Đại diện Bộ Tài chính: Nghị định mới về thanh toán tài sản công cho dự án BT sẽ 'khắc phục triệt để các sai phạm'
Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 69/2019 Quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT).
Chiều 16/8, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề để giới thiệu, thông tin rõ hơn về Nghị định 69 này.
Theo đại diện Bộ Tài chính, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Nghị định 69 có một số điểm đáng chú ý trong nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công; việc xác định giá trị quỹ đất, sử dụng và xác định giá trị trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Ảnh: Khánh Hà.
Về nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Trong đó, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán, giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
"Nguyên tắc thanh toán ngang giá là điểm mấu chốt và xuyên suốt nghị định này", ông La Văn Thịnh nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý khác và cũng là nội dung mới trong nghị định vừa được phê duyệt này, theo ông Thịnh, đó là quy định việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi dự án BT hoàn thành, hoặc thanh toán theo tiến độ dựa trên pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Nghị định 69 cũng quy định hai nhóm quỹ đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT đó là đất chưa giải phóng mặt bằng và đất đã giải phóng mặt bằng. Hai loại đất này phải đảm bảo thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý công sản, Nghị định mới về thanh toán tài sản công cho dự án BT sẽ khắc phục triệt để các sai phạm, tiêu cực xảy ra.
Đặc biệt, nếu dùng đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán thì UBND tỉnh phải báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời quỹ đất thanh toán phải đảm bảo giá trị tương đương dự án BT được phê duyệt.
Ngoài quỹ đất, kết cấu hạ tầng, các loại tài sản công khác theo quy định thì trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước cũng được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Trước khi dùng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT thì phải xác định giá trị quyền sử dụng đất và giá trị của tài sản trên đất tại thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất và không thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi xác định giá trị trụ sở làm việc thanh toán.
Giá trị tài sản trên đất được tính theo giá thị trường. Trong đó, trụ sở làm việc được xác định giá trị tại thời điểm UBND cấp tỉnh ra quyết định giao, cho thuê đất và không thay đổi giá trị đã xác định tại hợp đồng BT được ký kết.
Việc thay đổi giá trị xác định của trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước chỉ xảy ra khi nhà nước cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khiến giá trị trụ sở làm việc thay đổi.
Nghị định 69 yêu cầu, để được sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT thì địa phương bắt buộc phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Với các trụ sở làm việc thuộc Trung ương quản lý thì cơ quan trung ương phải lập hồ sơ trình bộ, cơ quan trung ương xem xét. Sau đó, cơ quan này gửi văn bản sang Bộ Tài chính xin ý kiến và gửi UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở làm việc để có ý kiến về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Sau khi có ý kiến tổng hợp của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh thì bộ, cơ quan trung ương mới tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận dùng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT.
Trụ sở làm việc thuộc UBND các tỉnh thành, địa phương quản lý cũng phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng mới được dùng để thanh toán các dự án BT.
Nghị định 69 cũng nêu rõ, giá trị của dự án BT là giá trị ghi trong hợp đồng và không thay đổi. Giá trị của dự án BT chỉ thay đổi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị dự án BT…
Trả lời câu hỏi của PV về việc nghị định mới này có thể ngăn chặn lãng phí tài sản công, ông Thịnh cho hay, với những điểm mới trong nghị định này thì những bất cập, tiêu cực về dự án BT mà báo chí phản ánh trong thời gian qua sẽ không còn đất để nảy sinh nữa.
"Câu trả lời chắc chắn là có. Nghị định này sẽ khắc phục hoàn toàn triệt để các sai phạm tại các dự án BT", Cục trưởng Cục quản lý công sản khẳng định.
Nghị định 69/2019 Quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2019 và bãi bỏ Quyết định số 23/2015 (ngày 26/5/2015) của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.