|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến giá trong ngành bán lẻ công nghệ đã kết thúc?

08:16 | 22/02/2024
Chia sẻ
Trong báo cáo phân tích mới nhất, các chuyên gia tại SSI nhận định cuộc chiến giá trong ngành bán lẻ công nghệ có thể vẫn chưa dừng lại.

Nhà phân tích dự báo biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phân phối điện thoại, điện máy sẽ tăng trở lại trong năm nay, sau khi bị thu hẹp trong năm ngoái do hoạt động giảm hàng tồn kho cũng như cuộc chiến giá.

"Công cuộc" giảm hàng tồn kho các sản phẩm điện thoại và điện máy bắt đầu từ quý IV/2022 và diễn ra gay gắt nhất đối với sản phẩm iPhone 14.

Do việc bàn giao iPhone 14 muộn, vào quý I/2023 thay vì quý IV/2022 như dự kiến ban đầu, người tiêu dùng đã hủy đơn đặt hàng. Điều này buộc các nhà bán lẻ phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn trước khi Apple ra mắt mẫu sản phẩm mới vào cuối quý III/2023, khiến cuộc chiến giá cả khốc liệt nhất xảy ra trong quý II/2023.

Với việc mức giảm giá iPhone 14 lên tới 25% và iPhone 15 là từ 4%-6% trong quý III/2023 có thể nói cuộc chiến giá cả đã hạ nhiệt.

Tuy nhiên, mức tồn kho của các nhà bán lẻ trong quý III/2023 khác nhau khi chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX)/Thế Giới Di Động (TGDĐ) ghi nhận lượng hàng tồn kho giảm, trong khi lượng hàng tồn kho của FPT Shop vẫn ở mức cao, gần mức cao nhất trong quý IV/2021 và quý I/2022.

Do đó, các nhà bán lẻ điện thoại và điện máy có thể phải duy trì chiến lược giá cạnh tranh và biên lợi nhuận tại những đơn vị này trong năm 2024 và không quay trở lại được mức như năm 2022.

 Nguồn: SSI Research.

Năm 2023, cuộc chiến giá rẻ do Đầu tư Thế Giới Di Động châm ngòi với mục tiêu khiến đối thủ "phải nghe những tiếng rên xiết kéo dài" đã thay đổi cục diện ngành bán lẻ di động điện máy. Tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giành lại thị phần và doanh thu ở các sản phẩm ICT. 

Do đó, năm ngoái Đầu tư Thế Giới Di Động đạt 118.279 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ.

Cuộc chiến giá cũng tác động tới đối thủ FPT Retail - đơn vị vận hành FPT Shop, khi cả năm 2023, doanh thu ghi nhận tăng 6% song lại lỗ tới 294 tỷ đồng. 

FPT Retail cho biết mức thua lỗ này được dự báo từ trước do cuộc chiến giá khốc liệt giữa các đại lý điện thoại, điện máy diễn ra từ tháng 4/2023. Các đơn vị lớn trong ngành đều chịu ảnh hưởng nặng nề về biên lợi nhuận và đang bắt đầu thay đổi chiến lược để không sa đà vào cuộc chiến giá.

Trong khi đó, Đầu tư Thế Giới Di Động lại cho rằng 2024 nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường trên phạm vi toàn cầu. Công ty lựa chọn chủ động thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đối, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này.

Doanh nghiệp dự kiến, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Năm nay, công ty dự kiến tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ, gồm việc tăng năng suất nhân viên, đa dạng hoá các sản phẩm đi kèm với các chương trình khuyến mãi.

Bán lẻ các sản phẩm công nghệ và điện máy sẽ là trụ cột với chuỗi Thế Giới Di Động, Topzone và Điện Máy Xanh. Kế hoạch trong năm 2024 của Đầu tư Thế Giới Di Động là thu về khoảng 65% doanh thu từ những thương hiệu này.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2024, Đầu tư Thế Giới Di Động muốn đạt 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức tăng 6% về doanh thu và gấp 14,2 lần lợi nhuận năm 2023.

Thành Vũ