Indonesia công bố nguyên nhân máy bay Lion Air rơi
Chiếc máy bay mang số hiệu JT610 của Lion Air đã bị mất liên lạc và rơi xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta để tới Pangkal Pinang sáng 29/10. Cả 189 người có mặt trên máy bay được tin đều thiệt mạng trong sự cố.
Báo cáo điều tra của NTSC cho biết, các phi công điều khiển chiếc JT610 đã phải vật lộn chống lại các hệ thống tự động của chính máy bay vài phút trước khi lao xuống biển. Tuy nhiên, các nhà điều tra cũng thừa nhận vẫn còn nhiều câu hỏi họ chưa thể làm sáng tỏ. Chẳng hạn như, tại sao các phi công trên chuyến bay gặp nạn không tuân theo quy trình tương tự như một phi hành đoàn khác đã làm một ngày trước đó, khi rơi vào tình huống tương tự.
Theo CNN, dữ liệu thu được từ hộp đen máy bay cho thấy, các phi công liên tục chống lại một hệ thống an toàn tự động có tên gọi là MCAS cài đặt sẵn trên mẫu Boeing 737 MAX 8, vốn đẩy mũi máy bay chúi xuống dưới tới hơn 20 lần. Hệ thống MCAS tự động kích hoạt khi xuất hiện thông tin lỗi, vốn cho rằng mũi máy bay đang nghiêng ở góc cao hơn thực tế, ám chỉ máy bay có nguy cơ ngưng hoạt động.
Các điều tra viên Indonesia đang xem động cơ máy bay JT610 trục vớt được dưới biển. Ảnh: AP |
Báo cáo điều tra viết, các phi công ban đầu đã điều chỉnh lỗi "máy bay chúi mũi tự động" một cách thủ công khoảng 2 phút sau khi cất cánh. Họ tái lặp chu trình đó nhiều lần cho tới khi chiếc JT610 đâm xuống biển Java.
Chuyên gia phân tích hàng không David Soucie nói, tình huống do các hệ thống điều chỉnh tự động của máy bay gây ra khiến sự can thiệp của các phi công là "bất khả thi".
Một phi hành đoàn khác đã gặp vấn đề tương tự như chiếc JT610 trong hành trình bay từ Denpasar về Jakarta hôm 28/10. Song, họ đã tắt tính năng an toàn tự động và điều khiển máy bay một cách thủ công.
MCAS là tính năng mới được trang bị cho các mẫu máy bay tân tiến Max của Boeing, được kích hoạt tự động dựa vào các thông tin do những cảm biến bên ngoài gửi tới, nhằm ngăn máy bay ngưng hoạt động.
Các nhà điều tra Indonesia cũng phát hiện vấn đề ở các cảm biến AOA của JT610, vốn đã gặp trục trặc ở những chuyến bay trước đó. Trong đó, các cảm biến AOA có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu về góc của phần mũi máy bay so với gió lưu thông nhằm giúp xác định máy bay có sắp ngưng hoạt động hay không.
Phản ứng trước báo cáo, Boeing tuyên bố hãng vô cùng đau buồn trước sự cố với máy bay Lion Air. Tuy nhiên, nhà sản xuất này quả quyết, chiếc Boeing 737 MAX 8 "an toàn như bất kỳ mẫu máy bay nào khác từng di chuyển trên không" và rằng, công ty sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm hiểu rõ mọi khía cạnh của tai nạn với chuyến bay JT610.