Đại diện UBCKNN: Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng 28% đôi khi còn bất thường hơn mức 35% của Việt Nam
Tại chương trình tổng kết thường niên "10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021" do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra 4 nguyên nhân cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021.
Theo bà, chúng ta nên dùng thuật ngữ khác thay vì đánh giá bằng hai chữ "bất thường" và "bình thường". Bà cho rằng sự tăng trưởng của TTCK năm 2021 là vượt xa mọi dự đoán của cơ quan quản lý. Tất nhiên, việc vượt xa mọi dự đoán là không thể "bình thường" được nhưng sẽ không hàm chứa nhiều yếu tố tiêu cực, không quá "bất thường" như chúng ta đặt vấn đề.
Đại diện UBCKNN cho rằng, rõ ràng sự kỳ vọng vào sức bật của nền kinh tế sau khủng hoảng do COVID-19 là cách nhìn chung, xu thế chung của nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu, không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam.
Tính đến ngày 27/12, giá trị tăng trưởng của thị trường Mỹ - một trong những TTCK lớn nhất trên thế giới - đang ở mức suýt soát 28%. Tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam chúng ta có phần cao hơn, đạt gần 35%. Các thị trường khác tại châu Âu, châu Á đều có sự tăng trưởng tương tự.
Như vậy rõ ràng tốc độ tăng trưởng của các TTCK mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch là xu thế chung và không có gì bất thường ở đó.
Thêm vào đó, con số huy động vốn của TTCK năm 2021 là rất lớn. Thống kê trong 11 tháng đầu năm, giá trị huy động vốn đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua việc phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá, cổ phần hóa đã tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.
Rõ ràng, việc doanh nghiệp huy động vốn là để chuẩn bị cho sự đầu tư mới, sự tăng trưởng mạnh trong tương lai. Điều này tiềm ẩn, dự báo trước sự tăng trưởng rất mạnh sau khủng hoảng kinh tế.
Với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, của thị giá cổ phiếu đã làm cho quy mô, vốn hóa thị trường đạt con số gần 143% GDP, xấp xỉ quy mô tín dụng ngân hàng năm 2020 là 146% GDP. Điều này cho thấy TTCK ngày càng trở thành 1 kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Một vấn đề nữa mà bà muốn lý giải cho sự tăng trưởng của TTCK năm 2021 là các số liệu cho thấy kết quả kinh doanh các doanh nghiệp vẫn tốt.
Theo Báo cáo tài chính quý III/2021, có tới 80% số doanh nghiệp trên thị trường đang kinh doanh có lãi. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều tăng với mức tăng bình quân đạt lần lượt 15,7% và 33,4%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp có nền tảng cho sự tăng trưởng chứ không đi quá xa so với giá trị thực của doanh nghiệp.
Cuối cùng, bà nhấn mạnh không thể bỏ qua sự xuất hiện đông đảo của các nhà đầu tư F0. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong 11 tháng đầu năm là 1,3 triệu tài khoản, bằng tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm trước cộng lại, tạo ra động lực của thị trường và lực cầu không thể chối cãi.
Đáng chú ý, bà Bình nhận định: "Việc chứng khoán Mỹ tăng trưởng 28% đôi khi còn bất thường hơn so với thị trường Việt Nam tăng trưởng 35%."
Bởi với những thị trường có bề dày lịch sử phát triển như vậy, với số lượng dân sổ tham gia vào thị trường đã lớn, rõ ràng sự tăng trưởng của nhà đầu tư trong TTCK Việt Nam sẽ tạo ra lực cầu mạnh mẽ hơn rất nhiều. Điều này lý giải tại sao giá cổ phiếu trên thị trường là do thị hiếu của các nhà đầu tư F0 quyết định như một số phân tích đã cho thấy.