|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến chống hàng nhái bằng trí tuệ nhân tạo của một sàn thương mại điện tử Việt

10:45 | 05/06/2020
Chia sẻ
Trí tuệ nhân tạo của Sendo có thể tự động nhận ra những ảnh sản phẩm chứa logo giả, đồng thời phân tích và phát hiện những từ khóa mà người bán không được phép sử dụng để mô tả sản phẩm.

Hôm ấy là một ngày bình thường ở Hà Nội. Một phụ nữ trẻ bước ra đường với túi Chanel trên vai, thắt lưng Gucci và kính Dior. Khi bước lên xe máy Vespa, cô gạt chân chống với bàn chân đeo giày Nike.

Song trên thực tế, phần lớn những thứ mà cô gái mang theo đều là sản phẩm nhái của các thương hiệu nổi tiếng.

Năm 2018, hàng nhái khiến nền kinh tế thế giới tổn thất 323 tỉ USD. Ở Việt Nam, nơi mà nhiều danh mục sản phẩm - từ đồ điện tử, hàng thời trang tới những sản phẩm bảo vệ sức khỏe - đều có thể là hàng nhái, tổn thất có thể lên tới hàng tỉ USD.

Thực tế ấy khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự an toàn của người tiêu dùng. Ở nhà, thiết bị điện tử lỗi có thể phát nổ. Trong nhà máy và trên đường, những linh kiện nhái có thể hỏng rất nhanh, gây trục trặc bất ngờ.

Cuộc chiến chống hàng nhái bằng trí tuệ nhân tạo của một sàn thương mại điện tử Việt - Ảnh 1.

Người tiêu dùng và thương nhân Việt Nam hiếm khi báo cơ quan quản lí khi thấy hàng nhái. Ảnh: insideretail.asia

Về mặt địa lí, Việt Nam nằm ngay cạnh Trung Quốc, quốc gia cũng đang đau đầu với vấn nạn sản xuất hàng nhái. Những kẻ sản xuất hàng nhái có thể vận chuyển trái phép sản phẩm tới các nhà kho, tái đóng gói chúng như sản phẩm hợp pháp, rồi tuồn hàng vào các thị trường ở Đông Nam Á.

Mức phạt thấp khiến tình trạng lưu thông hàng nhái ở Việt Nam không hạ nhiệt trong vài năm qua. Các thương nhân thường không báo cơ quan quản lí thị trường khi thấy hàng nhái, vì sợ rằng hành động đó sẽ làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với họ và giảm doanh số.

Người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng giá rẻ và không quá coi trọng nguồn gốc chính hãng của sản phẩm, nên họ cũng hiếm khi báo chính quyền khi thấy hàng nhái.

Song sự do dự của người tiêu dùng và thương nhân không chỉ là mối lo ngại duy nhất đối với tình trạng kinh doanh hàng nhái.

Những cá nhân, tổ chức bán hàng nhái thường hoạt động trên mạng hoặc công bố địa chỉ giả, khiến giới chức địa phương khó truy tìm dấu vết của họ. Sự trỗi dậy của thương mại điện tử - nơi hàng nhái có thể xâm nhập dễ dàng - tạo thêm một thách thức nữa cho cơ quan quản lí.

Giới phân tích nhận định rằng, để trấn áp vấn nạn hàng nhái, hàng giả, thương nhân, người tiêu dùng và cơ quan quản lí phải phối hợp với nhau.

"Công nghệ là một giải pháp trong cuộc chiến chống hàng nhái", ông Nguyễn Phương Hoàng, giám đốc công nghệ của sàn thương mại điện tử Sendo, bình luận.

Sendo đã phát triển một hệ thống toàn diện để loại những người bán hàng nhái, đồng thời thành lập một nhóm chuyên trách chống hàng nhái - bao gồm các chuyên gia về hàng giả và chuyên gia khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. 

Bằng nghiệp vụ và công nghệ, nhóm chuyên trách có thể phát hiện những hình thức lừa đảo mới và đề xuất những chính sách để đối phó.

Ví dụ, những nhà bán lẻ trên SenMall (chợ trực tuyến dành cho hàng hiệu của Sendo), phải tuân thủ qui trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm và quyền phân phối.

"Hệ thống của chúng tôi tự động quét và kiểm tra thông tin, rồi cảnh báo nếu nó phát hiện những sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng", ông Hoàng nói.

Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực phát hiện hàng nhái. Senđo có hàng triệu sản phẩm do hàng trăm nghìn người đăng. Những kẻ gian luôn cố gắng qua mặt quá trình kiểm tra bằng cách sử dụng những ảnh sản phẩm có logo nhỏ theo nhiều góc, đồng thời biến tấu các từ khóa mô tả sản phẩm. Trong khi đó, kiểm tra bằng tay với toàn bộ sản phẩm là việc bất khả thi.

"Chúng tôi đã thiết lập một hệ thống giám sát hàng nhái nhờ những công nghệ hiện đại nhất trong xử lí ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính", ông Hoàng khẳng định. 

Vị giám đốc công nghệ tiết lộ hệ thống có thể tự động nhận ra những ảnh sản phẩm chứa logo giả mạo, đồng thời phân tích và phát hiện những từ khóa mà người bán không được phép sử dụng để mô tả sản phẩm.

"AI của Sendo có thể nhận diện hàng trăm nghìn hình ảnh và nội dung mô tả sản phẩm trên nền tảng", ông Hoàng nhấn mạnh.

Chỉ với những từ như Shiseidoo, Shiiseido hay Shi sei do, gian thương có thể khiến người tiêu dùng nhầm tưởng họ đang bán hàng của thương hiệu Shiseido nổi tiếng. Song AI của Sendo có thể phát hiện những khác biệt rất nhỏ trong cách viết tên như thế.

Một nhóm chuyên gia cũng thường xuyên theo dõi những danh mục sản phẩm thường xuyên có hàng nhái. Với kinh nghiệm và kiến thức về hàng hiệu, họ liên tục kiểm tra tính năng, kiểu dáng và giá của những danh mục sản phẩm đáng ngờ.