Cuốn tự truyện của John Bolton như loạt đại bác, đe dọa đánh chìm con tàu Donald Trump
Cuốn tự truyện gần 600 trang của ông John Bolton là thông điệp có sức công phá mạnh nhất đến từ một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump. Cuốn sách có thể gây hại cho ông Trump trước thềm cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới.
Cựu cố vấn Bolton đánh giá: "Tôi không nghĩ ông Trump phù hợp với chiếc ghế tổng thống. Ông ta không có đủ năng lực để đảm đương công việc". Đối thủ Joe Biden của ông Trump hẳn hoàn toàn đồng tình với ông Bolton.
Cuối cùng, cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông Trump lại đang tiết lộ bí mật của chính ông. Chuyện ông Trump cầu xin sự giúp đỡ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019 khiến nước đi của ông trong vụ việc WikiLeaks hồi năm 2016 gần như trở thành trò cười, The Guardian lập luận.
Trong quá khứ, ông Trump từng nhiều lần dành lời khen cho WikiLeaks - trang web chuyên công khai bí mật của chính phủ nhiều nước vì tính minh bạch của họ. Khi tranh cử vào năm 2016, ông Trump đã hân hoan khi WikiLeaks công bố loạt email đánh cắp từ chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Lần này ông Trump trở thành nạn nhân. "Ông hãy mua thật nhiều đậu nành, lúa mì và đảm bảo sao cho tôi giành chiến thắng", ông Trump đã nói với ông Tập Cận Bình, theo như trích dẫn trong cuốn tự truyện của cựu cố vấn Bolton.
Các cấp dưới trung thành của Tổng thống Trump biết họ đang đối diện với một vấn đề chắc chắn sẽ không tự biến mất. Thế nên, họ lên tiếng chỉ trích ông Bolton.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi ông Bolton là kẻ phản bội. Cố vấn Peter Navarro - một diều hâu nổi tiếng tại Nhà Trắng, nói cuốn tự truyện The Room Where It Happened là "một màn trả thù sâu cay".
Theo chỉ thị của ông Trump, Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị tòa án cấm ông Bolton phát hành cuốn tự truyện. Tuy nhiên hôm 20/6, một thẩm phán liên bang đã từ chối đề nghị này.
Cụ thể, thẩm phán toà án khu vực Royce Lamberth viết: Yêu cầu ngăn chặn việc phát hành cuốn tự truyện The Room Where It Happened của chính phủ Mỹ không thể thi hành được vì hàng nghìn ấn bản của cuốn sách đã in xong và đang trên đường chuyển đến các nhà phân phối.
Phán quyết của ông Lamberth là một đòn đau đối với Nhà Trắng khi mà trong tuần qua, các cấp dưới của ông Trump đã lao tâm khổ tứ tìm cách xóa sổ cuốn tự truyện dự kiến phát hành vào ngày 23/6 tới. Hiện tại, cuốn sách đang là tác phẩm bán chạy nhất trên danh mục sách đặt trước của Amazon.
Ngoài động thái yêu cầu thẩm phán Lamberth dừng việc phát hành cuốn sách, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã kiện cá nhân ông Bolton, cáo buộc cựu cố vấn vi phạm các thỏa thuận không tiết lộ thông tin mà ông đã kí với Nhà Trắng.
Cuốn tự truyện của ông Bolton chứa đầy thông tin mật và đáng tin, khiến người khác khó mà nghi ngờ nội dung sách, The Guardian nhận định. Trước đây từng có cuốn sách A Warning do do một quan chức giấu tên viết về tính xấu đáng báo động của ông Trump nhưng Bộ Tư pháp Mỹ không thèm tìm cách ngăn chặn.
Tương tự, không ai có thể nhầm lẫn ông Bolton với cựu cố vấn chính trị Omarosa Manigault của ông Trump hay cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer. Ông Bolton đã và sẽ không tham gia bất kì chương trình truyền hình thực tế nào. Lần này, công chúng tự mình đưa ra phán xét.
Theo The Guardian, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Trump chỉ trích cựu cố vấn Bolton, gọi ông là kẻ dối trá và đe dọa truy tố hình sự. Tuy nhiên, ông Bolton vẫn giữ nguyên cuốn tự truyện và ông Trump nên cẩn thận.
Tổng thống Trump trước công chúng khác một chút so với người đàn ông ngồi sau Chiếc bàn Kiên định, hay bàn tổng thống. Ví dụ, trong cuốn tự truyện, cựu cố vấn John Bolton đã kể về mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" của ông Trump với cố Thượng nghị sĩ John McCain.
Ông Bolton đã mô tả Tổng thống Mỹ "hận thù cố Thượng nghị sĩ, bằng chứng là ông ta liên tục chửi rủa ông McCain, kể cả sau khi ông McCain qua đời và không thể gây hấn với ông Trump thêm được".
Trước đây, chính ông James A Baker III - Chánh văn phòng Nhà Trắng của Tổng thống Ronald Reagan kiêm Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George H. W. Bush, đã thu nhận ông Bolton. Theo lời ông Baker, "ông Bolton là một người cực kì sáng dạ". Ông Baker không dùng từ "khôn ngoan" để chỉ cựu cố vấn an ninh của ông Trump.
The Guardian viết, ông Bolton không phải là một người hùng. Phẩm chất đó không có trong máu của cựu cố vấn John Bolton.
Cuối năm ngoái, trong quá trình luận tội ông Trump, cả nước Mỹ đã tập trung vào phiên điều trần trước quốc hội của bà Fiona Hill và ông Alexander Vindman - hai thành viên trong hội đồng an ninh quốc gia của ông Bolton.
Khi đó, ông Bolton lại nín thinh, dù rằng trên thực tế ông đã rời Nhà Trắng. Trong suốt quá trình luận tội, ông Bolton nói ông sẽ tôn trọng trát đòi hầu tòa của Thượng viện và đến cho lời khai dù ông biết giấy này sẽ không bao giờ đến.
Ngoài vụ việc Ukraine, ông Bolton lập luận rằng Đảng Dân chủ có thể mở rộng phạm vi cuộc điều tra luận tội hồi năm ngoái để tập trung vào vấn đề mà cựu cố vấn an ninh quốc gia này gọi là "một loạt hành vi không thể chấp nhận được, làm xói mòn phẩm chất của Tổng thống Mỹ".
Politico dẫn lời Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Coons tỏ vẻ bực tức: "Bolton vừa nói rằng nếu Đảng Dân chủ hỏi đúng câu hỏi thì cuộc luận tội Tổng thống Trump sẽ có kết cục khác. Vậy thưa ngài Bolton, biết vậy tại sao ông không ra mặt và điều trần khi cuộc luận tội đang diễn ra?"
Ngay cả khi cuốn tự truyện được ra mắt, Đảng Cộng hòa vẫn kiên quyết khẳng định những tiết lộ của ông Bolton sẽ chẳng thay đổi điều gì.
The Guardian liệt kê, ông Bolton đã chứng kiến Tổng thống Trump đánh đổi an ninh quốc gia để lật đổ ứng viên Biden, đánh đổi hệ thống tư pháp Mỹ vì lợi ích ở Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị sự giúp đỡ của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, khi sự việc gây chú ý, ông Bolton lại chọn cách im lặng.