|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điểm mặt những đại án tại Agribank

21:04 | 09/03/2017
Chia sẻ
Chỉ trong vòng 5 năm qua, tại Agribank - Ngân hàng lớn nhất hệ thống hiện nay, cơ quan điều tra đã phát hiện và khởi tố hàng loạt vụ án, số tiền thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
diem mat nhung dai an tai agribank
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Nguồn: Agribank)

Mới đây nhất, liên quan đến vụ án hình sự xảy ra tại Agribank Cần Thơ được khởi tố vào tháng 6/2016. Ngày 8/3 vừa qua cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú khởi tố và bắt tạm giam ông Lê Thanh Hải - Nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh Cần Thơ và khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Huy Liệu - Nguyên Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Cần Thơ.

Cụ thể trong vụ án này, lợi dụng chương trình cho vay ưu đãi lãi suất được nhà nước hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên, các cựu cán bộ này đã nâng khống giá trị tài sản thế chấp và cho Công ty Tây Nam không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên vay, sau đó gửi lại tiết kiệm để hưởng lợi.

Con số thiệt hại chính thức chưa được công bố nhưng ước tính có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tháng 9/2014, ông Đỗ Tất Ngọc - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cùng ông Phạm Ngọc Ngoạn - Nguyên Thành viên Hội đồng Thành viên Agribank, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty In - Thương mại và Dịch vụ Agribank bị bắt và đưa ra xét xử cuối năm 2016 vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ án liên quan đến sai phạm trong việc thực hiện và phê chuẩn kế hoạch xây dựng nhà máy in với chi phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Quang Minh là 94 tỷ đồng. Theo quy định, đây là khu đất Nhà nước cho thuê và không được phép chuyển nhượng. Mặc dù chưa thực hiện được việc chuyển nhượng nhưng quá trình thanh toán đã gần như hoàn tất.

Trước đó hàng loạt các sai phạm tại một số chi nhánh giao dịch của Agribank cũng đã bị phát hiện và xét xử cụ thể:

Vụ án tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội năm qua, có 13 bị cáo là cán bộ ngân hàng, 4 bị cáo là cán bộ hải quan và 1 bị cáo là giám đốc doanh nghiệp. Trong đó có ông Phạm Thanh Tân - nguyên tổng giám đốc Agribank, và ông Kiều Trọng Tuyến - nguyên phó tổng giám đốc Agribank bị khởi tố “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cáo trạng xác định các bị cáo đã lập khống hồ sơ vay vốn mua máy móc, thiết bị, lập hợp đồng chuyển nhượng thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt. Ngân hàng không thẩm định thực tế mà chỉ dựa vào thông tin doanh nghiệp cung cấp, bỏ qua các quy định về quản lý đối với ngân hàng. Vụ việc này đã làm thiệt hại của Agribank số tiền khoản 3.900 tỷ đồng.

Tại Agribank Chi nhánh Hồng Hà, cơ quan điều tra xác định vào năm 2012, ông Đỗ Đức Hưng - Nguyên Giám đốc chi nhánh cùng 2 cán bộ dưới quyền là bà Đỗ Thị Minh Hiền và ông Trương Đăng Dần – Trưởng và Phó phòng tín dụng đã ký 8 bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số công ty, với tổng số tiền hơn 345 tỷ đồng.

Sau đó công ty này đã mất khả năng thanh toán, gây hậu quả thiệt hại tài sản của Nhà nước với số tiền gần 139 tỷ đồng.

Đối với nhóm cán bộ Agribank Chi nhánh 6 dù biết các dự án của bên vay chưa được cấp phép, tài sản thế chấp không đủ điều kiện bảo đảm, nhưng Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 là ôngHồ Đăng Trung và cấp dưới đã bỏ qua các quy định, cho vay cả trăm tỷ đồng và bị bên vay chiếm đoạt.

Vụ án làm thất thoát của Agribank với số tiền ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2015.

Tại Agribank Bình Chánh, 3 cán bộđơn vị này đã phải lãnh án tù trong năm 2016. Nguyên do từ sai phạm khi không thực hiện đúng các quy trình thẩm định tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn và đã ký duyệt cho Công ty Tân Đại Phát và Công ty Thanh Phát vay sai quy định. Số tiền thất thoát khoảng 33 tỷ đồng.

Vụ án Agribank - Chi nhánh 7 cho thấy, từ năm 2009 đến 2011, Phạm Văn Cử - Nguyên Giám đốc chi nhánh chỉ đạo thuộc cấp tiếp nhận hồ sơ, ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Mai Khôi vay vốn. Tuy nhiên việc cho vay không đúng quy định như thẩm định không đúng thực tế tình hình hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính của công ty này; nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất sai quy định...

Hành vi này gây mất khả năng thu hồi số tiền gốc hơn 396 tỷ đồng và lãi gần 205 tỷ đồng, tổng số tiền thiệt hại là 601 tỷ đồng.

Tại Agribank Bến Thành, Nguyên Giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã có hành loạt hành vi ép cấp dưới phải thực hiện theo lệnh của mình, chỉ đạo nhân viên cho vay tiền dù không có tài sản đảm bảo, không đủ kiện vay vốn, tài sản đảm bảo bị nâng khống gấp nhiều lần so với giá trị thực tế...

Vụ việc gây thiệt hại cho Agribank Bến Thành thiệt hại hơn 212 tỷ đồng, đồng thời cựu Giám đốc chi nhánh là bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh đối mặt với án tử hình.

Có thể thấy, trong vòng 5 năm qua nhiều sai phạm tại Agribank bị cơ quan chức năng phát hiện và khởi tố. Hầu hết trong các sai phạm này đều thể hiện tính chủ quan của các cán bộ ngân hàng, nghĩa là họ biết sai mà vẫn thực hiện.

Đến cuối 2016, Agribank có mạng lưới đứng đầu với trên 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, có tới gần 40.000 cán bộ nhân viên.

Điều này cho thấy công tác quản lý và bổ nhiệm các cán bộ tại Agribank đang đứng trước một thách thức lớn, đòi hỏi ngân hàng cần nâng cao chất lượng kiểm tra, quản trị nội bộ để hạn chế các sai phạm như trên.

diem mat nhung dai an tai agribank ​Khởi tố nguyên giám đốc, phó giám đốc Agribank Cần Thơ
diem mat nhung dai an tai agribank Giám đốc Agribank Bến Thành đối mặt với án tử hình
diem mat nhung dai an tai agribank Ngày mai, xét xử phúc thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Agribank
diem mat nhung dai an tai agribank Nguyên Chủ tịch HĐQT Agribank bị phạt tù về tội thiếu trách nhiệm

Diệp Bình