|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Đế chế' Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài cuối: Tương lai thương mại toàn cầu

14:28 | 25/11/2024
Chia sẻ
Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể ủng hộ lập trường thương mại "Nước Mỹ trên hết", do đó một số quốc gia sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng phức tạp.

 

Tổng thống đắc cử Donald Trump với chiếc mũ mang khẩu hiệu MAGA. (Ảnh: Getty Images).

Nhà kinh tế Samirul Ariff Othman của Đại học Teknologi Petronas (Malaysia), Cố vấn cấp cao của Global Asia Consulting, cho rằng nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump với cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" được đánh dấu bằng sự hoài nghi sâu sắc đối với các hiệp định thương mại toàn cầu, mà ông chỉ trích là không tốt cho lợi ích của Mỹ.

Theo bài viết trên trang New Straits Times (Malaysia), quan điểm này bao gồm những lời chỉ trích trực tiếp đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO, tuyên bố tổ chức này thiên vị và chống lại lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông Trump coi cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là không hiệu quả và thường gây hại cho các chính sách thương mại của Mỹ, báo hiệu rằng chính quyền của ông thà bỏ qua hoặc thậm chí từ bỏ tổ chức này nếu họ tiếp tục phản đối các cải cách phục vụ lợi ích của Mỹ.

Chương trình nghị sự thương mại của ông Trump cũng dẫn đến việc ông rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017 (sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), mà ông cho rằng sẽ gây tổn hại đến việc làm của người Mỹ.

Bên cạnh đó, ông đặc biệt cảnh giác với các hiệp định thương mại đa phương, ủng hộ các thỏa thuận song phương mà ông tin rằng mình có thể đàm phán các điều khoản thuận lợi hơn.

Cũng theo logic này, ông đã đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), mà ông gọi là "thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từ trước đến nay", đổi tên thành Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Thỏa thuận mới nhằm tăng cường bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, lĩnh vực mà ông cho rằng đã bị tổn hại do việc chuyển giao việc làm cho Mexico theo NAFTA.

Khi nói đến châu Âu, ông Trump tỏ ra không mấy quan tâm đến việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đề xuất với Liên minh châu Âu (EU), mà thích đàm phán lại các điều khoản thương mại với từng quốc gia châu Âu.

Ông thường xuyên phàn nàn về những gì ông coi là chính sách bảo hộ của châu Âu, mà ông cho rằng đã hạn chế không công bằng hoạt động xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp và công nghệ.

Ông thậm chí còn áp thuế đối với hàng hóa châu Âu như thép và nhôm, gây ra các biện pháp trả đũa và bế tắc thương mại ảnh hưởng đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Cảng Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump rất có thể sẽ ủng hộ lập trường thương mại "Nước Mỹ trên hết" được tăng cường, do đó một số quốc gia, ví dụ như Malaysia, phải đối mặt với một hành động cân bằng phức tạp.

Để giảm thiểu phản ứng dữ dội tiềm ẩn, những quốc gia này có thể thực hiện các bước chủ động bằng cách tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các hướng dẫn rõ ràng hơn về nguồn gốc hàng hóa, nhấn mạnh các yêu cầu về hàm lượng nội địa và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý của Mỹ để đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ.

Ngoài ra, các quốc gia này có thể tăng cường nỗ lực thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển lực lượng lao động trong nước có tay nghề cao hơn, tạo ra sự khác biệt rõ ràng hơn giữa họ và các nhà sản xuất Trung Quốc.

Cách tiếp cận này không chỉ phù hợp với mục tiêu phát triển của họ mà còn chứng minh với Mỹ rằng họ cam kết xây dựng nền kinh tế độc lập, đa dạng. Việc tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong ASEAN và với các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU cũng có thể là một phần của chiến lược phục hồi.

Bằng cách tham gia vào một mạng lưới rộng hơn các hiệp định thương mại, các quốc gia có thể báo hiệu với Mỹ rằng lợi ích kinh tế của họ vừa mang tính khu vực vừa mang tính toàn cầu. Những động thái này sẽ tăng cường tính hợp pháp của họ như những trung tâm đầu tư độc lập, trong khi bảo vệ họ trước bất kỳ sự thay đổi bảo hộ tiềm tàng nào từ Mỹ.

Tóm lại, các chính sách thương mại của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên được bao phủ bởi sự hoài nghi mạnh mẽ về các hiệp định thương mại đa phương và ưu tiên các thỏa thuận song phương. Điều này thách thức các khuôn khổ thương mại hiện có như WTO và để lại những tác động lâu dài đến động lực thương mại quốc tế.

Hằng Linh