vào việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.
Khách hàng ngày càng kỹ tính, nên đòi hỏi các chủ đầu tư phải tạo ra những dự án là nơi người dân hưởng thụ cuộc sống, chứ không đơn giản chỉ là nơi để ở. Ảnh: Lê Toàn.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Có thể nói, thị trường bất động sản trong năm 2018 sẽ có sự phát triển mạnh cả về lượng và về chất. Tuy nhiên, theo Hiệp hội, thị trường khó xảy ra tình trạng “bong bóng” do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường và các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.
Nói cách khác, qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường bất động sản trong quá khứ, các chủ thể đều thông minh hơn: Nhà nước thông minh hơn, chủ đầu tư thông minh hơn, ngân hàng thông minh hơn, người tiêu dùng thông minh hơn.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế mới
Dù thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, nhưng cũng đối mặt với không ít những thách thức mới. Theo Hiệp hội, các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 1/1/2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Một điểm nữa mà Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp, là phải luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường. Coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản.
Ảnh: Lê Toàn.
Các doanh nghiệp cũng cần phấn đấu trở thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn. Hiệp hội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn), bởi đây đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên chủ động, tích cực tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng, chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của thành phố, chương trình nhà ở xã hội của thành phố, chương trình phát triển các thiết chế nhà công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Mặt khác, để có sự phát triển mạnh và bền vững, các doanh nghiệp cũng cần hợp tác, liên doanh, liên kết để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước hùng mạnh. Bên cạnh đó, lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.