|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đại diện UBCK: Cần xây dựng hệ thống phát hiện giao dịch bất thường giữa phái sinh và cơ sở

16:10 | 24/11/2023
Chia sẻ
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bên cạnh những thành tựu, TTCKPS vẫn còn tồn đọng một số hạn chế sau 6 năm hoạt động như sản phẩm chưa đa dạng, những biến động bất thường trong các phiên đáo hạn.

 

 Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh” vào sáng ngày 24/11 tại Hà Nội, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc thiết lập thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tại Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm và định hướng từ rất sớm.

Sau một khoảng thời gian vận hành, cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý trên TTCK, tính đến ngày 10/8/2023, TTCKPS tròn 6 năm hoạt động. TTCKPS nói chung và sản phẩm hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 đã đạt được những kết quả như giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam.

Cũng theo bà Tạ Thanh Bình, TTCKPS đã từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Trong giai đoạn thị trường giảm mạnh cuối năm 2022, thanh khoản thị trường phái sinh (hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30) ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh 43,8% so với năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, TTCKPS còn tồn đọng nhiều hạn chế như: sản phẩm HĐTL Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm tuy chưa thành công về mặt thanh khoản; hoạt động của TTCKPS nói chung và sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 nói riêng còn hạn chế về sự tham gia của các nhà đầu tư. Điều này cho thấy tăng trưởng của thị trường tiềm ẩn rủi ro phát triển không bền vững.

“Trong giai đoạn đầu, gần 99% giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân, tỉ trọng này đã giảm xuống còn khoảng 86% trong những tháng cuối năm 2019 và 67% vào cuối tháng 7/2023”, bà Tạ Thanh Bình cho biết.

Bên cạnh đó, sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng, chỉ có 3 sản phẩm là HĐTL chỉ số VN30 và HĐTL Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 và 10 năm, trong đó các HĐTL Trái phiếu Chính phủ chưa thành công, thanh khoản thấp và thậm chí không thanh khoản.

Vì vậy, nhà đầu tư tập trung vào giao dịch một sản phẩm là HĐTL chỉ số VN30 khiến giao dịch sản phẩm có nhiều biến động bất thường thời gian qua, đặc biệt là vào các phiên đáo hạn. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết có thêm các sản phẩm phái sinh khác trên chỉ số.

“Có thể nói, TTCKPS là một thị trường mới, phức tạp. Đến nay, trải qua 6 năm hình thành và phát triển, TTCKPS đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng cũng phát sinh những hạn chế, tồn tại.

Tuy nhiên, nhìn trên tổng diện thị trường, có thể nói việc vận hành TTCKPS là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, Chính phủ. TTCKPS đã và đang phát triển theo lộ trình từ thấp đến cao, theo đúng định hướng của Chính phủ đề ra trong Quyết định số 366/QĐ-TTg.”, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Bình, việc tăng cường năng lực giám sát là hết sức cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát và hệ thống cảnh báo để kịp thời phát hiện ra các giao dịch bất thường giữa thị trường chứng khoán cơ sở và TTCKPS.

Đồng thời, đào tạo và nâng cao đội ngũ cán bộ, nhân lực cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các sàn giao dịch chứng khoán và thành viên thị trường là các công ty chứng khoán; ứng dụng công nghệ thông tin và máy học hiện đại phục vụ công tác quản lý, giám sát trên thị trường, đặc biệt áp dụng công nghệ tiên tiến như máy học (machine learning) hay trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu, phát hiện vi phạm và đưa ra các khuyến nghị.

Diệp Ninh