Cựu sếp MHB phủ nhận hưởng lợi cả trăm triệu đồng
Bộ sậu MHB lập công ty sân sau để trục lợi | |
Cựu chủ tịch Ngân hàng MHB bị truy tố |
Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Huỳnh Nam Dũng - Ảnh: Huyền Trâm. |
Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi bị cáo Huỳnh Nam Dũng, nguyên chủ tịch MHB và MHBS. Bị cáo Dũng nêu cáo trạng quy kết hành vi của bị cáo là sai.
Cụ thể, bị cáo Dũng cho rằng cáo trạng quy buộc bị cáo thông qua Hội đồng Alco ra chủ trương cho phép sở giao dịch (SGD) ngân hàng MHB chuyển tiền cho Công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) là không đúng.
“Toàn bộ biên bản, nghị quyết của Hội đồng Alco từ 4/4/2011 đến 6/1/2014, được cơ quan điều tra thu thập đầy đủ trong hồ sơ vụ án. Nhưng không hề có một nghị quyết, biên bản hay văn bản chỉ đạo nào của Hội đồng Alco có nội dung chủ trương như nêu trong cáo trạng. Alco chỉ chủ trương mua TPCP để giải quyết thanh khoản và cho phép SGD chuyển tiền vào tài khoản của mình tại MHBS để chờ mua TPCP và việc này Giám định Ngân hàng Nhà nước kết luận là không trái với quy định pháp luật”, bị cáo Dũng nêu trong phần xét hỏi.
Bị cáo Dũng nêu bản cáo trạng quy buộc bị cáo chỉ đạo cho phép SGD MHB chuyển tiền sang Công ty MHBS nhưng thực chất là gửi tiền tiết kiệm để lấy lãi và mua bán lòng vòng TPCP của chính MHB để chuyển lợi nhuận cho MHBS là không phù hợp với các chứng cứ vụ án.
“Không có biên bản họp, nghị quyết nào của Hội đồng Alco ghi nhận tôi chỉ đạo chuyển tiền cho MHBS sử dụng. Tôi không ký một văn bản nào có nội dung liên quan đến việc chỉ đạo chuyển tiền cho Công ty MHBS để mua bán lòng vòng TPCP của MHB, dùng tiền gửi của SGD để đem gửi tiết kiệm nhằm chuyển lợi nhuận cho Công ty MHBS”, bị cáo Dũng cho biết.
Cựu chủ tịch MHB và MHBS cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác nhận không thu được bất kỳ tài liệu, chứng cứ khách quan nào thể hiện sự chỉ đạo của bị cáo sau ba lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc triển khai thực hiện chủ trương mua TPCP như chuyển tiền, ký kết các thỏa thuận đầu tư với MHBS là hoàn toàn do SGD thực hiện thông qua sự chỉ đạo, điều hành và giám sát trực tiếp của Tổng Giám đốc Ngân hàng MHB không theo bất kỳ văn bản chỉ đạo nào của Alco.
Ông Dũng cũng cho biết mình không phải là cổ đông của MHBS. Việc bà Trí là chị gái ông Dũng mua lại cổ phần từ cổ đông cũ và mua thêm cổ phần phát hành thêm của MHBS có đầy đủ hợp đồng mua lại, phiếu chuyển tiền. Ông Dũng cho biết chỉ đại diện 60% vốn góp của MHB tại MHBS.
Tại tòa, ông Dũng cũng khẳng định không hưởng lợi số tiền 460 triệu đồng như cáo trạng quy kết. Ông Dũng nêu, không có bất kỳ giấy tờ, tài liệu, biên nhận nào thể hiện ông là người nhận tiền. Khoản tiền 460 triệu đồng được rút ra với mục đích chi phí chi cho hoạt động HĐQT và cũng được hạch toán vào chi phí hoạt động của MHBS chứ không phải hạch toán vào chi thù lao cho HĐQT. Khoản tiền chi phí cho hoạt động của HĐQT này là khoản chi hợp pháp đã được đưa vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp và đã được quyết toán hợp lệ hàng năm. Cho đến nay không có bất kỳ văn bản nào của công ty mẹ là MHB hay cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý yêu cầu xuất toán số tiền này.
