|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc đua hưởng lợi từ chênh lệch giá tiền đồng

11:42 | 13/03/2017
Chia sẻ
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chênh lệch giá là động lực để không ít cá nhân, doanh nghiệp hay cả tổ chức tín dụng dấn thân vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở Việt Nam hình thức này có thực sự là miền đất hứa hay lại là con dao hai lưỡi đối với nhà đầu tư?

Hình thức kinh doanh chênh lệch giá ra đời từ rất lâu và vẫn phát triển mạnh cho đến ngày nay

Nguồn gốc sinh lợi của hình thức kinh doanh này là việc thực hiện việc mua đồng tiền ở nơi giá thấp và bán lại với giá cao hơn (hoặc ngược lại) tại cùng một thời điểm để thu lợi từ chênh lệch. Đây là việc hưởng lợi đơn thuần theo kỹ thuật và hoàn toàn không phát sinh rủi ro.

Tuy nhiên, với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ hiện đại ngày nay thì hầu hết tất cả giá cả các đồng tiền có thể được kiểm soát. Việc kinh doanh chênh lệch giá giữa các nơi hầu như không còn và cũng chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn.

Phát sinh từ loại hình này là hình thức “buôn” tiền của các doanh nghiệp và ngân hàng. Điều kiện cần để hình thức này có thể diễn ra là sự chênh lệch giữa các mức lãi suất tiền gửi hoặc chênh lệch giữa lãi suất gửi và lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng.

cuoc dua huong loi tu chenh lech gia tien dong
Hoạt động hoán đổi tiền tệ (Ảnh minh họa)

Hình thức hưởng lợi của các doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp có thể lợi dụng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi đồng nội tệ và ngoại tệ trong một thời gian ngắn. Những năm về trước, các doanh nhiệp xuất khẩu vay USD với lãi suất cực thấp từ 2% - 3%, sau khi bán hàng thu tiền về, họ bán USD lấy tiền đồng nội tệ và tiếp tục gửi với lãi suất cao hơn. Hình thức này sẽ mang lại lợi nhuận cho họ khi tỷ giá không biến động nhiều.

Doanh nghiệp nhập khẩu được phép trả chậm, sau khi bán được hàng hóa thu tiền đồng về mang gửi tại ngân hàng để được hưởng lãi có khi lên đến 6% - 7% trong khi chưa cần phải thanh toán với đối tác.

Một số doanh nghiệp khác lại thực hiện trá hình các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để được hưởng lợi từ các chính sách của các ngân hàng.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt hoặc thuộc nhóm được cho vay ưu đãi của nhà nước, đi vay chỉ với lãi suất cực kỳ thấp, sau đó mang tiền đi gửi tại tổ chức tín dụng khác hưởng chênh lệch.

Nhiều đơn vị lại khai thác từ sự chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đem tiền của mình cho nhân viên đứng tên cá nhân để gửi ở ngân hàng để hưởng lợi.

Các ngân hàng cũng không nằm ngoài cuộc chơi

Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ ngân hàng sử dụng ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền ở tổ chức tín dụng khác nhằm hưởng lợi từ lãi suất mà vẫn giữ nguyên được tổng tài sản của mình.

Điển hình là vụ án tại Ngân hàng Á Châu - ACB vào năm 2012, Tổng Giám đốc ACB ông Lý Xuân Hải đã ủy thác gửi tiền và chỉ đạo nhân viên mang số tiền gần 719 tỷ đồng gửi tiết kiệm vào Vietinbank nhưng toàn bộ số tiền đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Kết quả với hành vi này, hàng loạt lãnh đạo cấp cao đến nhân viên ACB bị kết án vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đại án Oceanbank đang được xét xử, nhà băng này thực hiện chi lãi ngoài trái quy định để giữ chân khách hàng do "cảnh khát thanh khoản" giai đoạn 2010 - 2014. Người gửi được hưởng lợi từ khoản chi bên ngoài và ngân hàng tiếp tục duy trì khoản huy động vốn đặc biệt với một số doanh nghiệp lớn điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Gần đây nhất, tại Agribank Cần Thơ vào tháng 6/2016, hành vi hưởng lợi phát sinh từ việc lợi dụng chương trình ưu đãi được nhà nước hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị tổn thất sau thu hoạch nông sản và thủy sản. Theo chương trình này, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất 2 năm đầu và 50% lãi suất năm thứ 3.

