|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đại chiến 22 tỉ USD giữa Boeing và Lion Air sắp bắt đầu

09:06 | 19/12/2018
Chia sẻ
Vụ tai nạn máy bay Boeing 737 làm 189 người thiệt mạng tại Indonesia đã khơi mào cho một cuộc chiến trị giá 22 tỉ USD giữa hãng sản xuất máy bay Boeing và một trong những sếp lớn có tầm ảnh hưởng nhất ngành hàng không Châu Á.
dai chien 22 ti usd giua boeing va lion air sap bat dau Boeing ra mắt máy bay thương mại có thể bay hơn nửa vòng Trái Đất

Trong một lần tranh cãi công khai hiếm hoi giữa hãng sản xuất máy bay Boeing và một trong những khách hàng lớn nhất của mình, Chủ tịch Rusdi Kirana của hãng hàng không PT Lion Mentari Airlines đang đe dọa sẽ hủy một đơn hàng mua nhiều máy bay trị giá 22 tỉ USD

Nguyên nhân là ông cho rằng Boeing đã phản ứng một cách thiếu công bằng đối với vụ tai nạn máy bay vừa qua.

Chủ tịch Lion Air: Tay không làm nên sự nghiệp

Tuy Rusdi Kirana không được nhiều người bên ngoài khu vực Đông Nam Á biết đến trước khi vụ tai nạn máy bay xảy ra, ông là một trong những huyền thoại trong ngành hàng không. Trước kia, ông và anh trai của mình từng thuê một chiếc Boeing 737-200 để mở một đường bay từ Jakarta đi Bali. Giờ đây, 18 năm sau, ông đã biến Lion Air trở thành hãng hàng không lớn nhất Indonesia và một trong những hãng có giá trị đơn đặt hàng lớn nhất thế giới.

Ông Shukor Yusof – nhà sáng lập tổ chức tư vấn hàng không Endau Analytics tại Kuala Lumpur nhận định: “Ông Kirana có lẽ là nhân vật quan trọng nhất trong ngành hàng không của Đông Nam Á hiện nay.”

Ông Kirana là người có tham vọng mở rộng không mệt mỏi. Ông muốn mở các đường bay tới những điểm đến xa xôi như London hay Dubai, và chính những tham vọng này đã giúp ông trở thành một khách hàng quan trọng của cả Boeing và đối thủ cạnh tranh Airbus. Lion Air hiện là người mua lớn thứ ba đối với phiên bản Boeing 737 đã cải tiến.

Tuy nhiên chỉ 7 tuần sau khi chiếc B737 Max hai tháng tuổi lao xuống biển ngoài khơi Jakarta, ông Kirana đã bắt đầu một vụ đấu khẩu công khai với hãng sản xuất máy bay Boeing. Lion Air hiện đang chuẩn bị các tài liệu cần thiết để hủy các đơn đặt hàng trị giá 22 tỉ USD với Boeing bởi vì, theo lời ông Kirana, hãng sản xuất máy bay này đã đổ trách nhiệm sang hãng hàng không của ông một cách thiếu công bằng.

Trong một cuộc phỏng vấn ở Jakarta, ông Kirana nói về phản ứng của Boeing sau kết luận điều tra sơ bộ về vụ tai nạn như sau: “Tôi như một người đang bị thương, vậy mà họ [Boeing] vẫn lao đến tấn công tôi. Họ đã hành xử một cách phi lý, thiếu đạo đức trong mối quan hệ làm ăn này và chúng tôi bây giờ chỉ muốn đường ai nấy đi”.

dai chien 22 ti usd giua boeing va lion air sap bat dau
Minh họa: Alex

Về phần mình, Boeing không bình luận gì về những cuộc trao đổi với Kirana nhưng ra một thông báo nói: “Lion Air là một khách hàng đáng quí và chúng tôi đang hỗ trợ họ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này”. Boeing cũng cho biết hãng đang “làm mọi việc có thể để hiểu cặn kẽ mọi khía cạnh của vụ tai nạn, và đang làm việc chặt chẽ với đội điều tra và các cơ quan quản lí có liên quan”.

