Cuộc săn nhân tài của Big Tech: Tặng tiền để ứng viên tham gia phỏng vấn, cho nhân viên nghỉ phép có lương ở nhà chăm thú cưng
Joy Nazzari, founder startup proptech của Anh có tên Showhere, đang rất nỗ lực để thuê 16 nhân sự cho nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, lượng người ứng tuyển ngày càng thấp, theo Wired.
"Thuê người mới chưa bao giờ khó và tốn kém như bây giờ. Ngoài ra, bạn cũng phải giữ chân cả những người cũ, những người thường xuyên lên Linkedln rồi nghe lời mời gọi từ những bên khác có mức lương cao hơn", Joy Nazzari chia sẻ.
Nazzari nằm trong số những nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người thay thế những nhân sự cũ. Tại Mỹ, tỷ lệ công nhân bỏ việc đã cao hơn so với trước đại dịch trong 8 tháng liên tiếp, theo số liệu từ Statista.
Số lượng nhân sự bỏ việc tăng kỷ lục
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Anh. Sanjay Raja, chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank, đã công bố một báo cáo vào tháng 1 cho thấy tỷ lệ người bỏ việc đang ở mức cao nhất kể từ năm 2009. Có một số lượng lớn người từ bỏ thị trường lao động và hơn 80% không muốn có việc làm, tỷ lệ cao trên mức kỷ lục từng được ghi nhận năm 1993. Điều này đã để lại những lỗ hổng lớn trên thị trường lao động.
Một làn sóng nghỉ việc đã nới rộng khoảng cách giữa cung và cầu trong ngành công nghệ, khiến các nhà tuyển dụng phải áp dụng các biện pháp chưa từng có để tuyển dụng nhân sự. Riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), 31% người lao động đã tích cực tìm kiếm một công việc mới trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2021. Đây là mức cao nhất trong số tất cả các ngành, theo phân tích từ Gartner. Trong khi đó, dữ liệu từ công ty đào tạo Global Knowledge cho thấy 76% những người quản lý về CNTT toàn cầu đang giải quyết những lỗ hổng kỹ năng quan trọng trong đội ngũ nhân sự của họ. Rõ ràng, tình trạng nhân viên thiếu kỹ năng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Công ty tặng tiền, cho nhân viên nghỉ phép để thu hút nhân tài
Nguồn lực nhân sự ngày càng giảm khi các công ty cạnh tranh gắt gao để thu hút nhân tài. Các doanh nghiệp đang thử nghiệm tất cả các biện pháp an sinh để thu hút nhân viên mới.
Tháng 1, Pinterest đã công bố tăng cường phúc lợi kỳ nghỉ thai sản đối với nhân viên. Trước đó, vào tháng 12, công ty fintech Finder đã nâng quỹ thời gian nghỉ có lương cho nhân viên thêm 5 ngày. Thậm chí, On Purpose, một công ty tư vấn truyền thông có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ đã chơi trội khi cho phép nhân viên nghỉ 7 ngày có lương để chăm sóc thú cưng.
Đặc biệt, một số công ty còn tặng tiền để các ứng viên tới tham dự buổi phỏng vấn. Deutsche Familienversicherung, một công ty có trụ sở tại Frankfurt, cho biết họ sẽ cung cấp 500 euro cho bất kỳ ai tới tham dự phỏng vấn, 1.000 euro khác cho những người lọt vào vòng hai và 5.000 euro cho những người hoàn thành thời gian thử việc 6 tháng.
Không chỉ các công ty lớn làm điều này mà ngay cả những tổ chức phi lợi nhuận cũng thực hiện điều này. Cactus Communications, một nền tảng xuất bản dành cho cộng đồng khoa học tặng 5% lương trong năm để chào đón người mới. Con số tương tự đối với công ty Showhere của Nazzari là một tháng lương.
Tiêu chuẩn tuyển dụng thay đổi
Thực tế, những điều này chưa đủ để hấp dẫn các ứng viên. Thay vào đó, Nazzari đang áp dụng nhiều chiến thuật khác nhau, chẳng hạn như đề xuất những vị trí cấp cao ngay từ cuộc phỏng vấn đầu tiên qua điện thoại hay để nhân viên tự do tìm nơi làm việc trong đại dịch.
Các nhà tuyển dụng khác cũng trong tình trạng tương tự. "Trong năm qua, chúng tôi đã ngừng xem xét các tiêu chí về vị trí khi tuyển dụng. Chúng tôi tuyển nhân viên bất cứ khi nào và ở mọi nơi. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để người lao động tìm kiếm thêm cơ hội", Ashmita Das, Giám đốc điều hành một nền tảng có tên Kolabtree chia sẻ.
Số lượng việc làm cố định từ xa tại Mỹ đã tăng từ 9% lên 18% trong quý IV/2021. "Kể từ khi thực hiện chuyển đổi sang chế độ làm việc từ xa, chúng tôi đã không bị giới hạn khi tuyển dụng nhân sự", Maureen Carroll, lãnh đạo bộ phận nhân sự của công ty Vista có trụ sở tại Mỹ chia sẻ. Việc chuyển đổi này dẫn đến số lượng đơn xin việc tăng 300%. Do đó, cô tin rằng điều đó đang tạo ra sự khác biệt.
Theo một báo cáo được công bố đầu tháng 2, Amazon, PayPal, Intel và Pinterest thừa nhận rằng việc từ chối công việc từ xa sẽ khiến họ phải trả giá đắt trong cuộc chiến giành nhân tài, đặc biệt là khi Facebook, Twitter và Shopify đã biến nó thành chuẩn mực. Tại Nhật Bản, nơi mà làm việc từ xa vẫn chưa phổ biến, Yahoo đã thông báo rằng nhân viên có thể làm việc từ mọi nơi trên đất nước và họ sẽ trả tiền cho các chuyến bay của họ nếu họ cần đến văn phòng.
Khi các doanh nghiệp công nghệ gặp khó khăn trong lựa chọn ưu tiên làm việc từ xa hay trực tiếp thì những số liệu cho thấy mức lương trung bình trong ngành đang tăng nhẹ. Theo một báo cáo từ Dice, mức lương trung bình của các vị trí công nghệ ở Mỹ đã tăng gần 7% trong giai đoạn 2020 – 2021, trung bình ở mức 6.707 USD/tháng.
Trong khi đó, báo cáo cho thấy mức lương trung bình cho một nhân viên tri thức trong ngành hiện là 104.566 USD/năm. Các nhà phát triển web nhận được mức tăng cao nhất sau khi mức lương hàng năm của họ tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Thu hút ứng viên bằng các đặc quyền văn phòng đã là quá khứ. Mọi người cảm thấy mệt mỏi vì bị làm việc quá sức và bị trả lương thấp. Họ muốn có một nhà tuyển dụng quan tâm đến sức khỏe tổng thể và thành công trong tương lai của họ", Meike Jordan, lãnh đạo của Productsup, một nền tảng bán sản phẩm cho người dùng có trụ sở tại Berlin, Đức khẳng định.
"Các khoản tiền thưởng dành cho nhân viên mới luôn là một vấn đề nhạy cảm bởi đôi khi điều đó sẽ khiến những người cũ so bì. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, chúng tôi phải cạnh tranh nhiều hơn", Nazzari cho biết.