Cuộc chiến bán lẻ vẫn đầy kịch tính
Cuộc chiến bán lẻ giữa những người khổng lồ như Amazon và Walmart ở Mỹ, Alibaba và JD.com ở Trung Quốc đang diễn ra đầy gay cấn dưới sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin. |
Doanh số bán hàng qua mạng của Walmart tại thị trường Mỹ tăng đột biến 63% trong quý tài chính đầu tiên của năm 2017 là kết quả của hoạt động đại tu thị trường trực tuyến và hàng loạt các vụ mua lại các công ty thương mại điện tử hồi cuối năm 2016, đáng chú ý nhất là 3,3 tỉ đô la mua Jet.com.
Nỗ lực cải tiến trong cuộc đua số
Ngoài việc thông báo mức tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, Walmart cho biết tổng doanh số bán hàng tăng 1,4% lên tới 117,5 tỉ đô la trong quý gần đây, so với một năm trước. Đây cũng là quý thứ 11 liên tiếp nhà bán lẻ này có mức tăng trưởng doanh số, trái ngược với tình hình khó khăn mà các đối thủ Target và Macy’s đang gặp phải.Chiến lược mới nhất của Walmart, do Giám đốc điều hành Doug McMillon thực hiện, có một số phần: mở rộng số lượng mặt hàng trực tuyến, tận dụng các kho hàng khổng lồ và các trung tâm phân phối để tiếp cận khách hàng nhanh chóng trên toàn quốc, và tích cực theo đuổi các hợp đồng cho cửa hàng trực tuyến. Giao dịch lớn nhất trong số đó, trong đó Walmart đã trả 3,3 tỉ đô la cho Jet.com, là một phần trong kế hoạch cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm hơn thông qua web. Walmart đang cảm thấy tự tin trong cuộc cạnh tranh với các công ty thương mại điện tử đình đám là Amazon và eBay khi cho biết hiện có thể cung cấp 50 triệu mặt hàng trên Walmart.com.
Marc Lore, nhà sáng lập Jet.com và hiện là người đứng đầu mảng thương mại điện tử của Walmart ở Mỹ, đã từ chối cuộc gặp báo giới để trả lời về những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến doanh số bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, ông nói rằng Walmart đang thúc đẩy sự tương tác giữa các cửa hàng thực và kênh bán hàng kỹ thuật số, cùng với việc đặt cược vào cuộc chiến với Amazon.
Cụ thể, bên cạnh việc cải tiến các phần mềm ứng dụng mua sắm và thanh toán của mình, Walmart nỗ lực kéo khách hàng vào các cửa hàng bằng cách cung cấp cho họ những khoản ưu đãi: cung cấp phiếu giảm giá cho các đơn đặt hàng trực tuyến nhưng khách ghé cửa hàng nhận hàng, giúp nhà bán lẻ tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Ông Doug McMillon, nói rằng hãng sẽ tiếp tục mở rộng việc kinh doanh thương mại điện tử của mình và lựa chọn một số điểm mạnh trong kênh bán hàng trực tuyến để cung cấp thêm tiện ích cho khách. Ngoài Jet.com, Walmart gần đây đã mua các công ty thương mại điện tử ModCloth, ShoeBuy và Moosejaw, nhưng McMillon cho biết những giao dịch đó có giá trị nhỏ. Ông nhấn mạnh đến sự đổi mới trong Walmart.com. “Các cuộc sáp nhập đã nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng nhưng kế hoạch của chúng tôi trong thương mại điện tử không phải là mua đường đi đến thành công”, và cho biết hầu hết sự tăng trưởng thương mại điện tử là từ sự nỗ lực nội tại hơn là từ những giao dịch kể trên.
Nỗ lực là thế nhưng Walmart vẫn còn bị Amazon bỏ lại phía sau trong cuộc đua thương mại điện tử, tập đoàn của tỉ phú công nghệ Jeff Beros đã đạt doanh số bán hàng trực tuyến cao gấp sáu lần Walmart ở Mỹ trong quý 2-2017 vừa qua.
Cạnh tranh về công nghệ giao hàng
Tháng 12 năm ngoái, ba năm sau khi công bố dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái (drone) Prime Air, Amazon đã tiến hành chuyến giao hàng đầu tiên đến một trang trại ở vùng nông thôn nước Anh. Cùng khoảng thời gian này, 7-Eleven đã hoàn thành 77 chuyến giao pizza, đồ uống và thuốc (loại thuốc không cần toa) theo yêu cầu bằng máy bay không người lái đến bang Nevada, Mỹ.
Nhà sản xuất máy bay không người lái Flirtey cũng đã thử nghiệm việc phân phối thuốc đến vùng Appalachia nằm ở miền Đông của nước Mỹ. Một công ty khác cũng của Mỹ là Matternet đã phối hợp cùng UNICEF để tiến hành các chuyến bay thử nghiệm nhằm cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm HIV dành cho trẻ em ở Malawi...
Trong khi đó, đối thủ trên mặt trận bán lẻ của Amazon là Walmart cũng bắt đầu thử nghiệm máy bay không người lái để kiểm soát hàng tồn kho tại các kho chứa khổng lồ của mình. Vào tháng 3, công ty đã nhận được bằng sáng chế và giấy phép cho một quá trình mà máy bay không người lái sẽ vận chuyển sản phẩm giữa các khu vực trong các kho hàng.
JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ nhì ở Trung Quốc, đã đầu tư vào việc phát triển máy bay không người lái từ tháng 10-2015 thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu sáng tạo JDX. Công ty cho biết đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm từ hồi tháng 6-2016, trong đó, sử dụng các thiết bị này để giao hàng về các vùng nông thôn của Trung Quốc.
