Cuộc chiến dầu mỏ chưa có hồi kết
Cuộc chiến dầu mỏ chưa có hồi kết. |
Động thái của Ảrập Xêút diễn ra không lâu sau khi Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cho biết sẽ cắt giảm lượng dầu bán cho các khách hàng của mình thêm 10% trong tháng 9 tới, bước đi được coi là “hòa chung nhịp đập” với nỗ lực kiềm chế nguồn cung trên thị trường “vàng đen” của chính OPEC. Thậm chí, cả những đồng minh của OPEC như Nga cũng gây bất ngờ cho các nhà giao dịch “vàng đen”, khi đã tự nguyện thực thi một cách đầy đủ cam kết cắt giảm lượng.
Lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, thị trường dầu mỏ chứng kiến những tín hiệu rất tích cực, khi giá dầu ngọt nhẹ WTI có thời điểm tiệm cận ngưỡng 50 USD/thùng cuối tuần qua, còn giá dầu Brent Biển Bắc đã vượt ngưỡng tâm lý này. Một số nhà giao dịch cho rằng, đây là những tín hiệu cho thấy thị trường dầu mỏ bắt đầu thắt chặt lại sau giai đoạn nhu cầu cao điểm trong những tháng mùa hè.
Có thể nói, tháng 7 là một giai đoạn tốt cho OPEC khi giá dầu đã ghi nhận mức tăng 15% kể từ khi rớt xuống ngưỡng gần 44 USD/thùng vào cuối tháng 6, thời điểm mà OPEC phải nhận không ít chỉ trích khi chưa đủ “mạnh tay” để tái cân bằng thị trường năng lượng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngành công nghiệp dầu đá phiến vẫn là một câu hỏi lớn nhất về việc liệu OPEC có thể sớm công bố chiến thắng trong cuộc chiến chấm dứt tình trạng dư cung trên thị trường dầu thô trong suốt 3 năm qua hay không, hay đây đơn thuần chỉ là một “miếng vá” tạm thời trên thị trường “vàng đen”.
Những dự đoán đưa ra cho thấy OPEC có thể vẫn phải đối mặt với một cuộc đấu kéo dài trong năm 2018. Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ dù đã hạ dự báo sản lượng dầu thô của nước này hồi đầu tháng 7 vừa qua do giá “vàng đen” xuống thấp hơn, song con số nói chung vẫn sẽ tăng khoảng 600.000 thùng/ngày trong năm 2018 lên mức kỷ lục 9,9 triệu thùng/ngày. Chỉ riêng con số đó đã đủ để đáp ứng gần một nửa mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm tới.
Theo giới phân tích, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với OPEC về thị phần vẫn sẽ tiếp tục diễn ra khốc liệt trong thời gian tới, trong đó châu Á đã trở thành một khu vực có ý nghĩa then chốt mà các nhà sản xuất dầu mỏ đang hướng tới. Xu hướng phát triển ổn định trong thời gian dài của các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng.
Các khách hàng lớn nhất ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc đã mua dầu thô từ các thị trường ở xa như Mỹ, Brazil, Mexico, Tây Phi và Biển Bắc. Những nguồn tin trong ngành dầu mỏ cũng cho hay, các quốc gia Đông Nam Á đã mua một lượng dầu lớn của Tập đoàn Eagle Ford (Mỹ), Tập đoàn PTT của Thái Lan đã đặt mua khoảng 400.000 thùng dầu thô từ một nhà cung cấp của phương Tây và một nhà máy tinh chế của Hàn Quốc.
Một công ty Nhật Bản cũng có thể mua tổng cộng từ 2 - 3 triệu thùng dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ. Có tới 7 tập đoàn khai thác dầu mỏ Biển Bắc được cho là cũng sẽ bắt đầu các hoạt động kinh doanh ở châu Á. Điều này sẽ khiến cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho biết, cơ quan này dự định sẽ tiếp tục đối thoại với các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ để tìm ra một giải pháp phù hợp cho cả hai.
Không chỉ có Mỹ, các chuyên gia cho rằng việc Libya và Nigeria đang gia tăng sản xuất có thể gây đe dọa trở lại tới kế hoạch cân bằng thị trường. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), so với tháng 10/2016, tổng sản lượng dầu của Libya và Nigeria đã tăng lên khoảng 450.000 thùng/ngày.
IEA ước tính sản lượng khai thác mà hai quốc gia này đạt được lần lượt là 510.000 và 1,45 triệu thùng/ngày. Việc tăng sản lượng khai thác của hai quốc gia này, từ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng do tình hình trong nước không ổn định, sẽ làm giảm phần nào hiệu quả các biện pháp ổn định thị trường của OPEC và đe dọa kéo giá dầu thấp trở lại. Và khi đó, cuộc chiến dầu mỏ có lẽ vẫn chưa thể có hồi kết.