|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến chống lạm phát của thế giới sắp bước vào hồi gay cấn, gây thêm nhiều nỗi đau cho doanh nghiệp

08:40 | 27/06/2023
Chia sẻ
Tại Mỹ, Anh và châu Âu, số doanh nghiệp phá sản đã tăng lên rõ rệt trong năm 2023 dưới áp lực của lãi suất cao. Các ngân hàng trung ương lớn đang đồng loạt phát đi thông điệp rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất vì áp lực giá vẫn chưa giảm như ý muốn.

Từ trái sang: Thống đốc BoE Andrew Bailey, Chủ tịch Fed Jerome Powell, Chủ tịch ECB Christine Lagarde. (Ảnh: Financial Times). 

Thời điểm quan trọng

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang phát đi thông điệp: chậm và chắc sẽ không giúp họ giành được chiến thắng trong cuộc đua với lạm phát.

Sau khi tăng lãi suất vào tuần trước, ông Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cho hay: “Nếu chúng ta không tăng lãi suất lúc này, lạm phát cao sẽ đeo bám chúng ta lâu hơn”.

Lạm phát tại nhiều nước đã hạ nhiệt sau các đợt tăng lãi suất liên tiếp trong hơn một năm qua, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương.

Theo tờ CNN, lãi suất là công cụ chính mà các quan chức ngân hàng trung ương có thể sử dụng để kéo lạm phát đi xuống. Cùng lúc đó, nghiên cứu chỉ ra rằng ảnh hưởng của chính sách tiền tệ tới nền kinh tế sẽ không bộc lộ đầy đủ ra ngay lập tức, mà có độ trễ ít nhất 12 tháng.

Đó là lý do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 6. Nhưng nhiều quan chức Fed đang ra hiệu rằng lãi suất có thể tiếp tục đi lên vào tháng tới.

Cũng giống như Thống đốc BoE Bailey, họ không muốn gặp phải nguy cơ mất kiểm soát lạm phát nếu không hành động ngay bây giờ.

Vì sao bây giờ lại là thời điểm quan trọng?

Các quan chức ngân hàng trung ương phải đau đầu tìm ra cách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Trong một khoảng thời gian, có vẻ như các nhà hoạch định chính sách có thể tăng lãi suất mà không khiến nền kinh tế tổn thương nghiêm trọng.

Nhưng thời gian của họ đang cạn dần. Trong bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn nhiều mức các ngân hàng trung ương mong muốn, rủi ro của việc làm quá nhiều để giảm lạm phát cũng ngang bằng với việc làm không đủ.

 

Gần đây bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã ví việc tăng lãi suất với một chiếc máy bay cố gắng tới một điểm đến.

Bà phát biểu: “Ban đầu, máy bay cần tăng độ cao và tăng tốc nhanh. Nhưng khi tiến gần hơn đến độ cao mục tiêu, máy bay có thể giảm gia tốc và duy trì tốc độ. Máy bay cần bay đủ cao để đến đích, nhưng không cao đến mức vượt quá ngưỡng này. Máy bay vẫn đang lên cao – và sẽ tiếp tục cho đến khi chúng tôi đạt tốc độ cần thiết để lướt đi và hạ cánh xuống điểm đến đã định”.

Bà Lagarde đọc bài phát biểu trên hai tuần trước khi ECB tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %. Lạm phát giá tiêu dùng tháng 5 tại 20 quốc gia thuộc khu vực đồng euro đạt 6,1% trong tháng 5, thấp hơn tỷ lệ 7% của tháng trước đó.

Phát biểu của bà Lagarde có nghĩa là nếu ECB không kéo lãi suất lên đủ cao thì chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ không đạt được tác dụng mong muốn là đưa được lạm phát quay về mức 2%.

Làn sóng vỡ nợ và phá sản 

Dự định tiếp tục tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đồng nghĩa với việc rất có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phá sản và vỡ nợ trong thời gian tới.

Tại Liên minh châu Âu (EU), số doanh nghiệp tuyên bố phá sản đã tăng 2,8% trong quý I/2023 so với quý IV/2022 (sau khi điều chỉnh cho yếu tố mùa vụ), đánh dấu mức cao nhất kể từ quý III/2019. Hiện tượng này diễn ra cùng lúc khu vực đồng euro rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Ở Anh và xứ Wales, số doanh nghiệp phá sản trong tháng 3 cũng đạt mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập hàng tháng từ ba năm trước. Số vụ vỡ nợ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Theo tờ The Guardian, thủ phạm đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng là lãi suất cao và lạm phát dai dẳng.

Mỹ tiếp nhận 324 hồ sơ đăng ký phá sản từ đầu năm 2023 cho đến ngày 22/6. Để so sánh, tổng số doanh nghiệp phá sản tại Mỹ trong cả năm 2022 là 374, theo S&P Global Market Intelligence.

Đồng thời, Mỹ ghi nhận 41 doanh nghiệp vỡ nợ từ đầu năm đến nay, còn Canada thì có một trường hợp. Theo Moody’s Investors Service, Bắc Mỹ là khu vực có nhiều trường hợp vỡ nợ nhất trên thế giới và ghi nhận số lượng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Các nhà phân tích và chuyên gia ngân hàng cho biết lãi suất cao là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp kiệt quệ. Những công ty cần có thêm thanh khoản hoặc những doanh nghiệp đã có khoản nợ lớn và đang cần tái cấp vốn phải đối mặt với chi phí vay nợ mới khá cao.

Ông Mohsin Meghji, đối tác của công ty cố vấn và tái cơ cấu doanh nghiệp M3 Partners, nhận xét: “Vốn đang đắt đỏ hơn nhiều so với trước đây. Hãy thử nhìn vào chi phí nợ vay. Trong 15 năm qua, bạn có thể vay nợ bất cứ lúc nào với mức lãi suất trung bình vào khoảng 4-6%. Nhưng giờ chi phí vay nợ đã lên đến 9-13%”.

Moody’s dự đoán tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu sẽ tăng lên 4,6% vào cuối năm nay, cao hơn mức trung bình trong dài hạn là 4,1%. Con số này được cho là sẽ tăng lên 5% vào tháng 4/2024 rồi mới bắt đầu hạ xuống.

Các trường hợp vỡ nợ lớn nhất tại Mỹ bao gồm nhà cung cấp dịch vụ y tế Envision Healthcare, ngân hàng Silicon Valley Bank và chuỗi bán lẻ Bed Bath & Beyond.

Ông Mark Hootnick, đối tác tại công ty tư vấn nợ Solomon Partners, cũng dự đoán rằng làn sóng vỡ nợ sẽ tiếp tục dâng cao trong thời gian tới.

Ông bình luận: “Từ trước tới tận bây giờ, doanh nghiệp đã được tận hưởng môi trường tín dụng cực kỳ ưu đãi. Nói thẳng, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ cũng đã được tiếp cận thị trường nợ mà không gặp bất cứ trở ngại nào”.

Đây có thể là lý do các vụ vỡ nợ diễn ra trong nhiều ngành khác nhau. Bà Sharon Ou, Phó Giám đốc tại Moody’s, nhận xét: “Các vụ vỡ nợ không tập trung trong một ngành cụ thể nào, mà diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Rắc rối của doanh nghiệp phụ thuộc vào đòn bẩy và thanh khoản.

Chúng ta đều biết những rủi ro mà các công ty hiện đang phải đối mặt, bao gồm tăng trưởng kinh tế suy yếu, lãi suất và lạm phát cao. Các ngành mang tính chu kỳ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, ví dụ như hàng tiêu dùng lâu bền”.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.