|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đà Nẵng sẽ có 160 trạm sạc xe điện tới năm 2025

07:43 | 22/03/2021
Chia sẻ
Theo đề án phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn TP Đà Nẵng, mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ xây dựng 150 trạm sạc cấp 1, 2 có công suất trung bình 10kW và 15 trạm sạc cấp 3 có công suất trung bình 60kW.
Đà Nẵng sẽ có 160 trạm sạc xe điện tới năm 2025 - Ảnh 1.

(Ảnh: Báo chính phử).

UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt đề án Đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ xây dựng 150 trạm sạc cấp 1, 2 có công suất trung bình 10kW và 15 trạm sạc cấp 3 có công suất trung bình 60kW. Đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3 có công suất trung bình 200kW.

Hiện nay, cả nước chỉ có một vài trạm sạc xe ô tô thí điểm trong các chương trình hợp tác thử nghiệm tại Bộ Công Thương.

Trên địa bàn TP Đà Nẵng, hiện chỉ có trạm sạc xe điện nhanh tại nhà xe của Tổng Công ty Điện lực miền Trung được đưa vào sử dụng năm 2017 và trạm sạc tại Trung tâm Hội chợ triển lãm do thành phố phối hợp đầu tư thông qua dự án hợp tác với Công ty Mitsubishi Motors.

Để đẩy mạnh việc sử dụng xe điện trên địa bàn TP trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hồ Kỳ Minh cho rằng cần có các hoạt động cụ thể như hình thành mạng lưới các trạm sạc cho các loại xe điện, cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện và người dân sử dụng xe điện.

Đề án cũng nêu rõ cần khuyến khích mua sắm công, sử dụng xe ô tô điện phục vụ tại các sở, ban, ngành, cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố trên cơ sở phù hợp với các quy định; có lộ trình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện.

Đồng thời, đề xuất áp dụng các quy định lãi suất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư cho các dự án xây dựng trạm sạc theo quy định; kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong nhiều năm qua, tình trạng khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hiện đang là xu hướng trên thế giới.

Tại Việt Nam, Vingroup được tờ Asean Today xem là động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện.

Từ đầu năm 2021 tới nay, đơn vị con của Tập đoàn là VinFast đã liên tục tuyên bố các thông tin mới tập trung vào lĩnh vực xe điện như công bố ba mẫu ô tô điện thể thao đa dụng (SUV) là VF31, VF32, VF33 để sử dụng trong nước và xuất khẩu sang Bắc Mỹ và châu Âu. Cả ba mẫu này đều sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và có thể tự lái một phần.

Giữa tháng 2 vừa rồi, hãng ô tô Việt ra thông cáo kêu gọi các đối tác nhằm hợp tác kinh doanh trạm sạc xe điện trên khắp cả nước trong năm 2021. VinFast cũng hợp tác với Công ty Công nghệ ProLogium (Đài Loan) và sẽ tiến hành sản xuất pin thể rắn tại Việt Nam. Đồng thời có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ.

Trong khi đó theo thông tin mới nhất từ Reuters, VinFast và Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đang tiến hành đàm phán về việc hợp tác trong lĩnh vực ô tô điện.

Tường Vy