|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cựu bộ trưởng năng lượng Mỹ bất ngờ khi OPEC+ bế tắc, gợi ý Washington hỗ trợ hòa giải

07:13 | 07/07/2021
Chia sẻ
Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ dự báo giá dầu có thể "dễ dàng" đạt mốc 100 USD/thùng sau khi các cuộc đàm phán của OPEC+ đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, ông có gợi ý rằng Mỹ có thể tham gia khơi thông bế tắc tại OPEC+.

Bất ngờ khi Arab Saudi và UAE bất đồng

Tuần trước, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã hai lần không thống nhất được thỏa thuận. Nỗ lực mới nhất hôm 5/7 cũng bị gạt phăng và thời điểm nhóm họp tiếp theo vẫn chưa được ấn định.

Hiện tại, OPEC+ đang tìm cách bơm thêm 400.000 thùng mỗi ngày từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay, đồng thời đề xuất kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Năm ngoái, để đối phó với cú sốc nhu cầu, OPEC+ đã đồng ý hạn chế sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 5/2020 - cuối tháng 4/2022.

Sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán gần đây và thái độ phản đối của UAE đối với các điều khoản chung, đang cho thấy một sự bất đồng công khai hiếm hoi giữa hai đồng minh lâu năm.

Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette và Phó Chủ tịch Dan Yergin của IHS Markit đều bất ngờ khi chứng kiến mối bất hòa giữa Arab Saudi và UAE. Chia sẻ với CNBC, ông Brouillette bày tỏ: "Tôi ngỡ ngàng, ngơ ngác khi biết Abu Dhabi đang rời bỏ Riyadh, một đồng minh lâu năm của họ trong OPEC và OPEC+".

Ông Yergin cũng đồng tình rằng cuộc tranh chấp giữa Arab Saudi và UAE là rất "ngỡ ngàng", vì cho đến gần đây hai nước vẫn "đồng hành cùng nhau trong mỗi bước chân". "Tôi nghĩ rằng một trong hai bên sẽ phải nhượng bộ để OPEC+ đạt được thỏa thuận chung", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cựu bộ trưởng năng lượng Mỹ 'ngỡ ngàng, ngơ ngác' khi OPEC+ bế tắc, gợi ý Washington hỗ trợ hòa giải - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette. (Ảnh: AP).

Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ lưu ý, dù Arab Saudi và UAE đang đi theo hai ngã, cả hai vẫn có chung mục tiêu và đều cần doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ để đầu tư cho các dự án mới.

Giá dầu "dễ dàng" lên 100 USD/thùng

Theo ông Brouillette, giá dầu thô có thể "rất dễ dàng" đạt mốc 100 USD/thùng khi các cuộc đàm phán của OPEC+ đi vào ngõ cụt. Trò chuyện với CNBC, vị cựu bộ trưởng nhấn mạnh: "Bạn có thể thấy giá dầu dễ dàng chạm ngưỡng 100 USD/thùng, thậm chí có thể cao hơn".

Song, ở chiều ngược lại, giá dầu cũng có thể cắm đầu. "Nếu OPEC+ không thống nhất về sản lượng, các nước thành viên có thể tự ý hành động. Giá dầu thô có nguy cơ lao dốc", ông Brouilette, người đứng đầu Bộ Năng lượng Mỹ giai đoạn 2019 - 2021, cảnh báo.

Phó Chủ tịch Yergin còn nói thêm rằng nếu giá dầu chạm đỉnh 100 USD/thùng, nhu cầu có thể bị ảnh hưởng. "Tôi tin các nước hiểu rõ rằng dầu lên 100 USD/thùng hoàn toàn không có lợi cho họ", ông Yergin nói tiếp.

Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố tiêu cực đang tác động đến triển vọng giá dầu mà nhiều nhà phân tích không nên bỏ qua, oilprice.com lưu ý. Trên hết, trang tin này nhận thấy giá dầu không thể đạt mốc 100 USD/thùng.

Thứ nhất, các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng nguồn dự trữ mà họ tích lũy vào năm ngoái, khi thị trường dầu mỏ sụp đổ. Điều này có nguy cơ làm giảm nhu cầu của nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Thứ hai, về mặt địa chính trị, nếu Washington và Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân, các lệnh cấm vấn đối với ngành dầu mỏ Iran sẽ được gỡ bỏ. Iran không chỉ có thể trở lại mức sản lượng 2,8 triệu thùng/ngày trước khi bị trừng phạt, mà còn có thể bơm thêm dầu bằng cách dùng đến kho dự trữ khổng lồ 60 triệu thùng.

Cuối cùng, khi giá dầu tăng cao, các công ty dầu đá phiến tại Mỹ có thể sẽ chen chân vào thị trường, nguồn cung có thể trở nên dư thừa.

Mỹ có thể làm gì?

Theo cựu Bộ trưởng Dan Brouillette, dù Mỹ không phải là thành viên OPEC và dự kiến sẽ không tham gia đàm phán giá dầu, nước này có thể tham gia hòa giải trung gian.

"Mỹ là một trong ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Chúng ta có thể liên quan tới các cuộc đàm phán của OPEC+, sử dụng G20 cũng như các diễn đàn khác để làm trung gian hòa giải, đồng thời giảm thiểu một số kịch bản tồi tệ có thể xảy ra...", ông Brouillette nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi công chúng nên theo dõi sát sao Nga, nước lãnh đạo các thành viên ngoài OPEC trong liên minh OPEC+.

Yên Khê