Cuộc đua định giá 2 nghìn tỉ USD của bộ ba Amazon, Apple, Microsoft
Mức định giá 2 nghìn tỉ USD – tương đương gói kích thích kinh tế của Mỹ - sẽ sớm bị ba "gã khổng lồ" công nghệ vượt qua sau khi hưởng lợi khổng lồ từ đại dịch COVID-19.
Hiện Apple và Microsoft đều có định giá vượt mức 1,6 nghìn tỉ USD, trong khi mức vốn hóa thị trường Amazon đã lên trên 1,5 nghìn tỉ USD và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tất cả các "ông lớn" này đang giao dịch gần mức đỉnh, và chỉ cách cột mốc vốn hóa thị trường 2 nghìn tỉ USD khoảng 20% đến 25%.
CNN đưa tin, bộ ba có khả năng sẽ đạt ngưỡng 2 nghìn tỉ USD trong vòng một đến hai năm tới nếu kết quả hoạt động tiếp tục ổn định.
Sau "màn cứu rỗi" ngoạn mục đẩy chỉ số Nasdaq lên mức cao nhất mọi thời đại ngày 9/6, các công ty tài chính tại Phố Wall thể hiện rõ ràng sự ái mộ cho CEO Tim Cook của Apple, CEO Satya Nadella của Microsoft và CEO Jeff Bezos của Amazon.
Thị trường tin tưởng đà tăng của bộ ba
Bất chấp tỉ lệ tăng trưởng chóng mặt giữa thời kì khủng hoảng, các nhà phân tích Phố Wall vẫn tin tưởng vào đà phát triển cả ba, dẫn đến mức phí tăng vọt.
"Khi sự tăng trưởng trở nên khan hiếm, mọi người sẽ phải trả nhiều tiền hơn để nắm được các cổ phiếu tăng trưởng", ông Don Townswick - Giám đốc chiến lược đầu tư vốn tại Conning - nhận định. Ông nhận xét thị trường đã thiếu sự tăng trưởng trong nhiều năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ngoài nguồn thu từ các thiết bị điện tử, Apple còn có hệ thống dịch vụ đa dạng gồm Apple Pay, Apple Music và App Store. Chúng đang phát triển nhanh chóng, giúp tập đoàn "đánh bại" tác động đại dịch.
Microsoft nổi danh với doanh số và mức lợi nhuận cao từ bộ phần mềm Office 365.
Sàn thương mại điện tử Amazon gặp thời với lượng đơn hàng bùng nổ chưa từng có nhờ COVID-19 khiến người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến.
Cả Microsoft và Amazon đều là những tên tuổi tiên phong trong thị trường điện toán đám mây đầy tiềm năng sinh lợi nhuận cao, với hai hệ thống Azure và AWS.
Phần lớn nhà phân tích tại Phố Wall đều kì vọng bộ ba công nghệ tiếp đà tăng giá. Theo số liệu từ Refinitiv, 29 trong số 39 nhà phân tích có đánh giá Apple đưa ra khuyến nghị "mua" cổ phiếu, trong khi 34 trong số 37 nhà phân tích theo dõi Microsoft đề xuất "mua".
Cổ phiếu nổi bật nhất vẫn là Amazon – tập đoàn "phất" lên nhiều nhất nhờ COVID-19 – với 48 trong số 51 nhà phân tích đánh giá "nên mua".
"Mở rộng quá lớn, quá nhanh"
Dù phần lớn tin tưởng vào đà tăng của Amazon, Apple và Microsoft, nỗi sợ về "bong bóng đầu tư" bắt đầu xuất hiện. Một số nhà phân tích nhận định rằng bộ ba mở rộng quá lớn quá nhanh.
Giá cổ phiếu Apple và Microsoft đã tăng hơn 30% vào năm 2020, khiến hai tập đoàn công nghệ trở thành những doanh nghiệp có hiệu suất hàng đầu của chỉ số Dow. Mặt khác, Amazon là cổ phiếu tốt nhất hiện tại trong chỉ số S&P 500, tăng gần 70% tính từ đầu năm.
Bất chấp các kì vọng tiếp tục tăng giá từ các nhà phân tích Phố Wall, mục tiêu giá đồng thuận cho cả ba cổ phiếu đều thấp hơn mức giá giao dịch hiện hành.
"Cả 3 tập đoàn đều mạnh và có vẻ có khả năng kháng cự suy thoái kinh tế. Nhưng mức định giá cổ phiếu của họ đang gây nên sự quan ngại", Giám đốc đầu tư North Trust Wealth Management – bà Katie Nixon viết trong một báo cáo.
Gọi Amazon, Apple và Microsoft là "những doanh nghiệp tuyệt vời", bà Nixon nhấn mạnh vấn đề giá cổ phiếu các "ông lớn" về dài hạn.
"Các cổ phiếu thống trị sàn Nasdaq rất đắt đỏ", Nixon viết, cho biết Microsoft và Apple hiện đang giao dịch gấp 25 lần mức thu nhập ước tính cho năm 2021. Trong khi con số của Amazon còn "khủng" hơn, gấp 60 lần thu nhập ước tính cho năm tới.
"Đây là những mức định giá cao mà không có nhiều sai số, thể hiện cho mức kì vọng ngất ngưởng cho hiệu suất tương lai", bà Nixon viết thêm.
Đồng tình, Giám đốc chiến lược đầu tư vốn tại Conning Don Townswick cũng chỉ ra rằng ba tập đoàn công nghệ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn để đạt kết quả kinh doanh tốt, đặc biệt nếu nền kinh tế giảm tốc vào năm 2021.
Trả lời câu hỏi, nếu Apple, Microsoft và Amazon có thể phát triển mạnh trong thời kì suy thoái, liệu họ có thể làm tốt hơn một khi nền kinh tế phục hồi, ông Townras nói với CNN: "Nếu một trong những kẻ thành công nhất thất bại, có thể tình hình sẽ rất nguy hiểm".
Ông nhấn mạnh đã thắng nhanh thì bại cũng nhanh, các "ông lớn" công nghệ buộc phải tiếp tục tạo ra lợi nhuận và bành trướng hơn nữa khi tình hình bình thường hóa trở lại.