Boeing và Lion Air có thể làm gì?

Cuộc tranh cãi giữa Lion Air và Boeing xoay quanh vụ tai nạn hàng không tồi tệ nhất Indonesia trong hai thập kỉ vừa qua. Chỉ ít phút sau khi cất cánh rời Jakarta vào ngày 29/10, chiếc tàu bay Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air lao xuống biển Java, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn không có ai sống sót.

Kết quả điều tra ban đầu cho biết một bộ cảm biến đã đưa ra số liệu sai lệch buộc chiếc máy bay này chúi mũi xuống dưới, kết quả này được đưa ra dựa trên thiết bị ghi lại dữ liệu hành trình bay được thợ lặn trục vớt.

Báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia tháng trước cho biết một bộ cảm biến bị hỏng và đưa ra số liệu sai lệch trong chuyến bay trước đó nhưng vẫn không được sửa chữa trước khi chuyến bay xấu số cất cánh. Báo cáo này cũng có ý chỉ trích văn hóa an toàn của Lion Air.

Phản ứng của Boeing sau đó làm cho ông chủ Kirana của Lion Air nổi giận. Trong một thông cáo báo chí, hãng sản xuất tàu bay trụ sở tại Chicago cho rằng chiếc B737 gặp nạn từng liên tục gặp sự cố về tốc độ gió và độ cao trong các chuyến bay trước đó dù công tác bảo dưỡng đã được thực hiện.

Boeing cũng nói các phi công trong chuyến bay trước chuyến bay gặp nạn cũng gặp phải vấn đề tương tự nhưng đã giải quyết được bằng cách làm đúng qui trình. Thông cáo còn khẳng định chiếc Boeing 737 gặp nạn “cũng an toàn như bất cứ chiếc tàu bay nào khác từng bay lượn trên bầu trời”.

Ông Kirana cho rằng thông cáo này của Boeing là nhằm đổ vấy trách nhiệm sang phía ông và Lion Air.

Ông nói: “Chiếc máy bay có vấn đề. Tôi là khách hàng. Tại sao họ làm như vậy vào lúc này và làm như vậy với tôi – tạo ra dư luận rằng tôi là người phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn?”

Theo ông Kirana, Boeing còn phải bàn giao cho Lion Air 250 chiếc tàu bay nữa. Website của Boeing thì cho biết hãng này còn phải bàn giao 188 chiếc.

dai chien 22 ti usd giua boeing va lion air sap bat dau
Boeing còn phải bàn giao cho Lion Air 188 chiếc tàu bay nữa. Nguồn: Bloomberg, Boeing.

Nếu hủy đơn đặt hàng, gần như chắc chắn Lion Air sẽ phải chịu phạt. Ông Kirana khẳng định ông không dùng lời đe dọa hủy đơn hàng để cắt giảm số lượng tàu bay ông đã đặt mua thừa, và cũng không phải vì Lion Air không có nguồn tiền để thanh toán. Những chiếc tàu bay bàn giao từ nay đến năm 2020 đã được thu xếp nguồn thanh toán đầy đủ, ông nói.

Tuy nhiên ông Kirana còn có một sự lựa chọn khác. Việc một đơn hàng lớn bị hủy vì lí do liên quan tới sự an toàn của loại tàu bay bán chạy nhất của Boeing có thể gây ra những phản ứng tiêu cực cho dù Boeing có lấy được tiền phạt từ Lion Air.

Nếu Kirana không thể hủy đơn hàng, ông có thể bán lại hoặc cho thuê những chiếc tàu bay mới nhận về cho các hãng hàng không khác. Hành động này sẽ bóp méo thị trường đối với tàu bay Boeing 737 mới và đã qua sử dụng.

Xem thêm

Song Ngọc