Cuộc đua AI tại Đông Nam Á để trở thành trung tâm công nghệ mới
Các nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á đang tích cực cạnh tranh để trở thành trung tâm hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI). Cuộc đua này không chỉ thể hiện sự hợp tác mà còn là cạnh tranh âm thầm giữa các quốc gia trong khu vực, theo CNBC.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 quốc gia với tổng dân số 672 triệu người đang sở hữu một số lợi thế nổi bật so với châu Âu và Mỹ. Với hơn 200 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 34, dân số trẻ và am hiểu công nghệ tại khu vực này dễ dàng thích nghi với các tiến bộ công nghệ trong tương lai.
Jun Le Koay, nhà tư vấn từ Access Partnership và tác giả nghiên cứu “Advantage Southeast Asia: Emerging AI Leader”, nhận định rằng AI có thể cải thiện đáng kể năng suất trong các ngành công nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập cho người lao động.
“Việc áp dụng AI trong các ngành nghề sẽ tạo ra những cơ hội việc làm mới yêu cầu kỹ năng liên quan đến AI, giúp người lao động thu nhập thấp nâng cao kỹ năng và chuyển đổi sang các vị trí có mức lương cao hơn,” Koay chia sẻ.
Ngoài ra, ASEAN đã có bước tiến lớn trong việc tăng cường truy cập internet, tạo ra một cộng đồng số sẵn sàng đón nhận và đổi mới với AI. Với tỷ lệ sử dụng smartphone dao động từ 65% đến 90% ở các quốc gia ASEAN, tốc độ phổ biến của AI trong khu vực được kỳ vọng sẽ rất nhanh chóng.
Mặc dù có những tiềm năng rõ rệt, chuyên gia Grace Yuehan Wang từ London School of Economics nhận định rằng ASEAN vẫn thiếu các yếu tố cần thiết để dẫn đầu trong cuộc đua AI toàn cầu.
“Cơ sở hạ tầng số phát triển, đào tạo nhân tài công nghệ cao trong lĩnh vực AI, và sự hợp tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp vẫn chưa được hoàn thiện ở ASEAN,” Wang nói.
Cuộc cạnh tranh về AI giữa các quốc gia trong khu vực chủ yếu xoay quanh việc thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới.
Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, Singapore nổi bật với chiến lược AI toàn diện. Năm 2019, quốc gia này công bố tầm nhìn AI, và đến tháng 12/2023 đã cập nhật kế hoạch nhằm mở rộng lực lượng lao động AI lên 15.000 người, gấp ba lần hiện tại.
Chính phủ Singapore cam kết đầu tư 1 tỷ đô la Singapore (741 triệu USD) trong 5 năm tới để phát triển các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI. Những nỗ lực này giúp Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng Asia Pacific AI Readiness Index 2023 của Salesforce, vượt qua nhiều quốc gia ASEAN khác như Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan.
Dù bị Singapore bỏ xa, Việt Nam đang đặt cược vào AI với thế mạnh trong lắp ráp, kiểm thử và đóng gói linh kiện, đáp ứng nhu cầu chip toàn cầu. Chiến lược quốc gia của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển các giải pháp AI tại ASEAN vào năm 2030.
Một ví dụ điển hình là VinAI thuộc tập đoàn Vingroup đã phát triển PhoGPT, một mô hình ngôn ngữ nguồn mở dành riêng cho người dùng Việt. Sự ra đời của PhoGPT không chỉ chứng minh khả năng thích ứng của AI trong bối cảnh văn hóa địa phương mà còn giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, các công ty như DeepL từ Đức cũng đang khai thác sự đa dạng ngôn ngữ tại Đông Nam Á để phát triển các công cụ dịch thuật AI hỗ trợ sản xuất và dịch vụ khách hàng đa ngôn ngữ.
Ở các quốc gia kém phát triển hơn trong khu vực, như Campuchia, AI được định hướng để phục vụ “lợi ích xã hội” và công nghệ nông nghiệp. Tuy nhiên, các nước này đối mặt với nhiều thách thức lớn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khung pháp lý trước khi có thể triển khai chính sách AI toàn diện.
Kristina Fong, nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), cho rằng các quốc gia ASEAN cần đảm bảo các quy định vững chắc để giảm thiểu rủi ro xã hội từ AI.
Tháng 2/2024, ASEAN đã ban hành hướng dẫn khu vực về quản trị và đạo đức AI. Thay vì áp dụng mô hình quản lý chặt chẽ như Liên minh châu Âu (EU), ASEAN chọn cách tiếp cận linh hoạt hơn, phù hợp với năng lực kỹ thuật và pháp lý khác biệt giữa các quốc gia.
Theo chuyên gia Wang, ASEAN không nhất thiết phải chọn giữa mô hình phương Tây hay Trung Quốc trong quản trị AI. Thay vào đó, hợp tác quốc tế và sự đồng thuận khu vực đóng vai trò trung tâm trong khung đạo đức AI của ASEAN.
Cuối cùng, yếu tố quyết định để các quốc gia ASEAN thực hiện hóa tham vọng AI là duy trì và phát triển lực lượng lao động trẻ, hiểu biết công nghệ. Wang cho rằng, một chiến lược giáo dục quốc gia bổ sung cho kế hoạch AI sẽ là cách hiệu quả nhất để khu vực này tiến xa hơn trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.