Cuộc sống trong con phố cách li của người Hà Nội
20h ngày 6/3, những hàng quán ở ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã (quận Ba Đình) sáng trưng đèn, khách ngồi kín vỉa hè ăn ốc, cà phê, phở cuốn - những đặc sản trên con phố ẩm thực của quận Ba Đình. Quán phở ông Hùng bà Thủy số nhà 85 Trúc Bạch mở từ 19h đến 24h mỗi ngày. Ông Hùng nhẩm tính tối thứ sáu, thanh niên đi chơi đêm nhiều "chắc sẽ bán được hơn trăm bát".
Sự xuất hiện của xe cảnh sát và cứu thương ngay sau đó khiến cả khu phố khựng lại. Trong bộ đồ bảo hộ trùm kín toàn thân, các nhân viên y tế cầm theo bình xịt, vội vã vào trong tòa nhà 125 Trúc Bạch. Các khách hàng buông đũa nhìn theo, ông Hùng linh tính không lành. Những thanh barie lập tức được dựng lên tại hai đầu phố và một ngách thông. Bà Thủy tắt bếp than, ông Hùng thu dọn bàn ghế. Nồi phở hôm ấy mới bán được chưa đầy chục bát.
Cùng với hàng triệu người Hà Nội tối ấy, gia đình bảy người nhà ông Hùng và cư dân Trúc Bạch có một đêm trắng. 23 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm ca Covid-19 mới, tuyến phố ăn uống ven hồ vừa dần đông đúc trở lại. Hai hôm trước, ông Hùng với hàng xóm còn sôi nổi chuyện "Sơn Lôi được tháo rào", không ngờ có ngày chính mình lại ở sau những tấm barrie.
"Bệnh nhân 17" được công bố, Hà Nội cấp tốc lập rào chắn phong toả từ ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã đến điểm giao với phố Châu Long, từ số nhà 79 đến 139, trên đoạn đường dài hơn năm trăm mét. Cả khu phố với 22 hộ dân, 176 nhân khẩu của thủ đô nằm trong diện cách ly tập trung 14 ngày.
"Cái nồi phở không bán được đã đành, nội bất xuất ngoại bất nhập thì ăn ở thế nào đây?", bà Thủy trằn trọc đến hơn 1h sáng. Bên ngoài, nhiều nhà ở dãy phố vẫn đang sáng đèn. Nhân viên y tế và cảnh sát ra vào suốt đêm.
Sáng hôm sau, khu phố thức giấc bằng tiếng loa phát thanh về Covid-19. Người Trúc Bạch lần đầu sống trong vòng cách ly, cái gì cũng sợ sẽ thiếu. Những thùng mì, túi gạo, trứng và bao tải rau củ, nhu yếu phẩm liên tục được đưa qua rào sắt, người được bạn bè "tiếp tế", người tự gọi đồ online mang đến.
Người phụ nữ bốn chục năm nội trợ như bà Thủy quen cảnh sáng xách làn đi chợ, nhớ từng thói quen ăn uống của chồng, con, cháu và có một nỗi lo thường trực về thực phẩm. Nhưng rồi bà không phải thấp thỏm lâu. Trụ sở UBND phường Trúc Bạch nằm ngay đầu ngã tư chiều ấy nhộn nhịp xe tiếp tế đồ.
"Mỗi khẩu 3 quả trứng, 2 lạng thịt hoặc cá, ngày 2 loại rau, còn được một yến gạo Tám với chai dầu ăn", ông Hùng nhận về thực phẩm được phường phát miễn phí, nói đùa "thừa dinh dưỡng, ngày thường vợ chẳng cho mình ăn ngon thế này".
Dân cư khu phố được cán bộ y tế thăm khám hai lần mỗi ngày, 8h30 và 15h. Nước rửa tay được phát hằng ngày kèm túi phân loại rác. Rác được gom 18h mỗi ngày bởi lực lượng chuyên biệt. "Bác đeo găng tay, khẩu trang khi đổ rác, xịt khử trùng tay chân sau khi đi đổ rác và tháo bỏ găng tay, khẩu trang ngay nhé", những lời nhân viên y tế dặn bà Thuỷ đã thuộc nằm lòng hai hôm nay.