Các cán bộ ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau nâng khống giá trị tài sản, cho vay doanh nghiệp không đúng ngành nghề với số tiền lên đến 290 tỷ đồng. Sau đó doanh nghiệp lại mang tiền với lãi suất 0% này đi gửi kỳ hạn dài ở tổ chức tín dụng khác hưởng chênh lệch.

Nhìn từ thế giới

Một bài viết của TS Alan Phan vào năm 2014 từng chia sẻ, trên thế giới việc kinh doanh chênh lệch giá là một công cụ lợi dụng lợi thế của dòng tiền rẻ (tạo được nhờ uy tín, khả năng và tiếp thị) để kiếm lời từ các định chế yếu kém hơn. Nếu việc tái đầu tư không kèm theo một lợi ích cá nhân nào cho người quản lý thì quyết định đầu tư hoàn toàn thuộc phạm trù kinh doanh.

cuoc dua huong loi tu chenh lech gia tien dong
Văn phòng nợ quốc gia Thụy Điển

Hay như câu chuyện mới đây về người Thụy Điển tranh nhau nộp thừa thuế để được hưởng lợi tức từ số tiền thừa này với mức 0.56%/năm. Đây là một động thái hoàn toàn hợp pháp khi mà Ngân hàng Trung ương Thụy Điển thực hiện lãi suất huy động dưới 0% để kích lạm phát cách đây 2 năm.

Ngay sau đó, chính quyền cũng phải loại bỏ việc trả lãi này tuy nhiên ngay cả như vậy người dân vẫn muốn để tiền của họ ở đó hơn là gửi ngân hàng với lãi suất âm.

Rủi ro từ đâu?

Như vậy yếu tố lợi nhuận là động cơ chính để các doanh nghiệp hay ngân hàng thực hiện giao dịch nhằm hưởng lợi từ chênh lệch giá. Giao dịch mà cả hai bên đều có lợi vậy thiệt hại thực sự phát sinh từ đâu?

Thứ nhất, rủi ro xuất phát từ sự không minh bạch, một số hình thức ủy thác gửi tiền được gọi là hình thức lách luật. Do là hình thức không thể công khai nên chính từ đó phát sinh rủi ro trong quá trình thực hiện gây ra tổn thất cho các bên.

Thứ hai, gây thiệt hại trực tiếp cho bên thứ 3, cụ thể là nhà nước trong trường hợp của Agribank. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại này là yếu tố chủ quan, lợi dụng những chính sách nhà nước để tư lợi cho bản thân.

Thứ ba, sự quản lý lỏng lẽo trong công tác cho vay và huy động của các ngân hàng đã làm méo mó thị trường và tăng lượng tiền ảo. Khi doanh nghiệp đi vay không dùng tiền để đầu tư trực tiếp vào kinh doanh mà quay vòng tiền trong các hệ thống ngân hàng làm tăng lượng cung tiền, ảnh hưởng đến việc nhìn nhận thị trường và các chính sách tiền tệ.

Nhiều vụ án đã khép lại cho thấy việc kinh doanh chênh lệch giá là một hiện tượng xảy ra khá phổ biến trong hệ thống tài chính. Đây là một thách thứ đối với các nhà quản lý về việc cần làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên cùng với chế tài, hình phạt cụ thể hơn nhằm hạn chế những rủi ro không đáng có.

cuoc dua huong loi tu chenh lech gia tien dong Điểm mặt những đại án tại Agribank

Chỉ trong vòng 5 năm qua, tại Agribank - Ngân hàng lớn nhất hệ thống hiện nay, cơ quan điều tra đã phát hiện và ...

cuoc dua huong loi tu chenh lech gia tien dong “Đi đêm lãi suất”, hàng loạt giám đốc Oceanbank vướng lao lý

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo hội sở Oceanbank, để hút khách hàng gửi tiền giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch đã “đi ...

Diệp Bình