|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cười nhạo người tạo ra hệ điều hành Android, Samsung vô tình gặp cơ hội soán ngôi vương của Nokia

20:28 | 13/05/2020
Chia sẻ
Nếu Samsung quyết định mua hệ điều hành Android vào năm 2004, có lẽ họ sẽ phát triển nó theo chiến lược khác hẳn Google, và có lẽ Android sẽ không trở thành hệ điều hành phổ biến nhất.

Trong cuốn sách mang tựa đề Dogfight: How Apple and Google Went to War and Started a Revolution (Cách thức Apple và Google cạnh tranh và bắt đầu một cuộc cách mạng), tác giả Fred Vogelstein đã tiết lộ những diễn biến trong cuộc họp giữa người đại diện của Android và Samsung vào cuối năm 2004 tại Seoul.

Hồi ấy, trước ban giám đốc điều hành Samsung, kĩ sư công nghệ Andy Rubin đã trình bày kế hoạch phát triển và tầm nhìn tương lai cho hệ điều hành mà ông ấp ủ. Bất ngờ thay, ban giám đốc điều hành Samsung lại chế giễu ông. Họ coi kế hoạch đưa Android trở thành một sản phẩm phổ thông cho mọi người là một ý tưởng viển vông.

"Andy à, anh muốn tạo ra thứ đó cùng ai nhỉ? Các anh có 6 người đúng không? Tôi hi vọng anh vẫn minh mẫn", một người trong ban giám đốc nói. Sau đó, họ tiếp tục cười nhạo Andy khi ông bước ra khỏi phòng.

Cười nhạo người tạo ra hệ điều hành Android, Samsung phạm sai lầm lịch sử - Ảnh 1.

Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, làm nền tảng cho hơn 2,5 tỷ thiết bị. Ảnh: NPR

Vào tháng 7/2005, Google mua hệ điều hành Android với giá 50 triệu USD và họ thuê Rubin giữ vị trí Phó chủ tịch cấp cao mảng nội dung di động và kĩ thuật số.

Ngay sau đó, dường như ban điều hành Samsung cảm thấy họ đã phạm sai lầm. Chỉ một ngày sau khi Google công bố quyết định mua Android, họ cố gắng liên lạc và sắp xếp một cuộc hẹn với Rubin nhằm thảo luận lại với ông. Song lúc đó mọi thứ đã an bài.

Bây giờ Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, làm nền tảng cho hơn 2,5 tỷ thiết bị. Hơn 80% điện thoại thông minh toàn cầu sử dụng Android. Với những thành quả khổng lồ ấy, ai cũng thấy Samsung đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn.

Nỗ lực phát triển và tiếp thị hệ điều hành Android của Google đã thay đổi thị trường điện thoại thông minh và mang lại cơ hội tăng doanh số cho những tập đoàn công nghệ lớn như Samsung. Trước đó, Nokia vẫn ngồi trên ngôi vương với hệ điều hành Symbian. 

Nhờ Android, Samsung đã dễ dàng soán ngôi vương của Nokia vào năm 2012 và trở thành doanh nghiệp đứng đầu thế giới về điện thoại thông minh đến tận ngày nay.

Sai lầm hay vận may của Samsung?

Giả sử ban giám đốc Samsung không coi thường ý tưởng của Andy Rubin và mua Android rơi vào tay Samsung, có lẽ tình hình đã xoay chuyển theo chiều hướng khác. Trong Google biến Android thành một thế lực lớn, rất có thể Samsung sẽ chỉ biến nó thành hệ điều hành tầm thường.

Chẳng hạn, có thể Samsung sẽ chỉ sử dụng Android trên các dòng điện thoại của họ hoặc chia sẻ quyền sử dụng cho các nhà sản xuất khác để thu một khoản phí, chứ không cung cấp miễn phí để phát triển dịch vụ như Google.

Hai chiến lược giả định ấy sẽ cản trở bước tiến của Android. Mức độ quan tâm của các doanh nghiệp đối với việc tạo các ứng dụng trên hệ điều hành sẽ không lớn vì rất ít điện thoại có cơ hội sử dụng Android. Khi thị trường nhỏ, khả năng kiếm tiền từ các ứng dụng và trò chơi sẽ thấp.

Rất có thể thực tế ấy sẽ mở ra cơ hội lớn cho những hệ điều hành khác như Windows Mobile của Microsoft hay Symbian của Nokia, khiến Android không thể thống trị thị trường hệ điều hành số như bây giờ.

Dẫu sao đó cũng chỉ là giả định, và nhân loại không thể biết tương lai của Android nếu Samsung mua nó vào năm 2004. Suy đoán dễ trở thành hiện thực nhất là nhiều khả năng Samsung sẽ không áp dụng chiến lược phát triển như Google.

Nếu ban giám đốc Samsung không chế nhạo Andy Rubin, thị trường điện thoại thông minh có lẽ sẽ phát triển theo hướng mà chúng ta không ngờ tới, và, rất có thể, Samsung sẽ không có cơ hội soán ngôi của Nokia và cạnh trang ngang ngửa với Apple như bây giờ.

Cửu Dương