Cuộc đại chiến giữa 2 'gã khổng lồ' Amazon và Alibaba tại Đông Nam Á
Hai "gã khổng lồ" Amazon và Alibaba tranh giành ảnh hưởng tại thị trường Đông Nam Á. Ảnh: Linh Phạm |
Tại Đông Nam Á, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục nhưng vẫn chậm chân trong phát triển thương mại điện tử, cuộc chiến thống lĩnh thị trường giữa 2 tập đoàn sừng sỏ này mới chỉ bắt đầu, theo Nikkei Asian Review.
Rón rén gia nhập thị trường
Tiên liệu sự đổ bộ không sớm thì muộn của gã khổng lồ này, nhiều gương mặt tên tuổi cũng ráo riết củng cố vị thế của mình, hơn ai hết là Alibaba – tập đoàn bán lẻ Trung Quốc danh tiếng - đã ồn ào tiến vào khu vực từ năm 2016.Tín đồ mua sắm ở Đông Nam Á lâu nay vẫn tự hỏi liệu khi nào thì tập đoàn thương mại điện tử Mỹ Amazon sẽ đặt chân vào thị trường này. Còn các nhà bán lẻ trực tuyến trong vùng cũng đoán già đoán non.
Một cách lặng lẽ hơn, Amazon bước vào thị trường 648 triệu dân vào ngày 27/7 năm nay. Theo nhiều nhà phân tích, động thái này sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thị phần khốc liệt và dai dẳng giữa hai gã khổng lồ thương mại điện tử Đông – Tây. Nhìn xa hơn, sự xuất hiện của họ còn có thể làm thay đổi động lực cạnh tranh giữa các đối thủ ở từng thị trường trong khu vực.
Amazon bắt đầu cuộc tấn công bằng sự hiện diện ở đô thị nhỏ nhưng dày đặc của Singapore với dịch vụ Prime Now được đo ni đóng giày cho cư dân thành thị. Đây là dịch vụ giao hàng trong vòng hai giờ thông qua một ứng dụng chuyên biệt, cung cấp hàng chục nghìn mặt hàng, từ tạp hóa, đồ dùng gia đình, đến đồ điện tử gia dụng. Tuy nhiên, người mua cũng hụt hẫng khi Amazon không mở một trang web cung cấp đầy đủ dịch vụ cho thị trường này.
Tại Singapore, Amazon áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống “cả thế giới trong một cú nhấp chuột” bằng việc xây dựng hàng loạt nhà xưởng rộng lớn cung cấp không thiếu thứ gì.
“Chúng tôi áp dụng thuật toán và công nghệ tiên tiến để xử lý đơn hàng nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể”, Ivan Lim, điều hành trang web logistics của Amazon ở Singapore, phát biểu tại lễ khai trương một tổng kho trung tâm.
Sau khởi đầu tốt đẹp ở Singapore, Giám đốc Prime Now khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Henry Low không giấu diếm tham vọng mở rộng thị trường Đông Nam Á, nơi có tầng lớp trung lưu đang nở rộ.
Tiềm năng lớn
Theo một nghiên cứu chung của Temasek Holdings và Google, từ một xuất phát điểm thấp, quy mô thị trường thương mại điện tử ở khu vực này có thể tăng từ 7 tỷ USD năm 2016 lên 22 tỷ USD năm 2020 và lên đến 88 tỷ USD vào 2025, tăng 12 lần trong vòng một thập kỷ.
Còn nghiên cứu độc lập của Business Insider cho thấy Amazon chiếm 43% doanh thu bán lẻ trực tuyến ở Mỹ năm 2016. Từ những con số trên, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Amazon ở Đông Nam Á hoàn toàn có thể đạt 40 tỷ USD/năm nếu họ thống lĩnh thị trường như ở quê nhà.
Doanh thu ròng 12 tháng của tập đoàn tính đến tháng 6/2017 là 150 tỷ USD, gồm 31% từ thương mại điện tử ngoài khu vực Bắc Mỹ. Doanh thu ròng tại Bắc Mỹ đã tăng 24% so với cùng kỳ, còn các khu vực khác tăng 19%. Do vậy, việc vươn ra những thị trường chưa được khai thác như Đông Nam Á sẽ tạo cú hích lớn cho tập đoàn này.
Đi tắt đón đầu
Amazon có thể thâm nhập các thị trường phát triển hơn ở Đông Nam Á theo cách thức tấn công từng nước một. Điều này tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ trực tuyến và dịch vụ thanh toán có tương tác với họ.
Ở Trung Quốc, dù đã xây dựng mạng lưới logistics, Amazon không thể ngang cơ với Alibaba. Còn tại Đông Nam Á, cả hai đều chưa có vị thế đáng kể.
Alibaba chọn cách đi tắt bằng việc thâu tóm hoặc đầu tư bằng hình thức mua cổ phần như đã làm ở Ấn Độ và Đông Nam Á, thay vì xây dựng cơ sở vật chất và dịch vụ tại thị trường bản địa ngay từ khi bước chân vào như Amazon thường làm.