Đứa cháu nội 5 tuổi hỏi bà trong sáng đầu của ngày cách ly "Bà ơi, sao cháu không được đi chơi?". Cậu anh trai lớp 4 nhanh nhảu "Em không biết à, đang có bệnh, phải phòng bệnh đấy. Ở trường cô giáo anh bảo thế". Hai đứa nhỏ hiểu chuyện, chịu khó nhắc cả nhà rửa tay, quanh quẩn ngồi nhà học bài, chơi với bố mẹ. Con trai ông kinh doanh tự do bên ngoài, vì cách ly cũng phải bó gối ngồi nhà.
"Con bé đáng trách quá!", nhắc tới người hàng xóm mình chưa từng thấy mặt, ông Hùng chỉ buông một câu cảm thán rồi không muốn bình luận gì thêm. Hai ngày trôi qua, ông thấy dân phố mình vẫn ổn. "Càng trong tâm dịch càng nên thong thả cho bà con bên ngoài yên tâm chống dịch".
Anh Phạm Hoàng Long, quản lý nhà hàng rượu vang coi kỳ cách ly tập trung là những ngày "thực hiện trách nhiệm với cộng đồng". Gia đình sống trong Sài Gòn, chỉ có hai anh em trai ở số 119 Trúc Bạch, ngay sau nhà "bệnh nhân 17". Những hộ cư trú liền kề với ngôi nhà 125 Trúc Bạch, nơi cô gái sinh sống đều được đưa đi cách ly tập trung tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 (huyện Đông Anh) ngay trong đêm 6/3.
Anh Long ở trong căn phòng rộng khoảng 40 m2 cùng em trai và hai người hàng xóm. Phòng có điều hoà nhưng không dùng và được yêu cầu mở quạt gió, cửa sổ cho thoáng. Trong phòng, ai nấy đều đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện. Mỏi người, anh đi ra hành lang vươn vai hít thở cho đỡ bí bách. Long cho biết cư dân Trúc Bạch ở gần kín hai dãy phòng trên tầng 8, nhiều gia đình mang theo con nhỏ.
Tối 6/3, anh Long đang làm việc trên phố Tràng Thi thì điện thoại đổ chuông liên hồi. Bạn bè báo tin con phố bị phong toả, hỏi han tình hình rồi khuyên "té" gấp đừng về nhà nữa. Như một phản xạ tự nhiên, anh điện cho em trai mang theo quần áo rời khỏi nhà. Nhưng vài phút hoảng loạn qua đi, anh nghĩ lại "mình không nên trốn, dễ gây hậu quả". Ba mươi phút sau, Long nhận được điện thoại của nhân viên y tế quận Ba Đình hỏi đang ở đâu, thông báo qua tình hình và mời về đi cách ly. Anh xin vài tiếng để bàn giao công việc, dặn dò gần chục nhân viên trong những ngày đi vắng.
Trở về nhà lúc nửa đêm, khí trời se lạnh cuối xuân khiến anh rùng mình. Người đàn ông gốc Hà Nội, trưởng thành ở Sài Gòn rồi lại về Hà Nội lập nghiệp. Hơn một năm đi về trên con phố Trúc Bạch, anh mới thấy con phố đêm ấy thật khác mọi đêm. Không còn quán ăn nghi ngút khói, không còn từng đoàn thanh niên ăn mặc sành điệu ra vào bar. Chỉ còn công an, dân phòng đứng chốt đầu ngõ mở hé barie cho anh vào.
Nơi Long sống là một biệt thự cổ có nhiều gia đình. Cầu thang chung tắt đèn tối om khiến anh lạnh gáy. Long bật hết đèn lên rồi đi tắm, xếp quần áo vào balo. Hơn 2h sáng, anh xách túi kèm cây đàn guitar gọi đội y tế báo đã sẵn sàng. Mười phút sau xe đến, đưa anh cùng một số người đi cách ly.
Bữa cơm đầu tiên có một món xào, hai món mặn cùng canh, cơm được bọc trong giấy bạc giữ nhiệt khiến anh bất ngờ và cam đoan "ngon hơn khối quán cơm bụi vỉa hè". Công việc quản lý nhà hàng, giờ giấc không ổn định khiến lâu lắm rồi, anh mới thấy ăn cơm ngon như vậy.
