|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đại diện Vinhomes, Sun Group, Novaland, Ecopark, Him Lam,... tham dự hội nghị sáng nay của NHNN

09:23 | 08/02/2023
Chia sẻ
Thị trường bất động sản đang chờ tín hiệu tích cực từ cuộc họp sáng nay của Ngân hàng Nhà nước với lãnh đạo các doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa: H.Q).

Sáng nay (8/2), NHNN tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tham dự hội nghị có đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) và đại diện 20 doanh nghiệp bất động sản. Trong đó có CTCP Tập đoàn Vingroup, CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), CTCP đầu tư địa ốc Nova (Novaland), CTCP Him Lam, CTCP Tập đoàn Ecopark, CTCP Hưng Thịnh Land, CTCP Phát triển Công nghiệp BW (BWID),...

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thị trường bất động sản có quan hệ liên thông trực tiếp đến thị trường tài chính tiền tệ. Thời gian qua, thị trường bất động sản xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, những vụ việc xảy ra đã ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư,…

Theo Phó Thống đốc, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (số liệu tính đến ngày 21/12/2022). Những diễn biến thị trường như đóng băng cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng.

Trước tình hình này, ngày 17/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Đến nay, Tổ công tác đã làm việc với một số địa phương, chuyên gia, hiệp hội và qua đó đã nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản.

Ông Tú cho biết, Hội nghị này sẽ tập trung đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho thị trường bất động sản, làm rõ tại sao từ tháng 10 đến nay tín dụng cho bất động sản lại khó khăn, tại sao doanh nghiệp kêu khó tiếp cận,…

“Nhân sự kiện này, tôi khẳng định lại NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống. Đến nay chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác”, ông Tú nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thị trường bất động sản thời gian vừa qua có nhiều biến động, nửa đầu năm 2022 tăng trưởng nóng nhưng nửa cuối năm thì ngược lại, doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường mất cân đối cung cung, nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý. Việc huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị tường chứng khoán và trái phiếu trong thời gian vừa qua cũng gặp khó khăn.

Theo bà Giang, trong thời gian qua, NHNN luôn theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên thị trường bất động sản. Kể từ năm 2017 tới hết năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19), tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng trưởng trên 20%/năm; cao hơn mức độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (từ 13-14%) và giữ tỷ trọng 18-19% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Năm 2020 và 2021, dưới tác động của dịch bệnh, dư nợ tín dụng bất động sản vẫn có sự tăng trưởng, tuy nhiên ở mức thấp hơn những năm trước (năm 2020 tăng 12,06%, năm 2021 tăng 15,37%).

Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các TCTD đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 5 năm qua), tỷ lệ nợ xấu là 1,81%. Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 68% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 32% dư nợ tín dụng lĩnh vực này.

Doanh số bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai từ năm 2018 tới nay khoảng 110.000 tỷ đồng.

Vị này cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tín dụng bất động sản phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ thị trường địa ốc phát triển an toàn, lành mạnh. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện các quy định pháp lý để hỗ trợ thị trường địa ốc phát triển,…

Hà Lê