|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến pháp lí lạ thường giữa Nokia và tập đoàn xe hơi

08:36 | 19/09/2020
Chia sẻ
Nỗ lực thay đổi cách thức kiếm tiền từ các bằng sáng chế liên quan tới công nghệ không dây của Nokia đã buộc họ phải ra tòa với một hãng xe danh tiếng ở Đức.

Một thập kỉ đã trôi qua từ khi Nokia rơi khỏi ngôi vương của thị trường điện thoại di động do sự trỗi dậy của Apple, Samsung cũng như sự trì trệ, chậm đổi mới của chính tập đoàn ở Phần Lan. Tuy nhiên, hiện tại Nokia vẫn còn một mảng kinh doanh béo bở từ di sản của họ.

Nokia Oyj là phần còn lại của tập đoàn Nokia sau khi họ bán mảng di động, và không bao gồm thương hiệu điện thoại Nokia do tập đoàn HMD Global sở hữu.

Dù bán mảng di động, Nokia vẫn đang sở hữu danh mục hàng nghìn bằng sáng chế về công nghệ không dây. Nỗ lực thay đổi cách kiếm tiền từ bằng sáng chế đó đã khiến Nokia phải ra tòa với Daimler, tập đoàn sở hữu thương hiệu xe hơi Mercedes-Benz.

Ngày nay, hàng loạt thiết bị điện tử đang hiện diện trên mỗi ô tô. Công nghệ không dây cho phép người lái xe phát nhạc hoặc quay số các dịch vụ khẩn cấp nếu tai nạn xảy ra, theo Bloomberg.

Không còn là vua trên thị trường điện thoại, Nokia có ảnh hưởng lớn - Ảnh 1.

Dù bán mảng di động, Nokia vẫn đang sở hữu danh mục hàng nghìn bằng sáng chế về công nghệ không dây. Ảnh: autonews.com

Theo thông lệ, các nhà sản xuất xe hơi yêu cầu những nhà sản xuất linh kiện của họ đảm nhận mọi vấn đề về tiền bản quyền và sẽ thanh toán tiền cho các nhà cung cấp linh kiện như thế.

Để đơn giản hóa các qui trình và tối ưu lợi nhuận, một số tập đoàn công nghệ như Nokia, Qualcomm, Sharp đã liên minh để tạo ra nhóm Avanci. Nhóm này thay họ thu tiền bản quyền từ ngành xe hơi bằng cách đưa ra mức giá cố định cho mỗi xe. Hiện nay nhóm thu 15 USD cho công nghệ 4G tiêu chuẩn trên mỗi xe.

“Thị trường cần một giải pháp và chúng tôi mang đến giải pháp. Các mức giá mà chúng đưa ra phù hợp giá trị của công nghệ trên xe hơi”, Kasim Alfalahi, người sáng lập và giám đốc điều hành của Avanci, phát biểu.

Phiền toái phát sinh từ việc Daimler không đồng ý và không muốn trả tiền cho Avanci, mà muốn duy trì thông lệ của các nhà cung cấp thông qua hình thức trao đổi và thương lượng nhằm tiết kiệm chi phí bản quyền.

Nokia cố gắng buộc các hãng xe chấp nhận giải pháp của họ bằng con đường pháp lí. Các phiên tòa đã diễn ra ở Munich, Dusseldorf và Mannheim. Hồi đầu tháng 9, một phiên tòa đã ra phán quyết ủng hộ Nokia. Sự kiện ấy có thể dẫn tới việc tòa cấm hãng xe Daimler bán ô tô ở Đức, quê hương của nhà sản xuất xe.

Mặc dù vậy, tòa sẽ chỉ cấm Daimler bán xe khi Nokia đăng kí tài sản thế chấp trị giá 8,3 tỉ USD. Nếu thế chấp tài sản, "cựu vương" của ngành điện thoại sẽ đối mặt rủi ro khó lường.

Hôm 10/9, Sharp tiếp tục giành chiến thắng trong một phiên tòa ở Munich, có thể dẫn tới phán quyết cấm các phương tiện của Daimler lưu thông. Phán quyết ấy tăng thêm áp lực đối nhà sản xuất xe hơi ở Đức.

Daimler tuyên bố họ muốn tiếp cận một cách công bằng với tất cả các bằng sáng chế về công nghệ. Trong khi đó, Nokia khẳng định họ đã đưa ra những đề nghị công bằng và hợp lí cho cả Daimler cũng như các đối tác khác.

Nhạc Phong

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.