Cuộc chơi với gã khổng lồ của FPT
Các quỹ ngoại trao tay gần 7,6 triệu cổ phiếu FPT | |
7 tháng FPT đạt lãi 1.670 tỷ đồng |
Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam. Ngay lập tức, các công ty tin học nổi tiếng của nước này như Compaq, Oracle, Unisys, Cabletron, Baynetwork tiến vào cuộc chơi tại thị trường mới đầy tiềm năng. Bấy giờ, FPT còn là một công ty khiêm tốn mới thành lập chưa đầy 6 năm với lực lượng phần mềm còn non trẻ nên không nghĩ sẽ có thể tận dụng cơ hội lớn trước mắt. Nhưng chỉ vài tháng sau, họ trở thành đối tác của gã khổng lồ trong ngành công nghệ Mỹ: IBM.
Bước ngoặt với IBM
Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc vẫn còn nhớ thử thách bí mật mà IBM đặt ra cho công ty 24 năm trước. Tập đoàn này nhờ một ngân hàng tại TP HCM gọi điện thoại cho FPT và một số công ty tin học khác báo đến sửa giúp máy in bị lỗi. “FPT có mặt đầu tiên sau 5 phút và IBM chọn chúng tôi làm đại lý”, ông kể. Tháng 9 năm đó, tập đoàn của Mỹ còn chỉ định công ty non trẻ của Việt Nam bán thêm cả máy chủ tầm trung AS/400 và RS/6000.
Nhận thấy FPT bán hàng tốt cho Olivetti và IBM, Compaq cũng muốn thông qua đây đưa các sản phẩm của mình đến người tiêu dùng Việt. Nhưng phải tới tháng 6/1995, FPT mới dám nhận lời bởi trước đó còn ngại làm phật lòng đối tác quá tên tuổi.
Tuy nhiên, bước ngoặt lớn của FPT cùng IBM đến vào đầu năm 2001 khi chủ tịch Trương Gia Bình vẽ sơ đồ nguyên lý của một đập thủy điện trước những nhân vật quan trọng của tập đoàn Mỹ. Ông diễn giải IBM đang sở hữu một nguồn nước đẳng cấp thế giới. Để nguồn nước này phát huy sức mạnh, tạo ra nguồn điện dồi dào - tức sản phẩm có giá trị cho thị trường thì họ cần phải tìm đến các thung lũng phần mềm trũng tại các nước có nền kinh tế còn thấp nhưng đội ngũ làm phần mềm đông, chất lượng cao. “Đó là Việt Nam, đó là FPT. Hợp tác với chúng tôi, các vị sẽ tạo sẽ tạo thành dòng thác và phát huy tối đa sức mạnh”.
Ngay sau đó, IBM lập đoàn khảo sát sang đánh giá năng lực và hoàn toàn bị thuyết phục rằng Việt Nam có thể phát triển phần mềm cho họ. Dù hợp đồng bấy giờ khá khiêm tốn nhưng ông Bình cho rằng ý nghĩa mang tính bước ngoặt bởi IBM là cái tên đã thay đổi cả thế giới. Khi họ sử dụng, gắn mác tên tuổi vào các sản phẩm phần mềm của FPT thì đây là sự khẳng định cho chất lượng và khả năng của FPT, đặc biệt trong lúc tên tuổi của công ty còn quá mới mẻ trên thị trường thế giới.
Từ bước đà này, những năm thập niên 2000, FPT cũng tiếp cận một gã khổng lồ khác là Microsoft thông qua chi nhánh đặt tại Malaysia. Họ cũng có những khách hàng tên tuổi như iPerintis/Petronas, XYBASE, Commitel, Kompakar, Dell hay HP.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (trái) trong cuộc gặp gỡ Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer năm 2007. Ảnh: FPT. |
Chinh phục gã khổng lồ
Hợp tác với gã khổng lồ không phải là một cuộc chơi thong thả. Sự dốc sức của FPT không chỉ thể hiện ở việc gia tăng về mặt con người, chất lượng sản phẩm, vị trí địa lý mà còn ở tầm nhìn, chiến lược từ sau bước ngoặt với IBM. Giáo sư Paul Argenti của trường kinh doanh Amos Tuck (Mỹ) từng có bài giảng rằng nếu chưa có uy tín thì cách tốt nhất là dựa vào uy tín của người khác. Theo ông, nếu thuyết phục được khách hàng lớn thì có thể thuyết phục được khách hàng vừa và nhỏ. Chiến lược đó đã giúp FPT xây dựng thanh thế tại nước ngoài trong gần hai thập kỷ qua. Họ hiện diện tại những “điểm nóng” công nghệ thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật... với số lượng nhân viên đã lên đến gần 30.000.
Nhưng tham vọng và khát vọng của FPT chưa bao giờ dừng lại ở những con số ấy. Cuối năm 2017, FPT và Airbus (Pháp) công bố hợp tác phát triển công nghệ trong lĩnh vực hàng không dựa trên nền tảng công nghệ Skywise. Đây là nền tảng công nghệ dữ liệu mở trong lĩnh vực hàng không của Airbus giúp các doanh nghiệp cải thiện hoạt động và kết quả kinh doanh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, FPT Software cung cấp 500 lập trình viên phát triển các giải pháp này cũng như tham gia đào tạo về nền tảng cho khách hàng của Airbus.
Tháng 7/2017, tập đoàn công nghệ Việt Nam ký thỏa thuận khai thác nền tảng Internet vạn vật dựa trên công nghệ điện toán đám mây cho các khách hàng trên phạm vi toàn cầu của Siemens (Đức). Đến tháng 3 năm nay, FPT tiếp tục bắt tay ông lớn khác tại Mỹ là GE Digital nhằm thương mại hóa các giải pháp phần mềm của công ty này tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Đại học FPT hợp tác GE Digital trong đào tạo nguồn lực số liên quan đến nền tảng phát triển điện toán đám mây GE Predix.
FPT ký kết hợp tác Airbus vào cuối năm 2017. Ảnh: Anh Tú.
Hết năm 2017, FPT có tổng cộng 64 khách hàng nằm trong danh sách Fortune 500. Con số này có thể sẽ tăng trưởng nhanh trong tương lai gần bởi mục tiêu của FPT là chinh phục gã khổng lồ và những công ty khác tự khắc sẽ nối gót. Thành công có đóng góp không nhỏ từ thời điểm FPT trở thành thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vào năm 2011. Từ đây, tập đoàn có cơ hội kết nối với nhiều nguyên thủ quốc gia, nhà khoa học, học giả, các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn và tổ chức quốc tế.
Ông Bình tiết lộ đến nay tổng số “cá voi” - những khách hàng trong danh sách Fotune 500 và có quy mô doanh thu vài chục tỷ USD mà FPT săn được tại các kỳ WEF là trên 20, trong đó có những thương vụ lớn kể trên như Airbus, Siemens, GE, Toyota, UPS, Bank of America...
Chơi với ông lớn là con dao hai lưỡi bởi tiếng tăm của họ vượt khỏi biên giới của một quốc gia hay châu lục, chỉ cần sơ suất FPT có thể làm mất vị thế của một công trình tâm huyết xây dựng ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, không có sự khẳng định nào tốt hơn sóng đôi những tập đoàn và công ty uy tín trên thế giới. “Đó là cơ hội để chúng tôi nâng cao chất lượng và uy tín của mình. Khi đã chinh phục được người dẫn đầu có nghĩa bạn có thể chinh phục được tất cả”, ông Bình chia sẻ.