Tại Ấn Độ, Alibaba theo chân đồng minh Nhật Bản SoftBank Group đầu tư vào nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba ở nước này là Snapdeal. Từ năm 2015, “ông lớn” Trung Quốc đã đầu tư vào Paytm, dịch vụ ví điện tử lớn nhất Ấn Độ, sau đó bơm tiền vào công ty con chuyên về thương mại điện tử mang tên Paytm E-Commerce. Đến 2017, SoftBank cũng mua cổ phần Paytm.
Đầu năm 2017, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ấn Độ Flipkart đề nghị sáp nhập với Snapdeal để đương đầu với Amazon nhưng bất thành. Ngày 31/7, Snapdeal tuyên bố theo đuổi chiến lược riêng của mình. Điều thú vị là cổ đông của Flipkart gồm những tên tuổi lớn như Tencent Holdings (Trung Quốc) – đối thủ của Alibaba, eBay (Mỹ), và Naspers (Nam Phi).
Về phần mình, Amazon vào Ấn Độ từ giữa năm 2013, đến nay hoạt động của họ rất phong phú, từ dịch vụ giao hàng Prime Now đến dịch vụ truyền trực tuyến Prime Video. Hiện doanh thu của Amazon ở thị trường này tương đương đối thủ bản địa Flipkart. Do đó, chiến lược sắp tới của Flipkart như thế nào sau thương vụ bất thành với Snapdeal sẽ là mối quan tâm lớn.
Dịch vụ Prime Now của Amazon tại Singapore. Ảnh: Reuters |
Ở Đông Nam Á, vào tháng 4/2016 Alibaba mua cổ phần chi phối tại công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất khu vực là Lazada và nâng sở hữu lên mức 83% vào tháng 6 năm nay sau khi thâu tóm hết cổ phần của nhà sáng lập là Rocket Internet – một startup của Đức.
Alibaba đã rót vào Lazada khoảng 2 tỷ USD, đây là khoản đầu tư ngoài nước lớn nhất của tập đoàn.
Với mạng lưới dày đặc các trang web mua sắm bản địa ở mỗi thị trường, hiện Alibaba cung cấp dịch vụ bán hàng đến tay người dùng lớn nhất tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tại Singapore, hãng đang cạnh tranh với Qoo10, một ông lớn do eBay và Singapore Press Holdings đầu tư.
Sau khi bán cổ phần cho Alibaba, cuối năm 2016 Lazada mua lại startup tạp hóa trực tuyến của Singapore là RedMart nhằm đón đầu sự gia nhập của Amazon.
Vào tháng 4/2017, công ty con của Alibaba là Ant Financial Services Group mua lại mảng thanh toán trực tuyến của Lazada mang tên HelloPay và đổi tên thành Alipay ở những thị trường hãng này có mặt như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Với thị trường Đông Nam Á, cho đến nay Alibaba không chỉ thâu tóm mỗi Lazada. Mới đây, Ant Financial cũng đầu tư vào nền tảng nhắn tin và thanh toán BlackBerry Messenger ở Indonesia. Họ cũng bắt tay với CIMB Group Holdings của Malaysia mở liên doanh chuyên về thanh toán ở nước này.
Còn tại Philippines, Alibaba lập liên doanh thanh toán trực tuyến Mynt với Ayala, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất quốc gia này.
Tại Thái Lan, Ant Financial đầu tư vào bộ phận thanh toán trực tuyến Ascend Money của tập đoàn đa ngành lớn nhất nước này – Charoen Pokphand Group. Ascend Money là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động TrueMoney ở Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Cambodia, và Myanmar.
Ở Malaysia, Alibaba mở trung tâm logistics giúp các công ty trong nước bán hàng qua dịch vụ bán lẻ trực tuyến Tmall của hãng, đây là một trong những thương hiệu bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, dù đã xây dựng cơ sở vật chất và dịch vụ đáng kể ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, nhưng Amazon không có được vị thế như Alibaba.
Tựu chung lại thì Alibaba gặt hái nhiều thành công ở Đông Nam Á hơn Amazon cả về phân khúc dịch vụ và mạng lưới hoạt động, trong khi Amazon có lợi thế hơn ở Ấn Độ.
Tâm điểm chú ý của thị trường trong thời gian tới sẽ là cách thức Amazon mở rộng hiện diện tại Đông Nam Á cũng như cuộc chiến thị phần giữa hai gã khổng lồ với các đối thủ khác trong khu vực.
Amazon - Ngày hội việc làm lớn nhất nước Mỹ 'khủng' cỡ nào? Tới thăm ngày hội việc làm của Amazon ở kho New Jersey, chúng ta sẽ có được một cái nhìn sâu sắc về nền kinh ... |
Sau vài giờ làm người giàu nhất thế giới, CEO Amazon 'trả lại' vị trí số 1 cho Bill Gates Cổ phiếu Amazon tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày 27/7 sau dự báo khả quan về lợi nhuận của hãng giúp tài sản ... |
Amazon vừa tạo một cú hích lớn tại thị trường Đông Nam Á Amazon.com Inc đã chính thức triển khai dịch vụ giao hàng trong 2 giờ tại Singapore, đây được đánh giá là bước đi của gã ... |