|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đã có hai địa phương tại miền Nam xuất hiện dịch tả heo châu Phi, nguy cơ 'xâm nhập' TP HCM tăng cao

14:58 | 10/05/2019
Chia sẻ
Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 'thủ phủ heo' Đồng Nai. Bình Phước là địa phương thứ hai tại miền Nam vừa công bố có dịch. Điều này càng làm nguy cơ dịch bệnh lây lan vào TP HCM tăng cao.

Nguy cơ dịch tả heo châu Phi tiến vào TP HCM 'cận kề'

Sáng 10/5, tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 4, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm bày tỏ lo ngại dịch tả heo châu Phi sẽ lan sang TP HCM khi Đồng Nai đã có 4 xã thuộc 2 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch xuất hiện dịch.

Còn theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết bên cạnh Đồng Nai, dịch ASF cũng đã xâm chiếm sang địa bàn huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

"TP HCM đang có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch. Bởi, thành phố hiện có 4.000 hộ chăn nuôi heo gần 280.000 con, trong đó có nhiều hộ nuôi nhỏ, lẻ lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, không nấu chín, cho heo ăn nên khả năng lây lan cao", đại diện Sở NN&PTNT cảnh báo.

Trong khi đó, một số địa bàn tại TP HCM vẫn còn tình trạng giết mỗ heo trái phép, đặc biệt là quận Gò Vấp, quận 12, Bình Tân. Đây là nguy cơ phát sinh dịch bệnh do các hộ tiếp nhận nguồn heo không qua kiểm dịch, cung cấp trực tiếp cho các khu công nghiệp, chợ truyền thống, chợ tự phát...

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP HCM, dịch bệnh không lây cho người, chỉ ảnh hưởng cho đàn heo. Tuy nhiên, heo bệnh vào thành phố sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây nhiều loại bệnh khác. 

"Trong khi đó TP HCM là thị trường mở, nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Virus này có thể tồn tại trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt nguội...", bà Lan cho hay.

Đã có hai địa phương tại miền Nam xuất hiện dịch tả heo châu Phi, nguy cơ xâm nhập TP HCM tăng cao - Ảnh 1.

Nguy cơ dịch tả heo châu Phi "xâm chiếm" TP HCM đang rất cao.

Khẩn trương đối phó khi dịch đến gần

Thông tin tại cuộc họp cho biết, thành phố sẽ thực hiện 3 giải pháp để đối phó là lập kênh chia sẻ thông tin chính xác, thống nhất với các tỉnh giáp ranh để có biện pháp ngăn ngừa.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát ở các cửa ngõ vì có 45 - 50% heo cung cấp cho TP HCM đến từ Đồng Nai. Đồng thời, tổ chức các trạm tạm thời ở vùng giáp ranh như cầu Phú Long, cầu Bến Súc; kiểm soát trong nội bộ, không để giết mổ trái phép và tập trung tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với nguồn heo cung cấp cho TP HCM, UBND thành phố đã bàn với tỉnh Đồng Nai không xuất heo từ 4 xã nhiễm dịch. Heo đưa vào TP HCM giết mổ phải được kiểm dịch.

"Phải lấy mẫu thường xuyên để kiểm tra vì tình trạng giết mổ lậu vẫn xảy ra. Quận huyện nào để xảy ra tình trạng này lãnh đạo phải chịu trách nhiệm", Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Đồng bộ cùng các Sở, ban ngành, theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương, trong tình hình dịch tả heo châu Phi đã áp sát TP HCM, trong tuần qua, Sở Công thương đã làm việc với các đơn vị cung cấp, chuẩn bị 140 tấn thịt heo, 40 tấn thịt gia cầm mỗi ngày, đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân TP HCM.

Như Huỳnh