“Thương mại điện tử đang rất phát triển tại Trung Quốc nhưng ở các vùng nông thôn, người dân vẫn chưa có điều kiện tiếp cận với loại hình mua sắm hiện đại này. Để giải quyết vấn đề đó, chúng tôi sẽ phát triển chương trình máy bay không người lái”, Chen Zhang, Giám đốc về công nghệ của JD.com, nói với hãng tin tức CNBC tại cuộc triển lãm hàng điện tử tiêu dùng ở châu Á (CES Asia 2017) diễn ra vào tháng 6 vừa qua.
Theo lời công bố, JD.com đang phát triển sáu loại máy bay giao hàng không người lái tại 10 tỉnh của Trung Quốc. Các thiết bị của hãng có thể bay với vận tốc 100 km/giờ, vận chuyển các đơn hàng nặng 5-15 kg. Hãng đang bày tỏ tham vọng qua cuộc thử nghiệm loại máy bay không người lái có thể vận chuyển hàng hóa nặng đến 1 tấn – khối lượng được cho là lớn hơn hầu hết các loại máy bay không người lái trên thị trường hiện nay. Khoảng cách tối đa mà các thiết bị có thể di chuyển được là 50km trước khi cần tiếp tục được nạp lại năng lượng.
Trong khi các máy bay không người lái của JD.com ngày càng có khả năng chở hàng hóa nặng hơn và bay xa hơn với vận tốc nhanh hơn, thì Chen Zhang cho biết hãng vẫn đang phải giải một bài toán hóc búa là chi phí cho pin hiện tại quá cao. “Khi giải quyết thành công vấn đề về pin, chúng tôi tin rằng đã có thể hoàn thiện công nghệ và tiến hành chương trình giao hàng bằng máy bay không người lái”, ông nói.
JD.com là đối thủ cạnh tranh lớn của Alibaba trên thị trường thương mại điện tử đông dân nhất thế giới – gần 1,38 tỉ người – mặc dù mô hình kinh doanh tương đối khác nhau. Trong khi Alibaba vận hành như một chợ điện tử (marketplace) cho các nhà sản xuất thì JD.com hoạt động tương tự như Amazon, bán hàng trực tiếp thông qua mạng lưới hậu cần.
Cũng trong năm 2015, Taobao – một thành viên của Alibaba có mô hình hoạt động tương tự như eBay – đã thực hiện các cuộc thử nghiệm giao hàng bằng thiết bị bay tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Công ty cũng tin tưởng rằng công nghệ này sẽ giúp tăng tốc độ giao hàng trong tương lai.
Taobao sử dụng thiết bị bay để chuyển các đơn đặt hàng trà gừng với mức trọng lượng giới hạn là 340g. Sau đó, cuối năm 2016, Alibaba chính thức cho ra mắt thiết bị bay phiên bản đầy đủ chức năng và thử nghiệm trên các hành trình dài.
Trước cả JD.com và Alibaba, vào năm 2013 cũng có một công ty ở Trung Quốc là InCake Bakery đã triển khai hình thức giao hàng bằng thiết bị bay. Tuy nhiên, dịch vụ sớm bị dừng lại do hoạt động không giấy phép.
Nói về tiêu chuẩn an toàn của hình thức giao hàng bằng máy bay không người lái, ông Ravi Vaidyanathan, giảng viên bộ môn người máy học, trường Imperial College London, cho rằng loại thiết bị này có thể bay tự do trên không nhưng lại làm nảy sinh nhiều vấn đề dưới mặt đất. “Những thiết bị này cần vượt qua chướng ngại vật như trẻ em hay vật nuôi khi hạ cánh trên mái nhà khách hàng. Chưa kể, việc sắp xếp “không phận” cho loại máy bay này cũng là một vấn đề lớn”.
Ông Vaidyanathan cho rằng những vấn đề này không phải là khó khắc phục, nhưng việc nghiên cứu về yếu tố an toàn cần được xác định trong giai đoạn sắp tới.
Quay trở lại với Amazon, người khổng lồ thương mại điện tử này đang hợp tác với Chính phủ Anh để thực hiện các chuyến bay thử nghiệm. Gần đây, tập đoàn của tỉ phú công nghệ Jeff Beros đang nghiên cứu và phát triển một loại máy bay có bộ phận cánh và chân robot để dễ dàng đáp xuống những khu vực có địa hình không bằng phẳng. Hãng còn tuyên bố sẽ mở một trung tâm phát triển rộng hơn 5.500 m2 tại Anh để nghiên cứu về việc giao hàng bằng máy bay không người lái và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động hậu cần.
Rõ ràng là việc sử dụng máy bay không người lái đang từng bước tạo ra một dấu ấn mới cho các nhà bán lẻ lớn trong cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng, bất kể nhiều rào cản hiện tại như quy định về không lưu hoặc rủi ro va chạm với chim trời. Cuộc chiến bán lẻ giữa những cái tên như Walmart và Amazon, Alibaba và JD.com dường như chỉ mới bắt đầu.
Walmart bắt tay với Google trong dịch vụ mua sắm bằng giọng nói để cạnh tranh với Amazon
Bloomberg cho biết, Walmart đang hợp tác cùng Google để triển khai dịch vụ mới cho phép người mua đặt hàng bằng giọng nói. Đây ... |
Cuộc đại chiến giữa 2 'gã khổng lồ' Amazon và Alibaba tại Đông Nam Á
Cuộc chiến tranh giành sự thống trị trong ngành thương mại điện tử ở Đông Nam Á mới chỉ bắt đầu. |
Amazon kêu gọi 'phớt lờ' Walmart
Bloomberg đưa tin, người khổng lồ bán hàng trực truyến Amazon đã mời Mondelez, General Mills và các thương hiệu khác đến trụ sở của ... |