Cựu lãnh đạo lãnh án tù và hơn thập kỉ 'lận đận' của dự án Sài Gòn One Tower
Mới đây, Tòa án nhân dân TP HCM vừa mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Dũng – nguyên Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn One Tower 12 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Phạm Thanh Dũng lãnh 12 năm tù. (Ảnh: Dân trí)
Theo cáo trạng, Phạm Thanh Dũng được bổ nhiệm Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn One Tower từ tháng 5/2007 đến tháng 7/2011 thì bị bãi nhiệm. Trong lúc đương nhiệm, Phạm Thanh Dũng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, tự ý lập hồ sơ đề xuất, phê duyệt, quyết định chi tiền tạm ứng trái quy định của công ty cho cá nhân mình với tổng số tiền 41 tỉ đồng.
Việc chiếm đoạt của Phạm Thanh Dũng gây thiệt hại về tài sản cho công ty Sài Gòn One Tower.
Chiếm giữ đất vàng, từ "biểu tượng" đến "đắp chiếu"
CTCP Sài Gòn One Tower được thành lập tháng 3/2004, tên gọi ban đầu là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C (mã số doanh nghiệp 0303226736; địa chỉ trụ sở chính tại tầng 12 – số 34 Tông Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM).
Cổ đông sáng lập ban đầu của CTCP Sài Gòn One Tower gồm: CTCP M&C (49%), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%) và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ (5%).
Công ty được thành lập để đầu tư phát triển dự án cao ốc Sài Gòn One Tower nằm tại giao lộ giữa đường Hàm Nghi và đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM – đây là khu đất đắc địa bậc nhất Sài Gòn.
Dự án Sài Gòn One Tower nằm sát bên tòa tháp Bitexco - biểu tượng của TP HCM. (Ảnh: N. Lê)
Dự án có diện tích 6.672,2 m2. Theo thiết kế ban đầu, tòa nhà sẽ có khối đế là trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng, khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế với 34 tầng và khối căn hộ cao cấp…
Tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỉ đồng), khởi công xây dựng từ năm 2007, đây được kì vọng là dự án tạo được tiếng vang và trở thành một trong những tòa cao ốc biểu tượng tại Sài Gòn. Theo dự kiến ban đầu, đây sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP HCM khi hoàn thành vào năm 2009 – cao trên 195 m.
Tuy nhiên thực tế, sau 2 năm khởi công, dự án buộc phải tạm ngưng thi công do thiếu vốn. Từ thời điểm tạm ngưng thi công vào cuối năm 2011, dự án đã cơ bản hoàn thiện phần xây dựng thô.
Thời điểm hoàn thành dự kiến của tòa cao ốc liên tiếp dời lùi từ năm 2009 dang năm 2012, rồi năm 2013, nhưng cho đến tận ngày nay dự án vẫn trong tình trạng dang dở.
Đứng liền kề sát bên, thậm chí cao vượt tòa tháp Bitexco – biểu tượng của TP HCM, Sài Gòn One Tower trong mắt người dân Sài thành đã trở thành hình ảnh tòa nhà bệ vệ, lừng lững, trơ trọi và hoang vắng án ngữ "đất vàng" hơn thập kỉ qua. Tòa cao ốc cũng từng bị lãnh đạo thành phố bêu tên là một trong những công trình làm xấu diện mạo đô thị.
Liên tục đổi chủ
Từ chỗ ban đầu do liên doanh gồm 5 công ty làm chủ đầu tư dự án Sài Gòn One Tower, sau đó lãnh đạo của CTCP Đầu tư địa ốc M&C thay đổi. Tiếp đến, các cổ đông sáng lập ban đầu (gồm Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ) cũng lần lượt thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.
CTCP Đầu tư địa ốc M&C đã phải ngưng hoạt động vì nợ thuế. Dự án cũng bị UBND TP HCM quyết định thanh tra toàn diện.
Đầu năm 2017, thị trường xôn xao bởi thông tin tòa tháp sẽ được các nhà đầu tư ngoại rót thêm vốn để hoàn thiện vào năm 2018. Cụ thể, Tập đoàn kiến trúc RST (Singapore) khi đó cho biết đang thực hiện dự án tòa nhà tại giao lộ Hàm Nghi – Võ Văn Kiệt của chủ đầu tư CTCP Phát triển Bất động sản Alpha King.
Thông tin về "ông lớn" địa ốc Hồng Kông này tiếp tục làm sống lại kì vọng của thị trường về việc hồi sinh và hoàn thiện tòa cao ốc bên bờ sông Sài Gòn. Công trình dự kiến được tái khởi động vào tháng 10/2017 và phải hoàn thiện phần xây dựng thô trước Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, ngay sau đó vào ngày 21/8/2017, Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) lại công bố việc đã thu giữ tòa nhà để xử lý và thu hồi nợ của CTCP Sài Gòn One Tower từ hồi tháng 5/2017 nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện.
VAMC đã mua lại khoản nợ từ Maritime Bank và DongA Bank đối với nhóm khách hàng gồm: CTCP Sài Gòn One Tower (trước đây là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C); CTCP Đầu tư Liên Phát; CTCP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Minh Quân; CTCP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (cả gốc và lãi) khi đó là hơn 7.000 tỉ đồng.
Việc đấu giá Sài Gòn One Tower cũng không hề suôn sẻ. Thời điểm đấu giá từng phải lùi lại nhiều tháng so với dự định ban đầu. Về mức giá khởi điểm của dự án cũng xuất hiện nhiều ý kiến.
Mức giá khởi điểm (do nhà tư vấn đưa ra) từng được công bố là 6.110 tỉ đồng. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu từng dự báo: một số đơn vị có thể đặt thấp hơn mức khởi điểm nhằm thể hiện việc không đồng tình về mức giá này. Khi đấu giá bất thành, giá khởi điểm của tài sản có thể được cân nhắc giảm tối đa 10%... Thông tin sau đó về cuộc đấu giá không được công bố.
Lộ diện nhà đầu tư mới dự phần vào CTCP Sài Gòn One Tower
Mới đây Nhà đầu tư đưa tin, CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp) đã sở hữu 72,5% trong CTCP Sài Gòn One Tower.
Bông Sen Corp trước đây là thành viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Sau cổ phần hóa vào năm 2004, phần vốn nhà nước thông qua Saigontourist chỉ còn 25%. Tuy chỉ có vốn điều lệ 130 tỉ đồng, song Bông Sen Corp lại sở hữu khối tài sản đáng giá với hàng loạt khách sạn tại trung tâm quận 1 Sài Gòn.
Cuối thập niên trước, một nhóm nhà đầu tư bắt đầu thâu tóm Bông Sen Corp. Nhóm nhà đầu tư này đã thông qua Bông Sen Corp để thực hiện nhiều thương vụ M&A đình đám trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn. Sở hữu phần lớn cổ phần tại CTCP Sài Gòn One Tower chính là một trong những thương vụ mua bán đáng chú ý trong số đó.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Bông Sen có mã số doanh nghiệp 0303609880; thành lập hồi tháng 12/2004. Địa chỉ trụ sở chính tại 117 – 123 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM; người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lý Chánh Đạo.
Trước thời điểm tháng 8/2014, số vốn điều lệ của doanh nghiệp mới là hơn 326,6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, số vốn điều lệ này đã tăng lên đạt mức hơn 4.777 tỉ đồng. 100% là nguồn vốn tư nhân, hoàn toàn không còn phần vốn nhà nước.
Thông tin về vốn điều lệ của CTCP Bông Sen tại thời điểm tháng 10/2016. (Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp)