Cựu khách mời Shark Tank Mỹ: Những người có tỷ lệ thành công cao ít khi lập kế hoạch dự phòng
Matt Higgins tin vào những thay đổi lớn. Sau khi bỏ học cấp ba để phụ giúp mẹ, Higgins lấy bằng GED, đăng ký vào đại học năm 16 tuổi và theo học trường luật. Kể từ đó, ông đã nắm giữ nhiều vị trí đáng chú ý, bao gồm cả người đồng sáng lập RSE Ventures, một công ty đầu tư đã hỗ trợ những công ty lớn trong ngành nhà hàng như Magnolia Bakery và Momofuku.
Ông cũng đã có 8 năm giữ chức vụ phó chủ tịch điều hành của New York Jets và xuất hiện nhiều lần với tư cách khách mời trên chương trình “Shark Tank” của đài ABC. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây mang tên “Burn the Boats: Toss Plan B Overboard to Unleash Your Full Potential”, Higgins đã vạch ra triết lý chiến thắng giúp đưa ông đến với những thành công hiện tại.
Luận điểm cốt lõi của Higgins: Loại bỏ các kế hoạch dự phòng. Trong một nghiên cứu năm 2016 của Wharton và Đại học Wisconsin-Madison, hai nhóm người tham gia nghiên cứu được giao cùng một nhiệm vụ và cùng một kế hoạch để hoàn thành nó. Một nhóm đã có một kế hoạch dự phòng. Nhóm đó hoạt động kém hơn và mất động lực để đạt được mục tiêu ban đầu của họ.
Đối với Higgins, đó là bằng chứng để ủng hộ cho triết lý cốt lõi của ông: Bất cứ khi nào bạn cân nhắc đến kế hoạch B, bạn sẽ mất năng lượng và động lực mà lẽ ra có thể dùng thể hướng tới kế hoạch A. “Những điều phi thường đòi hỏi nỗ lực phi thường”, Higgins nói với CNBC Make It. Tuy nhiên, việc loại bỏ những kế hoạch dự phòng đòi hỏi những bước đi cẩn thận. Dưới đây là những gì Higgins gợi ý
Xem xét mọi khả năng có thể xảy ra
Higgins thường có một quan điểm như sau: "Lập danh sách mọi thứ bạn phải từ bỏ để theo đuổi một mục tiêu cụ thể. Giả sử bạn luôn muốn bỏ công việc ở công ty để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Trong ngắn hạn, điều đó có nghĩa là bạn phải từ bỏ nhiều thứ hơn là những khoản lương cố định hàng tháng. Bạn cũng sẽ mất chức vụ và giá trị bản thân mà công việc cũ có thể mang lại cho bạn”.
Theo ông, mỗi người nên tự hỏi bản thân xem mục tiêu mà mình theo đuổi quan trọng đến mức nào và bản thân sẽ phản ứng thế nào với sự mất mát đó. Sau đó, hãy làm tương tự với mọi thứ khác mà bản thân có thể sẽ mất khi theo đuổi một mục tiêu cụ thể.
Tương tự, cựu khách mời của chương trình Shark Tank cũng cho biết mỗi người cũng nên đặt ra những câu hỏi tương tự với mặt tích cực của mục tiêu mà bản thân đang theo đuổi, chẳng hạn như khi nào thì mô hình kinh doanh sẽ thành công? Nếu tới lúc đó chưa thành công, kế hoạch tiếp theo là gì?
Một khi bản thân xác định kết quả tiềm năng tốt nhất và tồi tệ nhất, đồng thời xác định khả năng xảy ra tương ứng của chúng, nhiệm vụ sẽ trở nên đơn giản: Cân nhắc xem khả năng xảy ra kết quả tốt nhất có xứng đáng với xác suất xảy ra kết quả tồi tệ nhất hay không. Higgins nói, nếu câu trả lời là “đáng giá”, hãy lao vào theo đuổi mục tiêu và đừng nhìn lại.
Phân tích rủi ro
Higgins không phải là người thành công duy nhất đưa ra quyết định theo cách này. Chẳng hạn, nhà đầu tư tỷ phú và đồng sáng lập Microsoft Bill Gates cũng có cách tiếp cận tương tự khi đánh giá những rủi ro lớn.
“Cho dù chúng tôi đầu tư 100.000 USD hay 100 triệu USD, thì quyết định luôn được tính toán một cách chi tiết”, Bill Gates viết trong một bài đăng trên blog năm 2019, đồng thời cho biết thêm rằng ông dành “nhiều thời gian để suy nghĩ, phân tích dữ liệu và nói chuyện với các chuyên gia” trước khi thực hiện một khoản đầu tư mới.
Tất nhiên, mỗi người có thể lập ra rất nhiều kế hoạch, song lại chỉ có giới hạn với những gì bản thân có thể kiểm soát. Higgins chia sẻ: “Hãy nghĩ tới mục tiêu về kế hoạch A của bạn và đừng quá căng thẳng về những điều không chắc chắn mà bạn sẽ gặp phải trên đường đạt được mục tiêu đó”.
Điều đó nghe có vẻ bất khả thi đối với những người thận trọng, nhưng Higgins nói rằng triết lý này thực sự phù hợp với nhóm nhân khẩu học đó. “Khi bạn cảm thấy lo lắng hoặc bồn chồn, bộ não của bạn sẽ chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, qua đó làm cho danh sách những tình huống tiêu cực và tích cực mà bạn nghĩ tới trở nên thực tế hơn”, Higgins chia sẻ.
“Nếu bạn có thể thừa nhận những mặt tiêu cực đó và vẫn cảm thấy thoải mái tiến về phía trước, thì có lẽ bạn đã chuẩn bị tốt để xử lý rủi ro. Ý tưởng về việc không lập kế hoạch dự phòng, trên thực tế, đòi hỏi bạn phải có một mức độ chấp nhận rủi ro lớn”, Higgins nói thêm.
Một nghiên cứu năm 2020 từ Đại học Bang North Carolina cho thấy một mặt trái khác của lối suy nghĩ này: Những người có thể đạt được sự cân bằng giữa việc tập trung vào hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai thường có thể kiểm soát căng thẳng hàng ngày mà không bị kích động. Higgins nói: “Bạn đã xử lý tất cả các tình huống [trường hợp xấu nhất] đó và bạn không cần phải suy nghĩ lại về nó”.