|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Bước can thiệp với quy mô hàng chục tỷ USD của Nhật Bản sẽ không mang hiệu quả về tỷ giá

14:37 | 04/05/2024
Chia sẻ
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho rằng các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ không mang lại hiệu quả với tỷ giá hối đoái, ngay cả ở quy mô mà Nhật Bản được cho là đã triển khai gần đây.

Đồng yen Nhật (JPY) đang có tuần tốt nhất so với USD kể từ năm 2022 sau khi nhiều khả năng chính phủ Nhật Bản đã thực hiện hai lần can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Phân tích của Bloomberg về tài khoản của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể đã chi 9.000 tỷ JPY (gần 60 tỷ USD) cho đợt can thiệp vừa qua. Trước đó, JPY từng tụt xuống mức thấp nhất so với USD kể từ năm 1990.

Phát biểu trên Bloomberg Television, ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và hiện là Giáo sư tại Đại học Harvard, nhận định: “Với quy mô khổng lồ của thị trường vốn, tôi nghĩ có bằng chứng khá rõ ràng rằng các biện pháp can thiệp (từ nhà điều hành - PV) không hiệu quả, ngay cả với quy mô mà Nhật Bản đã thực hiện”. 

Vị này cho rằng dòng vốn được dùng để can thiệp sẽ bị áp đảo trước quy mô khổng lồ của dòng vốn khu vực tư nhân.

Theo ông Summers, các quốc gia thường có xu hướng can thiệp khi giá trị đồng tiền đi quá xa so với mức bình thường và khi hiện tượng này xảy ra, đôi khi các đồng tiền sẽ tự phục hồi trở lại.

Do đó, ông cho rằng giá trị đồng JPY đã giảm quá sâu và sẽ có xu hướng bật trở lại. Tuy vậy ông cũng không đưa ra khẳng định về dự báo xu hướng sắp tới cho đồng tiền này là tăng hay giảm.

Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Bộ trưởng Summers đã từng theo dõi những hoạt động can thiệp tiền tệ như vào những năm 1990 và  năm 2000 (G7 hỗ trợ đồng Euro). 

“Nếu JPY tăng giá, tôi sẽ cho rằng đây là kết quả của 'sự phục hồi' hơn là sự can thiệp”, ông nói.

Trước đà tăng giá của đồng USD, không chỉ Nhật Bản mà nhiều quốc gia châu Á đã phải triển khai các biện pháp can thiệp. Vào cuối tháng 4/2024, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã khiến thị trường bất ngờ khi nâng lãi suất để hỗ trợ đồng rupiah trước áp lực từ USD. 

Ngày 3/5, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã phát tín hiệu có thể trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ. 

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hai động thái can thiệp là bán ngoại tệ giao ngay và đấu thầu vàng. Ngày 19/4, NHNN công bố bán ngoại tệ giao ngay với mức giá bán can thiệp là 25.450 VND/USD, thấp hơn 27 VND/USD so với mức tỷ giá bán ở mức trần đang được giao dịch bởi một số ngân hàng.

Theo số liệu không chính thức, NHNN đã bán ra khoảng 350 - 370 triệu USD (tương đương 8.907 - 9.416 tỷ đồng) trong hai ngày 22 - 23/4. 

Trong báo cáo phân tích mới đây, bộ phận phân tích của Ngân hàng UOB cũng dự đoán rằng các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục yếu trong thời gian còn lại của quý II và sẽ bắt đầu phục hồi từ quý III. Trong đó, sự mất giá đột ngột của đồng nhân dân tệ (CNY) được cho là rủi ro chính về sự biến động ngoại hối ở Châu Á.

Minh Quang