Liệu ‘ván cược lớn nhất trong lịch sử kinh doanh’ có đổ vỡ trong năm 2025?
Kỳ vọng và thực tiễn
Theo tờ Economist, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ là ván cược lớn nhất của giới doanh nghiệp từ trước đến nay. Cơn sốt AI ngày nay bắt đầu từ sự ra mắt của ChatGPT vào cuối tháng 11/2022. Chatbot này thu hút được 100 triệu người dùng chỉ trong vòng vài tuần, nhanh chóng hơn bất kỳ sản phẩm nào trong lịch sử.
Các nhà đầu tư cũng háo hức không kém với công nghệ mới. Giá trị thị trường của Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới, đã tăng vọt 8 lần lên hơn 3.000 tỷ USD. Và chi tiêu ước tính dành cho các trung tâm dữ liệu AI từ năm 2024 đến 2027 sẽ vượt quá 1.400 tỷ USD.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn không chắc chắn về những gì AI có thể làm hoặc cách tận dụng tốt nhất công nghệ này là gì. Trên toàn nước Mỹ, chỉ 5% doanh nghiệp cho biết họ đang ứng dụng AI trong sản phẩm và dịch vụ. Số startup AI thu được lợi nhuận cũng rất ít. Và các giới hạn về dữ liệu cũng như năng lượng đối với việc xây dựng mô hình AI cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nói tóm lại, thực tế về hoạt động kinh doanh AI đang khác xa những gì giới đầu tư tưởng tượng. Năm 2025 sẽ là năm chủ chốt để các doanh nghiệp chứng minh tính hiệu quả và công dụng của AI trước khi các nhà đầu tư mất hết kiên nhẫn.
Các rắc rối của AI
Tiềm năng của AI đang bị cản trở bởi một số hạn chế. Thứ nhất, việc đào tạo các mô hình lớn đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Ví dụ, năng lượng dùng để đào tạo GPT-4, mô hình ngôn ngữ lớn làm nền tảng cho ChatGPT, bằng với mức tiêu thụ điện của 5.000 ngôi nhà ở Mỹ trong một năm.
Việc phát triển các mô hình lớn hơn và thông minh hơn nữa có thể tiêu tốn năng lượng lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần, đẩy chi phí lên cao. Theo một số ước tính, thế hệ mô hình AI tiếp theo có thể cần 1 tỷ USD để đào tạo.
Thứ hai, dữ liệu để đào tạo AI sắp rơi vào tình trạng thiếu hụt. Có ước tính cho rằng cho dữ liệu dạng văn bản chất lượng cao trên internet sẽ bị dùng hết sạch vào năm 2028.
Doanh nghiệp trên khắp thế giới đang gấp rút tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề trên. Một số phát triển các con chip hiệu quả hơn, số khác đặt cược vào những mô hình nhỏ hơn và tiêu tốn ít điện năng. Cũng có những doanh nghiệp cố gắng tự tạo ra dữ liệu để đào tạo mô hình.
Liệu những giải pháp trên sẽ tạo ra một bước nhảy vọt hay chỉ giúp AI đạt bước tiến nhỏ? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Trong khi đó, những người sử dụng AI lại đau đầu về vấn đề khác, đó là sử dụng công nghệ này một cách hiệu quả. Quá trình tìm hiểu sẽ cần có thêm thời gian, bởi doanh nghiệp còn phải đầu tư, điều chỉnh quy trình làm việc và đào tạo cho nhân viên.
Nhưng văn hóa cũng có ảnh hưởng đáng kể. Tuy chỉ 5% doanh nghiệp Mỹ cho biết họ đang dùng AI, có tới 33% người lao động Mỹ cho biết họ dùng công nghệ này một lần mỗi tuần. Tùy thuộc vào nghề nghiệp của người lao động mà tần suất sử dụng có thể cao hơn nhiều.
Một nghiên cứu phát hiện rằng 78% kỹ sư phần mềm ở Mỹ dùng AI ít nhất một vài lần mỗi tuần, tỷ lệ này đối với người trong ngành nhân sự là 75%. Và OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, cho biết 75% doanh thu của họ đến từ khách hàng cá nhân thay vì doanh nghiệp.
Các con số trên cho thấy rất nhiều người “bí mật” dùng AI để đơn giản hóa các tác vụ như diễn đạt lại văn bản hoặc viết báo cáo. Người lao động có thể lo sợ rằng nếu họ thừa nhận dùng AI để tăng tốc công việc thì các nhà quản lý sẽ coi đây là tín hiệu để cắt giảm nhân sự.
Để có thể tận dụng AI, các nhà quản lý doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường khuyến khích sự cởi mở và thử nghiệm, thay vì bí mật và nghi ngờ.
Tiềm năng của AI cũng không chỉ bó hẹp trong việc xử lý hoặc tạo văn bản. Trong năm 2025, có thể bước đột phá quan trọng nhất của AI sẽ nằm trong những lĩnh vực khác như phát triển thuốc hoặc quốc phòng. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo có thể được tích hợp vào máy bay không người lái - một trong những vũ khí chủ lực của tương lai.
Cuộc chiến phát triển AI - trước khi các nhà đầu tư bỏ cuộc - sẽ diễn ra dưới rất nhiều hình thức trong năm 2025. Nhưng chính thời điểm các nhà đầu tư mất kiên nhẫn lại thường là lúc các công nghệ mới lặng lẽ tạo ra được thành công. Liệu bong bóng AI sẽ xì hơi hay bắt đầu đem lại trái ngọt?