Cuộc ‘suy thoái hẹn hò’ càn quét nước Mỹ, nền kinh tế nếm trải khó khăn
Thêm 13 triệu người độc thân
Trong đại dịch COVID-19, nước Mỹ từng trải qua một cuộc suy thoái kinh tế ngắn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Đại học Stanford cùng dữ liệu khảo sát gần đây của chính chủ Mỹ cho thấy COVID còn gây ra một cuộc suy thoái trong đời sống xã hội của người Mỹ.
Đối với hàng triệu người, việc hẹn hò và các hoạt động xã hội khác vẫn chưa phục hồi sau đại dịch. Hiện tượng này không chỉ tạo ra tác động tâm lý lên các cá nhân mà còn có ảnh hưởng về kinh tế.
Nguồn cung lao động, nhu cầu nhà ở và doanh thu thuế đều phụ thuộc vào các động lực nhân khẩu học. Sau các cuộc hẹn hò ban đầu, mọi người có thể đi đến quyết định kết hôn, sinh con, mua nhà và mở tài khoản tiết kiệm chung.
Ông Michael Rosenfeld, Giáo sư xã hội học của Stanford, bình luận: “Hầu như mọi mối quan hệ yêu đương nghiêm túc đều bắt đầu từ những buổi hẹn ngẫu hứng. Nhưng những mối quan hệ mới chớm đó dễ bị gián đoạn và đổ vỡ hơn”.
Khi COVID-19 ập đến nước Mỹ, ông Rosenfeld đã khởi động lại cuộc khảo sát mà ông từng tiến hành vào năm 2017 để đo lường những mối quan hệ mới chớm nở. Ông nhận thấy hàng triệu mối quan hệ chưa chính thức đã tan vỡ, dù các cặp đôi sống chung hoặc đã kết hôn hầu như vẫn gắn kết với nhau trong đại dịch.
Sau khi số người độc thân tăng vọt trong năm 2020 - ảnh hưởng đến 1/20 người trưởng thành ở Mỹ, Giáo sư Rosenfeld chạy lại khảo sát vào năm 2022.
Kết quả ông thu được là số người độc thân và không hẹn hò thậm chí còn gia tăng, dù việc gặp gỡ đã không còn nguy hiểm như trước nhờ chương trình tiêm phòng COVID của chính phủ. So với trước đại dịch, ông ước tính có thêm 13,3 triệu người Mỹ độc thân vào năm 2022.
Một số dữ liệu gần đây cũng cho thấy vết sẹo vô hình của COVID-19. Khảo sát của Cục Thống kê Lao động Mỹ nhận thấy trong năm 2023, người trưởng thành dành nhiều thời gian ở một mình hơn hẳn so với 4 năm trước đó, đồng thời bớt tham gia vào việc trò chuyện trực tiếp và các hoạt động nhóm.
Doanh nghiệp gặp khó
Theo tờ Bloomberg, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tác động khi khách hàng ít gặp gỡ người khác hơn trước. Số cuộc hẹn hò và đi chơi giảm đồng nghĩa với việc lượng khách tại các nhà hàng truyền thống, phục vụ tại chỗ vẫn chưa quay trở về mức trước đại dịch.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của những công ty cung cấp các dịch vụ khác - như giao hàng hay đồ ăn nhanh - liên tục phá kỷ lục.
Các quán bar và hộp đêm cũng đang gặp khó khăn. Lượng rượu mà người Mỹ tiêu thụ đã tăng dần trong 25 năm qua, nhưng tỷ lệ rượu được phục vụ bởi các bartender ngày càng giảm. Công ty nghiên cứu IWSR ước tính vào năm 2023, chỉ 15% lượng rượu tại Mỹ được mua tại những địa điểm phục vụ tại chỗ như quán bar.
Giáo sư Ronsenfeld chỉ ra hậu quả lâu dài hơn của “cuộc suy thoái hẹn hò” là người Mỹ tiếp tục trì hoãn các cột mốc trưởng thành truyền thống, bao gồm kết hôn, sinh con hoặc mua nhà. Cục Điều tra Dân số Mỹ ước tính số trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm 889.000 trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, tương ứng mức giảm gần 5%.
Theo ông Rosenfeld, đối tượng có đời sống xã hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 là những người dưới 40 tuổi. Ông giải thích: “Khả năng hình thành và duy trì các mối quan hệ lãng mạn đòi hỏi kinh nghiệm và trí nhớ cơ bắp mà một số thanh niên Mỹ không có”.
Các doanh nghiệp trên toàn nền nước Mỹ đang cố gắng điều chỉnh cho phù hợp với xu thế là khách hàng ít giao tiếp hơn trước.
Trong hàng thập kỷ, Starbucks đã khẳng định mình là “nơi thứ ba” để mọi người tụ tập ngoài nhà ở và chốn làm việc. Năm 2022, chuỗi cà phê này cho biết họ đang “định hình lại nơi thứ ba” bằng cách tập trung vào việc cải thiện tốc độ của dịch vụ và ứng dụng điện thoại. Thông qua ứng dụng của Starbucks, khách hàng có thể đến lấy đồ uống mà không cần nói chuyện với bất cứ ai.
Các nhà phát triển bất động sản thì phản ứng với cuộc suy thoái hẹn hò tại Mỹ bằng cách xây nhà nhỏ hơn. Chiến lược này vừa có thể giúp đảm bảo doanh thu vừa làm giảm chi phí.
Từ năm 2019 đến năm 2023, dữ liệu chính thức cho thấy số căn hộ mới có diện tích dưới 93 m2 đã tăng 65%, trong khi đó số căn từ 111 m2 trở lên lại giảm.
Ông Chris Porter, chuyên gia về nhân khẩu học tại công ty tư vấn John Burns Research & Consulting, giải thích: “Việc mỗi hộ gia đình có ít người hơn đồng nghĩa với việc họ cần ít không gian hơn”.
Bỏ lỡ “lợi ích kinh tế nhờ quy mô”
Sống độc thân có những lợi thế riêng nhưng cũng thường đắt đỏ hơn việc sống với bạn đời. Bà Deborah Carr, Giáo sư xã hội học của Đại học Boston, chỉ ra những người sống độc thân không được hưởng “lợi ích kinh tế từ quy mô”, ví dụ như chia sẻ tiền thuê nhà, bảo hiểm y tế hoặc cùng góp tiền để mua nhà. Bà Carr lưu ý: “Người sống độc thân càng lâu thì tiền tiết kiệm của họ càng có nguy cơ bị hao mòn”.
Các cuộc khảo sát người tiêu dùng và cử tri liên tục cho thấy người Mỹ đang có tâm trạng khó chịu, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp thấp và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Lạm phát là nguyên nhân chính nhưng việc sống cô độc cũng khiến tâm lý nhiều người tệ đi.
Ông Joanne Hsu, Giám đốc Cơ quan Khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan, bình luận: “Những gì chúng ta thấy là sự thiếu thốn trầm trọng của niềm hy vọng. Mọi người đang lo lắng về chính trị và nền kinh tế. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó có liên quan đến những lo lắng mang tính cá nhân”.