Trải qua hai ngày đi cách ly tập trung, ngoài những lúc tự đo thân nhiệt và lấy mẫu xét nghiệm, ban ngày anh ngủ đến tận trưa và đêm thức đến gần 4h hôm sau để trả lời tin nhắn hỏi han từ bạn bè. Việc điều hành nhà hàng chủ yếu qua điện thoại. Nhiều khách hàng nhắn tin hỏi "Có làm sao không?". Long nói mình vẫn ổn, quyết định công khai việc đi cách ly dù biết có thể khiến khách hàng sợ.
Anh đoán tỷ lệ lây nhiễm của mình chỉ là 0,1%, nhưng vì cách ly là yêu cầu bắt buộc nên sẽ thực hiện nghiêm túc. Anh Long chưa bao giờ gặp Nguyễn Hồng Nhung, cũng không biết nhiều về ngôi nhà số 125 bên cạnh. Anh chỉ thấy "đó là ngôi nhà mới xây xong, to nhất phố, người trong nhà rất kín tiếng".
Đêm qua, Long ngồi thiền. Anh không ngủ được vì thói quen thức khuya. Rất lâu rồi mới có cảm giác an tĩnh, cảm nhận được từng mạch máu chảy rần rần trong người, để suy nghĩ về hai chữ "cách ly". Anh từng sợ hãi nghĩ đó là "một điều xấu xa, người đi cách ly cảm thấy như là người bệnh, phải giấu mình vì sợ xã hội đấu tố hoặc xa lánh". Đó là nguyên nhân lớn nhất khiến người ta lẩn tránh cách ly. Giờ nghĩ lại, anh thấy những người đi cách ly an toàn hơn người ngoài xã hội. Khi hàng ngày được bê cơm nước tới tận nơi, sát khuẩn thường xuyên, không phải bon chen xếp hàng mua thực phẩm, lo nhiễm bệnh khi ra ngoài. Nếu lỡ có nhiễm thì sẽ được phát hiện và cứu chữa đầu tiên.
"Chỉ mong mọi người nhìn nhận tích cực với những người đang cách ly. Bởi niềm tin, thái độ tích cực là vũ khí quan trọng nhất lúc này để chúng ta vượt qua dịch bệnh", anh nói.
Trúc Bạch bị cách ly, nhịp sống trên những con phố xung quanh cũng chậm lại dù Hà Nội đang trải qua những ngày nắng đẹp cuối xuân. Không có khách ghé thăm, nhân viên các quán phở cuốn Ngũ Xã ngồi bấm điện thoại, rủ nhau chơi đá cầu. Cách barie vài chục mét, quán cà phê số 39 Châu Long cũng đóng cửa từ sáng 7/3. Ông chủ quán hẹn "bao giờ hết dịch thì bán tiếp, giờ mở ra cũng bán cho ma tây".
Những dãy tập thể cũ xung quanh đã bớt ồn ào khi cửa nhà dân khép kín. Thi thoảng có người đeo khẩu trang thò đầu ra ngóng người qua lại. Buổi chiều chỉ còn tiếng loa phường phát bản tin về Covid-19. Giữa hai đầu barie cách ly, người dân phố Trúc Bạch thảnh thơi đeo khẩu trang dạo bộ, tập thể dục, đi nhận đồ tiếp tế. Một số loại thực phẩm cơ bản như rau, thịt, cá, trứng và nước uống đóng chai được phát miễn phí từng ngày, theo định lượng có sẵn.
"Đồ mang vào khu cách ly đều phải qua kiểm dịch", ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch phường Trúc Bạch cho biết. Đồ tiếp tế cho cư dân đều được phường tiếp nhận tại cổng riêng. Bộ phận y tế sẽ khử khuẩn toàn bộ rồi để tại bàn cho người dân tự tới lấy. Trên bàn tiếp nhận đặt sẵn nước sát trùng để người dân rửa tay trước khi nhận đồ.
8/3 năm nay, chỉ có hoa là không được "tiếp tế" vào khu phố cách ly. Những người phụ nữ trong gia đình ông Hùng đi qua ngày Quốc tế phụ nữ "đặc biệt nhất đời" với bữa cơm thịt ba chỉ, trứng rán và rau cải chíp xào tỏi, đều là đồ tiếp tế của thành phố tới bà con trong khu cách ly. "Thôi đành chăm chỉ rửa bát quét nhà để bù cho bà ấy vậy", ông Hùng bảo, nhất định khi hết dịch, sẽ đưa vợ đi ăn buffet và nghe ca nhạc như những ngày 8/3 mọi năm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/