Bị cáo Dũng cho rằng, cáo trạng nêu MHBS sử dụng không đúng mục đích số tiền SGD MHB chuyển qua trong giai đoạn 2011-2014 là nguyên nhân gây ra thiệt hại là không đúng. Và hành vi SGD MHB chuyển tiền chờ mua TPCP cho MHBS và MHBS sử dụng sai mục đích không gây ra thiệt hại 349 tỷ đồng, gồm 272 tỷ tiền gốc và và khoản tiền thiệt hại do việc sử dụng tiền sai mục đích của MHBS là 77 tỷ đồng.
Ông Dũng nêu, việc MHBS sử dụng sai mục đích số tiền chờ mua TPCP của MHB không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho MHBS mà chỉ mang lại doanh thu lợi nhuận cho MHBS. Nguyên nhân cho đến nay MHBS chưa hoàn trả được 272 tỷ đồng tiền gốc cho MHB là do bị khách hàng chiếm dụng vốn từ 2010 trở về trước, và lý do là do MHBS chưa thanh lý tài sản là chứng khoán đang nắm giữ để hoàn trả cho MHB. Đến nay MHBS có đủ khả năng hoàn trả số tiền này.
Chủ tọa hỏi bị cáo Dũng có giữ nguyên đề nghị đình chỉ vụ án hay không? Bị cáo Dũng trả lời là có.
Đề nghị giám định lại thiệt hại
HĐXX hỏi đại diện BIDV, là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Đại diện BIDV cho biết, trong quá trình BIDV tiếp quản ngân hàng MHB thì trong văn bản tiếp nhận, BCTC, số liệu thể hiện có khoản phải thu từ MHBS là 272 tỷ đồng và lãi phát sinh. Phía BIDV giữ nguyên quan điểm về yêu cầu bồi thường thiệt hại đã nêu trong đơn khởi kiện.
HĐXX tiến hành các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty chứng khoán MHBS. Các bị cáo đều không đồng ý với kết luận giám định. Các bị cáo cho rằng con số thiệt hại theo kết luận giám định là chưa chính xác, bởi đến thời điểm hiện nay MHBS có khả năng hoàn trả nợ nếu bán chứng khoán nằm trong danh mục MHBS sở hữu.
HĐXX hỏi giám định viên của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Giám định viên nêu việc giám định thiệt hại tại MHBS gồm 2 thành viên, kết quả giám định phát hành ngày 6/1/2017. Vị này khẳng định lại kết luận giám định dựa vào tài liệu cơ quan điều tra cung cấp. Từ khi phát hành báo cáo giám định không có cơ quan nào đề nghị tổ giám định xem xét lại nội dung giám định.
“Qua buổi xét xử hôm nay chúng tôi thấy nếu có thêm tình tiết, nhu cầu của các cơ quan chức năng thì giám định viên sẵn sàng xem xét giám định lại”, giám định viên của Ủy ban chứng khoán Nhà nước nêu.
Trả lời luật sư Vũ Xuân Nam, việc giá chứng khoán trên sàn thay đổi từng ngày theo thị trường nên tại thời điểm này nếu giám định lại thì sẽ có con số thiệt hại khác, giám định viên cho biết chưa trả lời được.
Luật sư Trương Thị Minh Thơ hỏi giám định viên, trong quá trình điều sung có kết hợp với cơ quan điều tra để giảm số tiền thiệt hại không? Giám định viên từ chối trả lời.
“Việc con số thiệt hại sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung giảm từ 108 tỷ đồng xuống còn hơn 60 tỷ đồng cho thấy việc giám định chưa chính xác. Tôi cho rằng cần thực hiện giám định lại”, luật sư Thơ đề nghị với HĐXX.